Đầu tư công chờ làn gió mới

TRỊNH DŨNG 22/10/2021 05:52

Các điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công phần nào đã được tháo gỡ. Các quy định cụ thể về phân bổ, giao vốn đã ban hành. Hy vọng sẽ trở thành làn gió mới cho việc giải ngân vốn đầu tư công kể từ năm tới.

Hoàn thiện đại lộ 129 (Võ Chí Công) thuộc dự án trọng điểm có tính chất lan tỏa sẽ được bố trí kế hoạch đầu tư vốn (hơn 190 tỷ đồng) từ vốn ngân sách Trung ương năm 2022 để khởi công mới. Ảnh: T.D
Hoàn thiện đại lộ 129 (Võ Chí Công) thuộc dự án trọng điểm có tính chất lan tỏa sẽ được bố trí kế hoạch đầu tư vốn (hơn 190 tỷ đồng) từ vốn ngân sách Trung ương năm 2022 để khởi công mới. Ảnh: T.D

Hoàn thiện danh mục đầu tư

Sau nhiều lần rà soát, lựa chọn, điều chỉnh..., Quảng Nam đã hoàn tất danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Ngày 14.10.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Sở Tài chính, các ngành, địa phương liên quan rà soát danh mục dự án còn lại chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 sẽ sớm được trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chi tiết. Các chủ đầu tư sẽ phải thực hiện điều chỉnh chủ trương, quyết định đầu tư các dự án đảm bảo vốn ngân sách trung ương trong quyết định, chủ trương đầu tư của dự án phải phù hợp với mức vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 luôn được cập nhật, gửi lên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công trước khi Bộ KH&ĐT đóng quyền truy cập (17 giờ ngày 19.10.2021). Một phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 2022 phải được hoàn tất.

Theo Sở KH&ĐT, Chính phủ đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Quảng Nam gần 23.748 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương hơn 16.410 tỷ đồng và vốn trung ương gần 7.338 tỷ đồng). Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 được phê chuẩn khoảng 4.944,264 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách địa phương 3540,138 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương 1404,126 tỷ đồng.

Kế hoạch phân bổ vốn sẽ ưu tiên cho các chương trình, dự án hoàn thành đã được phê duyệt trong giai đoạn 2016 - 2020, vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025.

Các dự án có tính chất liên kết vùng, tái cơ cấu nền kinh tế, hạ tầng các khu đô thị, khu du lịch, chuỗi đô thị động lực vùng Đông, các quy hoạch chi tiết, phân khu, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp, nhất là các dự án động lực, trọng điểm có tính đột phá, lan tỏa, đảm bảo thời gian, đưa vào sử dụng đúng tiến độ sẽ được gia tăng vốn đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, không phân bổ vốn phân tán, dàn trải, góp phần thu hẹp dần khoảng cách, trình độ phát triển kinh tế, thu nhập, mức sống của dân cư giữa các vùng, miền.

Sắp xếp các thứ tự ưu tiên, các dự án, chương trình theo mức độ cấp thiết, quan trọng theo khả năng triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Một số dự án đã phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công 2016 - 2020 hiệu quả không cao đã được rà soát để giảm quy mô, mức vốn đầu tư, tập trung cho các chương trình, dự án khác có hiệu quả hơn.

Chỉ giao kế hoạch vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những dự án có khả năng xã hội hóa hay đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư), ngân sách nhà nước chỉ đầu tư những hạng mục thiết yếu để đón đầu cơ hội đầu tư từ tư nhân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa, hỗ trợ khu vực này phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Hy vọng thay đổi

Mục tiêu, nguyên tắc phân bổ vốn không có gì thay đổi. Nhưng liệu làm thế nào có thể giải ngân 100% vốn chỉ trong 1 năm, không được phép kéo dài sang năm sau (trừ trường hợp bất khả kháng), khi thực tế vẫn còn quá nhiều vướng mắc từ giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, thẩm định dự án... vẫn chưa thể tháo gỡ. Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói, nếu không có phương án, giải pháp hữu hiệu thì điệp khúc “xài không hết vốn đầu tư” sẽ lại tiếp tục xảy ra.

Những cuộc giám sát của chính quyền từ những tháng cuối năm 2021 đã lộ diện điểm yếu về nhân sự, bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục, thẩm định dự án kéo dài... Việc “chẩn đoán, bắt được bệnh” giải ngân yếu đã giúp chính quyền đưa ra các quyết định cụ thể.

Các sở chuyên ngành được lệnh phải thường xuyên rà soát, rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án. Sẽ điều động, trưng dụng cán bộ chuyên môn kỹ thuật từ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh hoặc các đơn vị khác để có thể xử lý công việc trong lúc tập trung hồ sơ thẩm định nhiều, quá tải.

Các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực, uy tín, có kinh nghiệm để nâng cao chất lượng lập hồ sơ không phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, không khoán trắng công việc cho đơn vị tư vấn.

Người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và chất lượng của hồ sơ, thủ tục dự án. Sẽ xem xét, kỷ luật đối với các chủ đầu tư, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây chậm trễ trong việc giải ngân vốn của các dự án. Không đề xuất danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng với người đứng đầu đơn vị, tập thể không hoàn thành tỷ lệ giải ngân theo quy định.

Điểm mới nhất được nhìn thấy rõ là Quảng Nam đã thực sự kiên quyết loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, cắt giảm tối đa số lượng dự án khởi công mới. Kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu tư của dự án.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, các dự án phải hoàn thành tất cả thủ tục đầu tư trong năm 2021 để đầu năm 2022 chính thức triển khai. Nếu đến ngày 30.11.2021 các dự án khởi công mới năm 2022 chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không giao kế hoạch vốn năm 2022. Có thể ít dự án khởi công mới, nhưng là lựa chọn chính xác để có tỷ lệ giải ngân vốn tốt.

Với kế hoạch này, có thể nói quyền tự quyết giải ngân nằm trong khả năng điều hành chính sách của cơ quan quản lý và người thừa hành. Những chủ đầu tư (tức lãnh đạo của địa phương, sở, ban, ngành) sẽ nghĩ gì và ứng xử như thế nào trước đơn vị mình điều hành bị điều chuyển hay mất vốn (đồng nghĩa với không có vốn để xây dựng những dự án đầu tư, góp phần phát triển địa phương).

Nếu một khi có được sự thuận tiện, các điểm nghẽn được tháo gỡ, thấy rõ được trách nhiệm trong xử lý vốn đầu tư hay hiệu quả của các dự án, chắc chắn sẽ không còn một ai biện bạch với đủ lý do cho chuyện không thể giải ngân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư công chờ làn gió mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO