Vốn đầu tư công năm 2024 chỉ bằng 81% so kế hoạch năm 2023. Vốn nhiều hay ít không quan trọng bằng việc các dự án có thực sự bức thiết và giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả hay không!
Giảm vốn đến 19%
Dựa trên kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của Bộ KH-ĐT, số liệu cân đối dự toán thu chi ngân sách của Sở Tài chính, chính quyền Quảng Nam dự kiến tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chỉ khoảng hơn 6.912 tỷ đồng (bằng 81% so kế hoạch vốn 2023). Trong đó, ngân sách địa phương bằng 86% (hơn 4.717 tỷ đồng) và ngân sách Trung ương bằng 71% (hơn 2.194 tỷ đồng).
Sở KH-ĐT cho hay, việc phân bổ số vốn này sẽ thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, sẽ bố trí đủ vốn để hoàn trả cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đủ vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và dự án đường ven biển theo số vốn được Trung ương giao.
Các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2023 sẽ được bố trí đủ vốn. Kế hoạch vốn này tính đến việc dành nguồn lực đối ứng cho dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và các dự án chuyển tiếp (thực hiện theo tiến độ được phê duyệt).
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án theo năng lực thực hiện và giải ngân, số vốn còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.
Các dự án này, nếu chưa kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư (tại thời điểm lập kế hoạch) thì sẽ phải hoàn thiện quyết định đầu tư của các dự án trước khi UBND tỉnh giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2024 (trước ngày 31/12/2023).
Theo kế hoạch phân bổ chi tiết, vốn trong nước nguồn ngân sách Trung ương (858,32 tỷ đồng) chỉ dành cho 1 dự án trọng điểm quốc gia, hoàn trả cho 2 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đối ứng 1 dự án ODA và 12 dự án ngành, lĩnh vực.
Số vốn nước ngoài dành cho 4 dự án chuyển tiếp và chỉ bố trí cho 1 dự án khởi công mới khi bảo đảm thủ tục đầu tư. Nguồn ngân sách địa phương (hơn 4.717 tỷ đồng) sẽ dành cho dự phòng, trả nợ, phân bổ cho cấp huyện, các dự án cấp tỉnh và hỗ trợ các địa phương.
Phân tích cho thấy, lượng vốn năm 2024 sẽ chỉ dành ít ỏi cho các dự án đầu tư khởi công mới trong năm 2024. Ông Nguyễn Quang Thử cho biết, nguồn lực đầu tư suy giảm, nhưng nhu cầu đầu tư cần nhiều dự án, nên phải tính toán cụ thể.
Việc bố trí vốn này sẽ khắc phục tình trạng dàn trải, tạo quyền chủ động cho cấp huyện, xã. Vốn ngân sách chỉ tạo động lực dẫn dắt, thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2024. Các dự án khởi công mới sẽ được cân nhắc, sắp xếp ưu tiên đầu tư hợp lý.
Liệu có giải ngân hết kế hoạch vốn?
Thống kê cho thấy, nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công mỗi năm giảm dần. Chính quyền đã tính toán đến việc mỗi đồng vốn được phân bổ phải có giá trị thực sự hiệu quả để thúc đẩy phát triển. Có thể sẽ ít dự án khởi công mới, nhưng đó là một lựa chọn để có tỷ lệ giải ngân tốt.
Chính quyền tuyên bố thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2024 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024. Một loạt giải pháp đưa ra, từ phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn sẽ được thực hiện ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua, đến việc linh hoạt điều hành kế hoạch vốn, đảm bảo giải ngân 100%.
Chính quyền sẽ kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, dự án chậm thủ tục đầu tư sang các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có đủ năng lực hấp thụ vốn tốt, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, đủ điều kiện bố trí vốn hoặc dành cho việc thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ.
Ông Nguyễn Quang Thử cho biết, UBND tỉnh đã “lệnh” cho các sở chuyên ngành rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án. Kiểm soát năng lực tư vấn, chất lượng hồ sơ.
Các chủ đầu tư sẽ phải xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý, phân công chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện giải ngân từng dự án. Kết quả giải ngân từng dự án cụ thể sẽ là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của người đứng đầu.
Không chỉ vậy, điểm nghẽn cố hữu nhiều năm không gỡ nổi là giải phóng mặt bằng sẽ phải được tăng cường sự phối hợp mật thiết giữa cơ quan công quyền, chính quyền địa phương và chủ đầu tư.
Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án chất lượng và hiệu quả. Hạn chế đến mức tối đa tình trạng hủy thầu hoặc thi công dự án cầm chừng... Sẽ xem xét, kỷ luật đối với các chủ đầu tư, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây chậm trễ trong giải ngân vốn của các dự án...
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nói, cơ quan quản lý cần rà soát, thẩm định, tăng cường công tác công khai, giám sát, xác định sự cần thiết của dự án đầu tư, đánh giá hiện trạng dự án cụ thể và chất lượng công trình. Chấm dứt lý do viện dẫn thi công chậm chạp của các nhà thầu vì thiếu cát, đất, nguyên liệu...
Theo nhìn nhận của nhiều người, nguồn lực nhiều hay ít, cắt giảm tối đa số lượng dự án khởi công mới, loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết... không quá quan trọng bằng việc làm cách gì để có thể sử dụng hết kế hoạch vốn năm 2024.
Có thể số vốn đầu tư theo dự kiến giảm đến 19% so kế hoạch vốn năm 2023, nhưng sẽ gia tăng thêm vốn đầu tư từ Trung ương (thông thường vào cuối năm) và lượng vốn đầu tư sẽ được kéo dài từ năm 2023 chuyển sang khá lớn, sẽ là áp lực lớn cho việc giải ngân năm 2024.
Theo ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, giải ngân phụ thuộc vào việc chuẩn bị đầu tư. Cần chuẩn bị mặt bằng trước. Dự án nào chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng thì đừng bố trí vốn. Nếu không, cứ lặp đi lặp lại thì đầu tư công sẽ không bao giờ giải ngân hết vốn.
Cơ quan quản lý cho biết sẽ tìm mọi phương thức để đạt đến con số giải ngân tối đa, nhưng một nghịch lý vẫn không hề thay đổi là vốn đầu tư công sẽ vẫn luôn chờ, chạy theo dự án để phân bổ, giải ngân vào nền kinh tế.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính đề nghị cần tính đến việc chủ đầu tư để “mất vốn”, chuyển sang các dự án khác phải chịu kỷ luật. Kiểm điểm trách nhiệm hay đánh giá thi đua không quan trọng bằng sự chỉ đạo quyết liệt, khắc phục các điểm nghẽn (thủ tục, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, trách nhiệm chủ đầu tư...) mới thực sự là giải pháp mạnh hơn những chế tài khác để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả.