Đầu tư công nghiệp gắn vùng nguyên liệu

DIỄM LỆ 01/01/2022 05:55

Với cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, một “trang mới” về đầu tư công nghiệp sẽ mở ra với các huyện trung du, miền núi.

Mặt bằng cụm công nghiệp Trà Mai - Trà Don đã được đầu tư bước đầu. Ảnh: D.L
Mặt bằng cụm công nghiệp Trà Mai - Trà Don đã được đầu tư bước đầu. Ảnh: D.L

Nhà máy gắn vùng dược liệu

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Mặt bằng đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), giao thông, vận chuyển... là những cái khó của một huyện miền núi cao trong kêu gọi, thu hút đầu tư công nghiệp (CN).

Tuy nhiên, huyện đã xác định phát triển mạnh dược liệu thì phải kêu gọi nhà máy chế biến tại chỗ. Huyện đã quy hoạch và đầu tư vào CCN Trà Mai - Trà Don với diện tích 5ha. CCN này gắn với vùng dược liệu trong nhân dân, nên việc kêu gọi đầu tư cũng ưu tiên những nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dược liệu.

Phát triển công nghiệp tại chỗ giúp liên kết những hộ dân, tổ sản xuất dược liệu với nhau, phát triển cây dược liệu để cung ứng cho nhà máy. Việc làm cho lao động được giải quyết, thu nhập trong nhân dân từ cây dược liệu sẽ tốt hơn”.

Tại CCN Trà Mai - Trà Don, Công ty CP Nông sản và dược liệu Trà My đang xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ dược liệu trên diện tích hơn 17.000m2 , vốn đăng ký 98,5 tỷ đồng.

Nam Trà My đầu tư 18,5 tỷ đồng triển khai hạ tầng CCN gồm giao thông nội bộ, trạm biến áp 630kVA, san nền, kè bảo vệ dọc bờ sông. Nam Trà My đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, chất thải, tường rào CCN, với nguồn vốn 10 tỷ đồng.

Theo ông Trần Duy Dũng, dựa trên cơ chế đầu tư CCN mới của tỉnh, Nam Trà My sẽ tiếp tục phát triển thêm 2 CCN mới là Trà Nam - Trà Linh và Trà Dơn - Trà Leng. Mỗi CCN có diện tích 5ha, đều gắn với vùng sản xuất nguyên liệu của người dân, tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ sản phẩm, nâng thu nhập, giải quyết việc làm. Huyện đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất dược liệu.

Ưu tiên dự án tạo chuỗi giá trị

Tiên Phước hội tụ nhiều yếu tố để kêu gọi đầu tư vào CCN: hạ tầng giao thông kết nối liên thông, mặt bằng rộng mở... Cơ chế đầu tư CCN giai đoạn mới của tỉnh được kỳ vọng sẽ giúp Tiên Phước có thêm điều kiện kêu gọi đầu tư. Huyện có 4 CCN được quy hoạch, diện tích 104,7ha, trong đó đã đi vào hoạt động 2 CCN gồm Tài Đa (Tiên Phong) và CCN số 1 (Tiên Cảnh).

Nhà máy chế biến dăm gỗ gắn với vùng nguyên liệu rừng trồng ở Tiên Phước. Ảnh: D.L
Nhà máy chế biến dăm gỗ gắn với vùng nguyên liệu rừng trồng ở Tiên Phước. Ảnh: D.L

Hai CCN trên đã có 10 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 4 dự án đi vào hoạt động, 2 dự án đang đầu tư xây dựng, 3 dự án đang làm thủ tục đầu tư, 3 dự án đang thuê đất, tổng vốn đăng ký khoảng 290 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%. Các dự án đang có 1.100 lao động làm việc. Giá trị sản xuất CN khoảng 600 tỷ đồng/năm, đóng góp vào ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng/năm.

Tiên Phước đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các CCN theo cơ chế mới: CCN Tài Đa phần mở rộng với diện tích 55ha với tổng vốn 200 tỷ đồng, CCN Rừng Cấm (Tiên Hiệp) tổng vốn 50 tỷ đồng, CCN Tiên Cẩm kinh phí đầu tư 50 tỷ đồng (đang hoàn chỉnh thủ tục bổ sung quy hoạch).

Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “So với các huyện trung du, miền núi, Tiên Phước có nhiều điều kiện kêu gọi đầu tư CN. Huyện có nguồn nguyên liệu sản xuất phong phú trong nhân dân, đặc biệt gỗ rừng trồng, nông sản và nguồn lao động tại chỗ dồi dào.

Huyện sẽ tập trung kêu gọi các dự án giải quyết nhiều lao động và dự án có hàm lượng công nghệ cao nhằm kéo theo được các dự án CN phụ trợ. Huyện ưu tiên dự án đầu tư tạo ra được chuỗi giá trị, phát triển sản xuất, liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu sản xuất của nhân dân, tạo việc làm hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Tiên Phước đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các CCN giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng mở rộng quy mô, số lượng CCN”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư công nghiệp gắn vùng nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO