Đầu tư giảm nghèo còn dàn trải

HOÀNG LIÊN 26/06/2018 14:13

Việc đầu tư nguồn lực cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, manh mún; giải pháp, phương thức tiếp cận, hỗ trợ giảm nghèo chưa có chiều sâu, chưa tạo động lực giảm nghèo bền vững là những tồn tại ở Đại Lộc thời gian qua.

Xã Đại Thạnh xác định cây chè An Bằng là sản phẩm chủ lực. Ảnh: H.L
Xã Đại Thạnh xác định cây chè An Bằng là sản phẩm chủ lực. Ảnh: H.L

Đầu tư dàn trải

Hai năm qua, Đại Lộc đã đầu tư nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều phương thức giảm nghèo, bước đầu có những kết quả nhất định. Toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng 353 nhà ở cho hộ nghèo phòng tránh lụt bão; 131 ngôi nhà tình thương cho hộ khó khăn về nhà ở với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng; cấp bù chi phí học tập và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 12.715 lượt học sinh, sinh viên; hỗ trợ cho 3.348 hộ nghèo nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất với số tiền gần 1 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2017, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 1.566 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ hơn 8,7 tỷ đồng. Từ các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm mạnh từ 8,39% năm 2015 xuống còn 5,66% vào cuối năm 2017.

Theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, bên cạnh thành quả đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là, tập quán sản xuất của hộ nghèo còn hạn chế, năng suất lao động thấp, việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay chưa cao, nhiều mô hình phát triển kinh tế vẫn chưa đến được với hộ nghèo. Các nguồn vốn vay ưu đãi còn chồng chéo, chương trình cho vay nhà ở xã hội và nhà ở tránh lũ còn bất cập, nguồn vốn vay hỗ trợ còn thấp nên nhiều hộ dù đã đăng ký vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà nhưng cuối cùng không vay do thiếu vốn đối ứng…

Tại buổi làm việc giữa Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh với UBND huyện Đại Lộc mới đây, nhiều thành viên của Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh nhận xét, qua kiểm tra thực tế về chương trình, mô hình, dự án giảm nghèo trên địa bàn xã Đại Thạnh nói riêng và Đại Lộc nói chung, giai đoạn 2016 - 2017 vẫn chưa có mô hình giảm nghèo tạo chuyển biến mạnh mẽ. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh chia sẻ, vẫn chưa đánh giá cụ thể được bao nhiêu mô hình giảm nghèo bền vững, hiệu quả, bao nhiêu mô hình được nhân rộng gắn với con người, địa chỉ cụ thể để cho thấy công tác giảm nghèo không phải là hình thức. “Nhìn chung, mô hình hỗ trợ, phát triển sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán chưa tạo động lực giảm nghèo bền vững; nhiều địa phương còn lúng túng trong chọn cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi để hỗ trợ, nhiều mô hình hỗ trợ chưa gắn kết với đầu ra sản phẩm. Công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các mô hình, dự án hỗ trợ còn chưa chú trọng đúng mức. Những tồn tại trên cần được khắc phục trong thời gian tới” - ông Đức nói.

Chuyển biến chưa rõ nét

Đại Thạnh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đại Lộc. Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết, giai đoạn 2016-2017, tổng vốn hỗ trợ giảm nghèo của xã là 560 triệu đồng, hỗ trợ 90 hộ. Năm 2016, nguồn vốn hỗ trợ là 295 triệu đồng (vốn chương trình 135 hơn 269 triệu đồng, vốn nông thôn mới là 25 triệu đồng) chủ yếu sử dụng để hỗ trợ hộ nghèo mua bò giống (8 triệu đồng/hộ/bò giống). Năm 2017, nguồn vốn phát triển sản xuất được phân bổ về xã là 291 triệu đồng, hỗ trợ 33 hộ dân có điều kiện cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả; hỗ trợ 4 máy tách hạt bắp cho hộ nghèo. Hộ nghèo của xã còn được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ giai đoạn 2016 - 2017 là 2,7 tỷ đồng. Nhìn chung, nguồn vốn hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu hỗ trợ thực tế từ người nghèo, chưa đủ sức tạo động lực giúp người nghèo có sinh kế ổn định để vươn lên thoát nghèo.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhìn nhận, để giảm nghèo hiệu quả, trước mắt xã Đại Thạnh cần xem đối tượng cây công nghiệp để tập trung là cây chè An Bằng. Cơ hội của phát triển là khi có Dự án khôi phục và phát triển vùng chè xanh An Bằng do Bộ Khoa học - công nghệ hỗ trợ. “Nguồn hỗ trợ 135 có, nông thôn mới cũng có, quan trọng là cách thức tổ chức. Sắp tới sẽ tính tới việc tập trung hỗ trợ mạnh cho hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, những hộ không chịu thoát nghèo nhất định sẽ không được hỗ trợ, trừ đối tượng người nghèo bệnh tật, đối tượng bảo trợ xã hội” - ông Mẫn chia sẻ.

Theo tinh thần Nghị quyết Huyện ủy về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Đại Lộc phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 2% (trừ đối tượng bảo trợ xã hội). Cuối năm 2017, tổng số hộ nghèo của huyện là 2.320 hộ (5,66%), số hộ nghèo có thể tác động để thoát nghèo là 632 hộ. Năm 2018, Đại Lộc xác định một số giải pháp trọng tâm thúc đẩy giảm nghèo. Đó là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo, nâng cao năng lực hoạt động của các ban chỉ đạo giảm nghèo. Tăng cường công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, lập danh sách hộ có khả năng thoát nghèo để hỗ trợ phù hợp. Chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết lao động việc làm nông thôn...

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư giảm nghèo còn dàn trải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO