Đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp

THÀNH CÔNG 12/11/2018 02:22

Cùng với việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Núi Thành triển khai đồng bộ các chính sách đầu tư, quản lý đầu tư, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhờ đầu tư đồng bộ, hiệu quả, nhiều vụ thu hoạch trên địa bàn Núi Thành đạt năng suất, sản lượng cao. Ảnh: V.P
Nhờ đầu tư đồng bộ, hiệu quả, nhiều vụ thu hoạch trên địa bàn Núi Thành đạt năng suất, sản lượng cao. Ảnh: V.P

Kết quả khả quan

Trong cơ cấu lao động huyện Núi Thành, tỷ lệ lao động trong ngành nông - lâm - thủy sản chiếm hơn 58%. Điều đó cho thấy, ngành nông nghiệp vẫn có vị trí quan trọng đặc biệt trong phát triển chung của địa phương. Hiện tại, ngoài hai đề án phát triển kinh tế chăn nuôi và kinh tế thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đang được thực hiện, Núi Thành còn có chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi và miền biển, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Co ở xã Tam Trà. Nguồn vốn 187 tỷ đồng trong kế hoạch cũng đã được phê duyệt trong chương trình kiên cố kênh mương loại 3, thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu trên địa bàn huyện. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hướng dẫn các ngành, địa phương trên địa bàn huyện liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp địa phương.

Theo ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, nhiều chủ trương, chính sách được ban hành kịp thời từ Trung ương đến địa phương đã có tác động tích cực đến việc đầu tư phát triển hạ tầng, khuyến khích sản xuất nông nghiệp. “Các chủ trương này thể hiện tính nhất quán, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện đã từng bước thay đổi đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, tạo điều kiện huy động được mọi nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện được thúc đẩy nhanh theo hướng gia tăng giá trị sản xuất, giá trị hàng hóa trên một đơn vị canh tác, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân” - ông Linh nói.

Lồng ghép các nguồn lực

Thống kê sơ bộ của UBND huyện Núi Thành cho thấy, hệ thống kênh mương, các công trình thủy lợi, hồ chứa trên địa bàn huyện từng bước được kiên cố hóa đã đảm bảo phục vụ tưới cho hơn 91% diện tích canh tác trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều hồ chứa, đê ngăn mặn và kênh mương xây dựng từ lâu đã xuống cấp cần được đầu tư, nâng cấp để đảm bảo an toàn trong phòng chống thiên tai và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ thực trạng trên, trong giai đoạn 2015 - 2018, địa phương đã đầu tư hơn 124 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến trong lĩnh vực này ở địa phương, với 164 dự án đã đầu tư và 37 dự án đang đầu tư mới năm 2018. Nguồn lực này được huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách trung ương đến địa phương, huy động sức đóng góp của nhân dân và các nguồn lực xã hội khác. Chưa kể, Núi Thành còn lồng ghép đầu tư từ các nguồn vốn khác như nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí, vốn thực hiện chính sách hỗ trợ đất lúa, khắc phục bão lụt… với tổng giá trị hơn 17 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho hay, việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quản lý chặt chẽ, tuân thủ theo quy hoạch phát triển của huyện. Các công trình đầu tư đều có sự tham gia giám sát chặt chẽ của cộng đồng vùng được hưởng lợi, tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng, vận hành có hiệu quả. Tất cả công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều được giao cho đơn vị quản lý cụ thể, vận hành khai thác, hàng năm trích khấu hao, chi phí sửa chữa thường xuyên nhằm bảo dưỡng tốt công trình sau đầu tư. “Với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi đã góp phần mở rộng diện tích tưới tiêu chủ động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Trong thời gian tới, định hướng của địa phương là sẽ tiếp tục tập trung chủ động huy động các nguồn lực của địa phương, tranh thủ các nguồn lực, ưu tiên thực hiện các công trình dự án trọng điểm như tuyến kênh N1 – trạm điện (xã Tam Xuân 1), kênh Bàu Sấu – Cửa Đình (xã Tam Anh Nam)… các công trình thủy lợi nhỏ như đập Hố Trâu, trạm bơm Vực Bùi (xã Tam Trà), thủy lợi hóa đất màu ở xã Tam Thạnh, Tam Tiến…” - ông Thịnh nói.

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO