Hàng chục dự án, công trình đầu tư hạ tầng, giao thông, dịch vụ… tại TP.Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn phải cắt giảm do thiếu vốn, nguyên nhân là hoạt động du lịch đình trệ, nguồn thu sụt giảm.
Cắt giảm đầu tư
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An, trong năm 2020 thành phố phải cắt hơn 30 công trình, dự án do không có kinh phí, chủ yếu là công sở, trường học, đường giao thông tại các xã, phường, chỉ để lại các công trình trọng yếu như cầu Thanh Nam, bãi đậu xe, các tuyến đường nội thị… Tuy nhiên, một số bãi đậu xe dù được ưu tiên kinh phí nhưng không kịp tiến độ do vướng Nghị định 68 về thay đổi đơn giá, phải dừng lại để các ngành liên quan của tỉnh thẩm định.
Năm 2020, TP.Hội An liên tiếp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, bão lụt, sạt lở khiến hoạt động du lịch đình trệ, lượng khách tham quan lưu trú sụt giảm hơn 70%. Nguồn thu năm 2020 chỉ đạt 60% kế hoạch (nếu trừ các khoản chuyển nguồn, quỹ đất từ năm 2019 sang thì thu thực tế chỉ đạt 40% kế hoạch).
Tương tự, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, dịch bệnh cũng khiến sụt giảm 76% lượng khách tham quan, chỉ còn hơn 102 nghìn lượt, tổng doanh thu đạt hơn 16 tỷ đồng, giảm 76,3% so với năm 2019.
Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, nguồn thu sụt giảm đã dẫn đến việc huy động nguồn vốn hạn chế khiến các giải pháp phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển hạ tầng khu vực ngoài Khe Thẻ bị chậm, kéo theo các sản phẩm mới đưa vào khai thác khó hoàn thành đúng tiến độ. Bên cạnh đó, một số hạng mục dịch vụ cũng dẫm chân tại chỗ, điển hình như di dời nhà biểu diễn văn nghệ Chăm ra khỏi vùng lõi di tích, dự kiến kinh phí khoảng 9 tỷ đồng cũng “đóng băng” do không có nguồn vốn.
Ngoài ra, một số chương trình phối hợp trùng tu với các tổ chức, cá nhân tại Mỹ Sơn cũng trở ngại về vốn dẫn đến triển khai chậm hoặc chưa triển khai, kể cả công tác nghiên cứu khoa học, khai quật, khảo cổ, trưng bày, triển lãm cũng hạn chế.
“Thông thường kinh phí đầu tư đều được trích từ quỹ đầu tư phát triển của Mỹ Sơn, nhưng bây giờ khách sụt giảm, không có nguồn thu nên chúng tôi phải ứng vào quỹ này để lo cho đời sống anh em, xem như mượn tiêu trước, thời điểm thuận lợi phải hoàn trả lại” - ông Hộ nói.
Tìm nguồn thay thế
Gần 10 năm qua, kinh tế Hội An chủ yếu phụ thuộc vào các hoạt động du lịch. Tính đến năm 2019, ngành thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 71% cơ cấu kinh tế thành phố, thậm chí một số ý kiến cho rằng con số thực tế có thể hơn 90% vì hầu hết ngành khác từ nông nghiệp, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đến công nghiệp, sản xuất làng nghề… đều hướng đến phục vụ du lịch.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, năm 2021 thành phố sẽ cố gắng khởi động lại một số dự án ưu tiên, đặc biệt đẩy mạnh khai thác quỹ đất tại một số vùng ven để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Dự kiến, hơn 25ha đất tại Thanh Hà và Cẩm Nam (Thanh Hà 21ha) sẽ được khai thác đấu giá nhằm thu về khoảng 460 tỷ đồng (chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2021). Tuy nhiên, số tiền trên chủ yếu ưu tiên trả nợ một số công trình trọng yếu như cầu Thanh Nam nên sẽ không còn nhiều để đầu tư mới các công trình. Dù vậy, việc khai thác quỹ đất cũng chưa thể triển khai do phải chờ cơ chế của tỉnh, sớm nhất tháng 3.2021 mới có thể quyết được danh mục.
“Lâu nay thành phố ít khai thác quỹ đất vì thu ngân sách tốt nhưng bây giờ khó quá, thuế má thu không có nên phải dựa vào đất, trước mắt sẽ đầu tư hạ tầng tới đâu đấu giá tới đó để có nguồn thu” - ông Sơn cho biết.
Theo ông Phan Hộ, sớm nhất 2 năm tới, du lịch mới có thể phục hồi. Chưa kể, Di sản văn hóa Mỹ Sơn hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào dòng khách quốc tế, trong khi đường bay chưa biết khi nào được nối lại nên từ đây đến năm 2023 hoạt động đón khách chắc chắn khó khăn, đồng nghĩa nguồn thu khó đảm bảo để đầu tư các hạng mục hạ tầng, dịch vụ khu vực di sản.
“Trước đây chúng tôi không bao giờ nghĩ đến tình trạng bi đát như năm qua, dịch bệnh đã kéo hoạt động đón khách của Mỹ Sơn trở về 20 năm trước” - ông Hộ chia sẻ.
Trong báo cáo định hướng phát triển năm 2021, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng chỉ dám đặt ra mục tiêu khiêm tốn là đón khoảng 200 nghìn lượt khách tham quan, tăng khoảng 93% so với năm 2020 và bằng gần 45% so với năm 2019.