Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua đã thông qua nhiều chủ trương về đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để hệ thống hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhiều tuyến đường huyện lầy lội sẽ được kiên cố hóa.Ảnh: CÔNG TÚ |
Bước đột phá
5 năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Các tuyến do trung ương quản lý lần lượt triển khai thi công như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường tuần tra biên giới và Đông Trường Sơn. Bằng nguồn trái phiếu chính phủ, quốc lộ 24C kết nối với tỉnh Quảng Ngãi đã đưa vào sử dụng. Đường Hồ Chí Minh được tiếp tục kiên cố hóa ta luy chống sạt lở. Đặc biệt, quốc lộ qua địa bàn Quảng Nam được Bộ GTVT đồng ý nâng cấp mở rộng là thành công lớn trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh. Nhìn trục ngang đông - tây, quốc lộ 40B (nguồn trái phiếu chính phủ) làm xong giai đoạn 1 và thông tuyến lên tới tỉnh Kon Tum; các tuyến quốc lộ 14G, 14B, 14D, 14E cũng được Bộ GTVT nghiên cứu mở rộng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, 5 năm qua, Quảng Nam làm mới 7km và thực hiện nâng cấp hơn 120km tuyến tỉnh lộ (ĐT) từ nguồn cân đối ngân sách địa phương và nguồn vốn vay. Qua nguồn trái phiếu chính phủ, tỉnh đã đầu tư hơn 400km thuộc các tuyến đường ô tô đến trung tâm của 29 xã; các cầu lớn bắc qua sông Leng, sông Tranh, sông A Vương được đưa vào sử dụng; cầu Cửa Đại đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương và nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, cầu Gò Nổi xây dựng mới đã phục vụ người và phương tiện qua lại an toàn; cầu Kỳ Phú 1 & 2 nối trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ xuống vùng đông sẽ sớm phát huy hiệu quả. Từ nguồn khai thác quỹ đất và hỗ trợ của dự án ODA, các địa phương nâng cấp được 100km đường đô thị, nâng tỷ lệ nhựa hóa đạt trên 97%.
Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh ưu tiên sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, hỗ trợ theo mục tiêu ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ và vốn ODA để đầu tư hoàn thành cầu Giao Thủy. Đồng thời sửa chữa và nâng cấp các tuyến trục ngang gồm: ĐT616 đoạn Tam Kỳ - Tam Thanh giai đoạn II (quốc lộ 40B), đường Điện Biên Phủ (Tam Kỳ), ĐT613 đoạn quốc lộ 14E đến cầu Bình Dương (Thăng Bình), ĐT610 nối Nông Sơn, ĐT610 từ quốc lộ 1 đến đường ven biển (Duy Xuyên)… Trong khi đó, đề án kiên cố các tuyến ĐH được thực hiện từ nguồn vốn vay và ngân sách tỉnh dự kiến 750 tỷ đồng. |
Nhờ chủ trương cứng hóa hệ thống đường huyện (ĐH), đường xã (ĐX) và giao thông nông thôn (GTNT), tình trạng “mưa lầy nắng bụi” ở các tuyến đường của nhiều địa phương dần được giải tỏa, khớp nối với trục ngang - dọc, lưu thông trong nội bộ và giữa các vùng miền thuận tiện hơn. Người dân sống ven tuyến đường từ Bình Quế đi Bình An (Thăng Bình) đầy đất và sình lầy, bây giờ thở phào nhẹ nhõm vì bề mặt đường đã đổ bê tông xi măng theo cơ chế tỉnh hỗ trợ “đặc biệt” cho đường huyện (ĐH) vì địa phương khó về nguồn lực (Thăng Bình chiếm 20% chiều dài ĐH và GTNT toàn tỉnh). Trong khi đó tại các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, Bắc Trà My, Tiên Phước, Đại Lộc, Núi Thành… người dân vui mừng vì nhiều tuyến xe buýt ra đời, giúp việc đi lại được thuận lợi.
Kỳ vọng hạ tầng giao thông
Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII mới đây, phát triển hạ tầng GTVT lại tiếp tục được đông đảo cử tri và đại biểu bàn luận. Hầu hết ý kiến đều đồng tình về dự thảo “Quy hoạch phát triển GTVT Quảng Nam đến 2020, tầm nhìn 2030” vì đây là cơ sở để xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới GTVT; đảm bảo phát triển một cách khoa học, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó xác định nguồn lực, tiến độ, giải pháp thực hiện trong kế hoạch hàng năm; đồng thời xác định các nội dung ưu tiên đầu tư cho giai đoạn này. Phát triển GTVT phải phù hợp với Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam; hài hòa giữa đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không… Đại biểu Đoàn Văn Viên - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng, nội dung quy hoạch đã khá rõ ý, vấn đề là ngành chuyên môn và địa phương cần bám vào đó để thực hiện cho tốt. Một số đại biểu thì đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu bổ sung thêm tuyến vận tải Đông Giang - Tam Kỳ; bố trí số lượng phương tiện hợp lý để giải quyết nhu cầu đi lại trên tuyến Hội An - Tam Kỳ, Tam Kỳ - Quảng Ngãi.
Về đề án “Kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020”, các đại biểu nhất trí cao vì mục tiêu đặt ra rất thực tế và xác đáng. Đại biểu Mai Đình Lự - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc cho rằng đề án là sự trợ lực kịp thời cho các huyện vì kinh phí của cấp quản lý trực tiếp này quá hạn hẹp. Kiên cố hóa mặt đường ĐH trở thành nhu cầu bức thiết cần giải quyết để tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn; tạo điều kiện để nhân dân khu vực nông thôn tiếp cận với hệ thống ĐT, quốc lộ, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đại biểu Võ Hồng - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đề nghị cần xem xét đầu tư kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa ở một số đoạn tuyến có vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng và không ngập nước để giảm suất đầu tư và thuận tiện, an toàn khi lưu thông. Còn theo đại biểu Lê Tấn Trung - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, tỉnh cần chú trọng đầu tư một số tuyến ĐH liên huyện để nâng thành tỉnh lộ (ĐT) cho dễ bảo trì và quản lý. Tránh tình trạng đường hư hỏng mà 2 huyện… cứ nhìn nhau không chịu sửa chữa gây mất an toàn giao thông.
CÔNG TÚ