Huyện
Cầu Bến Giằng đang xuống cấp, khó đảm bảo cho phương tiện tải trọng lớn lưu thông. Ảnh: C.T |
Nằm cách Tam Kỳ khoảng 120km về phía tây bắc, Nam Giang là một trong những huyện miền núi cao, biên giới của Quảng Nam với địa hình chủ yếu đất đồi núi dốc cao, bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Do đặc thù như vậy, công tác đầu tư HTGT trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ông Nguyễn Đức Đúng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ, những năm qua địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm phát triển HTGT. Trong đó, xác định việc phát triển giao thông, giao thông nông thôn theo quy hoạch, thứ tự ưu tiên, nâng cao chất lượng tuyến đường, gắn kết việc phát triển giao thông nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới là những nhiệm vụ quan trọng, cơ bản về đầu tư xây dựng hạ tầng nói chung của địa phương.
Nam Giang đã thực hiện nhiều giải pháp huy động vốn đa dạng từ nguồn mục tiêu quốc gia của Trung ương, tỉnh đồng thời lồng ghép có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án 135, nguồn lực của huyện và huy động nhân dân đóng góp. Ông Đúng cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, Nam Giang đã tiến hành đầu tư mới, duy tu và sửa chữa đường giao thông khoảng 85km. Huyện đã dành hơn 40 tỷ đồng để xây dựng 36 công trình, bao gồm đường giao thông nông thôn và cầu treo. Nỗ lực thực hiện công tác đầu tư của địa phương bước đầu đáp ứng cơ bản cho việc đi lại của nhân dân, lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Kế hoạch thời gian đến, huyện tiếp tục triển khai xây dựng đường bê tông xi măng cho các thôn trên địa bàn. Đặc biệt, Nam Giang chú trọng đầu tư làm đường phục vụ dân sinh từ xã La Êê đến trung tâm xã Chơ Chun mới được chia tách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về chủ trương làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và lồng ghép vào các chương trình của địa phương. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện bám sát tình hình thực tế, kiểm tra phát hiện và sửa chữa kịp thời những tuyến đường hư hỏng do địa phương chịu trách nhiệm quản lý; đồng thời phân cấp quản lý cho các xã, thị trấn làm chủ đầu tư đối với công trình quy mô nhỏ…
Tuy nhiên, theo ông Thái Minh Hoàng - Phó Trưởng ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Nam Giang, việc triển khai đầu tư HTGT theo kế hoạch của địa phương gặp không ít khó khăn. Trong đó, nhiều tuyến đường cần nguồn lực lớn mà ngân sách lại hạn chế, huy động nội lực không dễ dàng. Theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vốn từ đồng bào đóng góp cho phát triển giao thông rất khó. Chính vì vậy, huyện mong muốn Trung ương và tỉnh sớm bố trí nguồn kinh phí xây dựng tuyến đường ô tô đến trung tâm xã Chơ Chun. Do chưa có đường, công tác đầu tư xây dựng trung tâm hành chính xã, hệ thống điện, trường, trạm y tế chưa thể triển khai thực hiện. Tiếp tục đầu tư tiếp 2km tuyến đường nối các xã biên giới, đoạn Đồn Biên phòng Đắc Pring - trung tâm xã Đắc Pring; tuyến giao thông liên thôn Đắc Ốc đi 3 thôn cánh tây xã La Dêê. Do phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc thiết bị thi công các công trình thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2 và Xêkaman chở quá tải khiến nhiều đoạn trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 14D đi từ trung tâm hành chính huyện đến biên giới Việt - Lào hư hỏng nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc lưu thông và đảm bảo an toàn giao thông. Địa phương đề nghị các bên liên quan tiếp tục bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp mặt đường; đồng thời xây dựng mới cầu Bến Giằng trên tuyến bằng bê tông cốt thép thay thế cầu sắt đã xuống cấp.
CÔNG TÚ