Những năm qua, mặc dù tỉnh tập trung huy động nguồn lực tài chính khá lớn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng xem ra vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…
Do hạ tầng thủy lợi chưa được xây dựng đồng bộ nên nhiều diện tích đất sản xuất lúa của Quế Sơn thường phải bỏ hoang trong vụ hè thu. Ảnh: VĂN SỰ |
Nỗ lực đầu tư
Ông Phạm Văn Du - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Duy Sơn 2 (Duy Xuyên) cho biết, do trạm bơm Hoàn Châu và hệ thống kênh đầu mối được xây dựng cách đây hơn 40 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng khiến 60ha lúa trên địa bàn 2 thôn Trà Châu, Kiệu Châu của xã Duy Sơn thường bấp bênh nước tưới. Trước tình trạng đó, từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ, giữa năm 2016 Hợp tác xã Duy Sơn 2 đầu tư 2,7 tỷ đồng nâng cấp trạm bơm điện Hoàn Châu và kiên cố hóa 300m kênh chính của công trình này. Ông Du chia sẻ: “Công trình hoàn thành vào đầu năm 2017, nhờ vậy trong 4 vụ gần đây, số diện tích lúa nêu trên luôn đảm bảo nước tưới và năng suất tăng mạnh”.
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, từ năm 2015 đến nay huyện đã chi hơn 120 tỷ đồng thi công kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 44 tỷ đồng, vốn đối ứng của ngân sách huyện 76 tỷ đồng. Ông Năm nói: “Từ nguồn kinh phí này, ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương chủ yếu ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống đập dâng, trạm bơm điện; kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng và xây dựng nhiều công trình thủy lợi hóa đất màu. Nhờ điều kiện sản xuất thuận lợi, những năm qua nông dân đã nâng cao hệ số sử dụng ruộng đất từ 1,8 lần/năm lên 2,8 lần/năm, đặc biệt là giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Nếu năm 2014 trở về trước bình quân thu nhập hàng năm khoảng 18 - 22 triệu đồng/ha thì năm 2018 này đạt 65 - 70 triệu đồng, có một số nơi đạt hơn 110 triệu đồng/ha/năm”.
Không riêng Duy Xuyên, 4 năm trở lại đây tỉnh cũng ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính khá lớn cho nhiều địa phương khác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, giai đoạn 2015 - 2018 tổng nguồn vốn chi cho lĩnh vực này hơn 2.001 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 713 tỷ đồng, ngân sách trung ương gần 852 tỷ đồng và vốn ODA hơn 436 tỷ đồng. Theo đó, toàn tỉnh triển khai thực hiện tổng cộng 1.377 dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Còn ông Phạm Đình Thành - Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính (Sở NN&PTNT) cho biết: “Thực tế cho thấy, trong tổng số dự án đã triển khai thì hạ tầng thủy lợi chiếm tỷ trọng lớn với nhiều công trình được xây dựng hoàn thành, nhờ vậy đảm bảo phục vụ tưới cho hơn 86% diện tích lúa nước và gần 12.000ha đất màu. Trên lĩnh vực thủy sản, nhiều cơ sở nuôi trồng được củng cố và bước đầu đã chủ động kiểm soát con giống, dịch bệnh. Nhờ thế, những năm gần đây năng suất và chất lượng sản phẩm tăng mạnh. Không chỉ vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá từng bước đi vào quản lý, khai thác hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn cho việc phòng tránh bão của ngư dân…”.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, từ năm 2015 đến nay địa phương tiếp tục linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn từ ngân sách nhà nước các cấp, tích cực vận động nhân dân đóng góp và huy động các nguồn lực xã hội khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí 279 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu ưu tiên kiên cố hóa hệ thống kênh mương, xây mới và nâng cấp các trạm bơm điện, đập dâng... Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đầu tư trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Theo ông Sửu, hiện nay Quế Sơn có 4.060ha đất lúa và 6.868ha đất màu. Thế nhưng, kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện mới chỉ đảm bảo phục vụ nước tưới cho 75% diện tích đất lúa và hơn 8% diện tích đất màu. Do vậy, việc sản xuất của nông dân gặp không ít khó khăn, nhất là trong vụ hè thu thường có nhiều chân đất phải bỏ hoang hoặc gieo trồng không mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nhìn nhận, số tiền hơn 2.001 tỷ đồng đã huy động, lồng ghép từ nhiều kênh vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2018 còn quá thấp. Bởi, khoản kinh phí vừa nêu mới chỉ chiếm tỷ lệ 8,5% so với tổng nguồn vốn đầu tư toàn tỉnh trong 4 năm nay. Ông Thanh cho biết thêm, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các quy hoạch của lĩnh vực thủy lợi, thủy sản, chăn nuôi, phát triển rừng… thời gian tới nhất thiết tỉnh phải lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp theo hướng đa mục tiêu, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa đảm bảo phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguyên tắc bố trí vốn sẽ tiếp tục thực hiện theo thứ tự ưu tiên là công trình hoàn thành - công trình chuyển tiếp - công trình khởi công mới.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, giai đoạn 2019 - 2020 nhu cầu về nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh khá lớn. Ông Thanh nói: “Đối với các công trình hoàn thành và đang thực hiện, trong 2 năm tới tổng nhu cầu vốn của những dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và ODA là hơn 1.459 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các nguồn vốn chỉ gần 1.123 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 2019 - 2020 nhu cầu đầu tư xây dựng mới hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương ít nhất là 77 công trình với tổng dự toán khoảng 6.114 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay mới chỉ có 13 công trình đã xác định được nguồn vốn đầu tư với số tiền khoảng 3.045 tỷ đồng, chưa đạt 50% nhu cầu”.
NGUYỄN SỰ