Đầu tư khoa học công nghệ cấp huyện

HOÀNG LIÊN 30/03/2021 05:36

Việc cải thiện cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN) cấp huyện, lồng ghép các nguồn lực, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-CN phục vụ sản xuất và đời sống là yêu cầu cấp thiết.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất bạc màu huyện Phú Ninh. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Mô hình trồng cây ăn quả trên đất bạc màu huyện Phú Ninh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Từng bước khởi sắc

Theo Sở KH-CN, giai đoạn 2016 - 2020, nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN tỉnh phân bổ có mục tiêu cho sự nghiệp KH-CN cấp huyện dần được cải thiện song chưa đáng kể, tổng kinh phí phân bổ đạt hơn 16,5 tỷ đồng. Kinh phí tỉnh bố trí cho các nhiệm vụ KH-CN cấp huyện chiếm hơn 70% tổng số kinh phí sự nghiệp KH-CN của tỉnh phân bổ cho các địa phương hàng năm.

Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN), cho hay giai đoạn 2010 - 2015, hoạt động KH-CN cấp huyện chưa được chú trọng, nhiều địa phương còn “trắng” cán bộ chuyên trách thì giai đoạn 2016 - 2020 đã có sự chuyển biến. Một số địa phương đã có sự cân đối kinh phí cấp huyện cho hoạt động KH-CN (Hội An, Điện Bàn, Núi Thành).

Giai đoạn 2018 - 2020, nhiệm vụ KH-CN cấp huyện được triển khai dưới hình thức xây dựng các mô hình ứng dụng KH-CN để hỗ trợ phát triển một số sản phẩm chủ lực của địa phương, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; liên quan đến bảo tồn và sản xuất các sản phẩm đặc trưng địa phương theo hướng hàng hóa.

Nhìn chung, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH-CN ở các huyện, thị xã, thành phố có khởi sắc, nhiều địa phương đã xác định một số đề tài mới, sát nhu cầu, có khả năng nhân rộng đề tài/dự án sau khi kết thúc.

Giai đoạn 2018 - 2020, từ thành công của đề tài KH-CN cấp huyện ở Tiên Phước “Phục tráng giống nếp cái Hương Bầu tại xã Tiên An”, ngành nông nghiệp huyện và HTX Nông nghiệp Tiên An cùng với nhóm hộ đã phục tráng thành công giống nếp đặc trưng truyền thống của xã.

Ông Phan Văn Phát - Chủ tịch UBND xã Tiên An, chia sẻ giống nếp cái Hương Bầu có từ rất lâu trên các cánh đồng Tiên Phước nhưng dần bị mai một. HTX Nông nghiệp Tiên An đã hỗ trợ nông dân bao tiêu sản phẩm, giúp họ yên tâm canh tác. Toàn xã Tiên An trồng 3ha nếp, cho ra 2 tấn nếp mỗi vụ, toàn bộ được phơi sấy, xay xát, đóng gói đưa ra thị trường.

Tại Thăng Bình, từ thành quả đề tài “Xây dựng quy trình chế biến và bảo quản nước mắm Cửa Khe” cùng với một số động thái hỗ trợ từ Sở KH-CN và một số chính sách khuyến khích phát triển làng nghề từ tỉnh, huyện, làng nghề nước mắm Cửa Khe đã hồi sinh sau thời gian mai một. Làng Cửa Khe có 65 hộ làm nghề chế biến nước mắm, trong đó có 10 cơ sở sản xuất lớn tham gia. Mỗi năm, làng nghề nước mắm Cửa Khe bán ra thị trường khoảng 120.000 lít, với giá bán từ 50 - 60 nghìn đồng/lít tùy loại...

Cần lồng ghép nguồn lực

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN nhìn nhận, hoạt động quản lý nhà nước về KH-CN các huyện/thị xã/thành phố có những bước tiến bộ, công tác quản lý đã được triển khai trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ như sở hữu trí tuệ, đo lường - chất lượng, bên cạnh việc triển khai các đề tài, xây dựng mô hình ứng dụng KH-CN phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều đề tài KH-CN cấp huyện phát huy hiệu quả, được nhân rộng trong thực tế sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

Nhiều địa phương triển khai các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau quả của địa phương. Các chương trình phối hợp giữa Sở KH-CN với Ban Dân tộc, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn từng bước có kết quả.

Năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 02 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025. Qua gần 1 năm triển khai Nghị quyết 02, các địa phương đề xuất đặt hàng cho một số dự án KH-CN gắn với thực tiễn đời sống. Có thể kể tới các dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển bò thịt F2 từ phương pháp lai giữa bò đực BBB và bò cái lai Zêbu tại huyện Hiệp Đức”; “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ hạt lúa giống xác nhận theo chuỗi liên kết bền vững tại Thăng Bình, Quảng Nam”...

Bà Trinh cho rằng, nhiều địa phương chưa bố trí lồng ghép các nguồn kinh phí khác để thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN của tỉnh cân đối có mục tiêu hàng năm, chưa đáp ứng nhu cầu ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Kinh phí cho hoạt động sự nghiệp KH-CN tăng theo từng năm song chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Cần có cơ chế tạo đột phá, khuyến khích hoạt động KH-CN cấp huyện, ưu tiên các mục tiêu đặt ra hiện nay.

“Để nâng cao hiệu quả hoạt động KH-CN cấp huyện, các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu về vai trò, vị trí của KH-CN đối với phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh cân đối ngân sách cho hoạt động KH-CN cấp huyện, kinh phí sự nghiệp KH-CN tỉnh phân bổ, địa phương cần lồng ghép nguồn vốn, phát huy nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho hoạt động KH-CN. Bố trí kinh phí nhân rộng kết quả được khẳng định từ các đề tài KH-CN cấp huyện, đưa khoa học vào đời sống” - bà Trinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư khoa học công nghệ cấp huyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO