Kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ trở nên khó khăn hơn khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn hẹp.
Nhiều vướng mắc
Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 trên địa bàn tỉnh đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng hơn 5,5% so với năm 2015. Khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng đến 53,4%. Tuy nhiên, sau sự kiện khánh thành cầu Cửa Đại bắc ngang sông Thu Bồn và tuyến đường 129 kết nối hai đầu nam - bắc đến dốc Diên Hồng (Tam Kỳ) thì các dự án đầu tư hạ tầng kết nối với hệ thống giao thông của tỉnh vẫn chưa có gì đáng kể. Khối lượng xây dựng cơ bản chỉ tập trung chủ yếu ở các dự án như cầu Giao Thủy và đường dẫn, tuyến đường ven biển, dự án đường nối khu dân cư Duy Hải đến cầu Trường Giang, tuyến kè bảo vệ phố cổ Hội An đi qua phường Minh An (Hội An), tuyến ĐT609 (km8 - km13), dự án trồng và phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh... Còn tất cả dự án khởi công mới năm 2016, từ các công trình trọng điểm đến các công trình thiết yếu hay dân sinh chỉ mới hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và một số ít vừa được khởi công... Theo ông Lê Phước Hoài Bảo, tốc độ đầu tư hạ tầng hiện tại vẫn không mạnh vì thiếu nguồn lực. Công trình thiếu vốn, điều chỉnh quy mô dự án ngày càng có xu hướng gia tăng và tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng, tạm ứng xây dựng cơ bản chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chính sách thay đổi hay việc phân bổ vốn đầu tư quá chậm; sự chậm trễ hồ sơ, thủ tục của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án… đã làm chậm tiến độ thi công xây dựng công trình, dự án.
Đầu tư cho giao thông kết nối bắc - nam, đông - tây chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu đầu tư. TRONG ẢNH: Đường 129 ven biển Quảng Nam vừa được đầu tư. Ảnh: T.D |
Theo thẩm tra của Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, lẽ ra, nguồn vốn được phân bổ sớm, tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm, nhưng tỷ lệ giải ngân đến ngày 20.11 chỉ mới đạt 69% kế hoạch vốn, thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, nhiều dự án giải ngân bằng 0%. Cơ cấu nguồn vốn thực hiện đầu tư phát triển theo từng lĩnh vực, ngành nghề có sự chênh lệch lớn. Giao thông chiếm tỷ trọng quá cao (53,4%) nhưng tỷ lệ đầu tư cho nông, lâm, công nghiệp, văn hóa, xã hội quá thấp. Nhiều công trình quan trọng như hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, trung tâm y tế, trường học, công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là việc mở rộng, nâng cấp hồ, đập, kênh mương thủy lợi để mở rộng diện tích tưới khó khăn tìm nguồn vốn đầu tư.
Siết chặt quản lý
UBND tỉnh dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 sẽ vào khoảng 25.000 tỷ đồng. UBND tỉnh đã báo cáo các bộ, ngành trung ương thẩm định nguồn vốn kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng ngân sách trung ương năm 2017. Nguồn vốn cân đối cho đầu tư công thuộc ngân sách nhà nước giảm hơn kế hoạch vốn năm 2016 (vốn trong cân đối ngân sách địa phương tăng 13%, vốn trung ương giảm 28% và vốn nước ngoài giảm 44%. Một “bất lợi” khác được kể đến, năm 2017, lần đầu tiên Quảng Nam tự cân đối và điều tiết ngân sách về trung ương. Điều ấy đồng nghĩa tỷ lệ phần vốn ngân sách địa phương đối ứng tăng nhiều so với các năm trước và một phần vốn ngân sách trung ương sẽ bị cắt giảm (chương trình hỗ trợ có mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia), sẽ dẫn đến áp lực rất lớn cho cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương. Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, rất cần xem xét kỹ trong các quyết định quy mô đầu tư dự án, chương trình đầu tư, tăng cường các giải pháp huy động tối đa nguồn lực toàn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa kết thúc, khá nhiều ý kiến thống nhất với phương án về nguyên tắc phân bổ, mức vốn bố trí cho từng dự án và thứ tự ưu tiên, nhưng điều quan trọng hơn hết là phải được ưu tiên vốn cho giải phóng mặt bằng các dự án mới và dự án chuyển tiếp. Phần vốn còn lại, sẽ ưu tiên cho các dự án hoàn thành, phê duyệt quyết toán và các dự án trọng điểm theo chủ trương, kết luận của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Ông Nguyễn Đức cho rằng cần tăng cường trách nhiệm các chủ đầu tư theo dõi tiến độ dự án, kiểm soát chặt chẽ vốn tạm ứng, thanh toán khối lượng, quản lý nợ xây dựng cơ bản, tạm ứng ngân sách để xây dựng phương án trả nợ, hoàn ứng kịp thời. Ban Kinh tế & ngân sách đã cơ bản thống nhất với danh mục đầu tư mới năm 2017 với tổng vốn được bố trí 199,2 tỷ đồng, nhưng đề nghị phải rà soát lại theo thứ tự ưu tiên, xác định tổng mức đầu tư cho từng dự án phù hợp từng khu vực miền núi, đồng bằng theo cách tính đúng, tính đủ. Trung ương đã cắt giảm nhiều nguồn vốn so với dự kiến, nên dự án sử dụng ngân sách trung ương chuyển tiếp năm 2017 phải cần được rà soát chặt chẽ, xem xét điều chỉnh quy mô đầu tư, cắt danh mục dự án chưa cần thiết, không bố trí ngân sách tỉnh thực hiện để bảo đảm cân đối phần vốn ngân sách địa phương.
Một thống kê khác cho thấy, phần lớn các dự án khởi công mới năm 2016 có sử dụng vốn ngân sách trung ương, nhưng tính đến ngày 20.11.2016 vẫn chưa thi công do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạm ứng ngân sách vẫn còn đến 867 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng những đề xuất, giải pháp yêu cầu tiếp tục bố trí vốn cho những dự án giải ngân dưới 30% nhưng có lý do thì cơ quan quản lý cần cho biết lý do khách quan cụ thể là gì? Con số dự án loại này sẽ được bố trí vốn là bao nhiêu dự án và bao nhiêu vốn? Liệu tiếp tục giải ngân có đạt được khối lượng và chất lượng công trình, dự án đầu tư hay không?
TRỊNH DŨNG