(QNO) - Các dự án đầu tư khu đô thị, nhà ở thương mại tập trung nhiều nhất tại khu vực đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) chủ yếu là phân lô bán nền, thiếu các dự án đô thị kiểu mẫu, đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh về nhà ở.
Lãng phí tài nguyên đất đai
Qua cuộc giám sát chuyên đề về công tác lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, Thường trực HĐND tỉnh đánh giá, tỷ lệ lấp đầy nhà ở trong các khu đô thị, khu dân cư nhiều nơi (Điện Bàn, Hội An, Núi Thành…) vẫn còn khá thấp, gây lãng phí về tài nguyên đất đai.
Ở chiều ngược lại, việc quy hoạch, đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng là công nhân, người thu nhập thấp tại một số đô thị lớn như Điện Bàn, Hội An, Núi Thành, Tam Kỳ chưa được quan tâm đúng mức.
Kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh cho hay, đối với dự án đầu tư khu đô thị, nhà ở thương mại, trong giai đoạn 2015-2020, có 147 dự án đầu tư với tổng diện tích là 1.967,3ha; tập trung nhiều nhất tại khu vực đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc với 80 dự án.
Trong 147 dự án nêu trên, có 27 dự án đã hoàn thành, chiếm tỷ lệ 18,4%; 11 dự án cơ bản hoàn thành, chiếm tỷ lệ 7,5%; 96 dự án đang triển khai thực hiện. Có 4 dự án khu dân cư thu nhập thấp đã thu hồi, bàn giao cho UBND thị xã Điện Bàn thực hiện. Có 7 dự án đã thu hồi, 2 dự án đang thực hiện thủ tục thu hồi theo quy định.
Theo Thường trực HĐND tỉnh, các dự án khu đô thị, khu dân cư được đề xuất, lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian qua, tập trung chủ yếu tại khu vực đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Tuy nhiên, nhiều dự án có quy mô diện tích, tổng mức đầu tư còn khá thấp; các đô thị mới kiểu mẫu, xanh, hiện đại, văn minh tạo động lực lan toả còn rất hạn chế.
Vị trí và quy mô dự án phụ thuộc lớn vào ý tưởng đề xuất của nhà đầu tư, chưa gắn liền với kế hoạch phân kỳ thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, dẫn đến tình trạng đầu tư “da beo", hạ tầng kỹ thuật liên kết các dự án đô thị còn bất cập, chưa khớp nối, thiếu đồng bộ.
Thêm nữa, công tác thẩm định năng lực, lựa chọn chủ đầu tư một số dự án có lúc chưa thật sự chặt chẽ; nhiều dự án do năng lực tài chính của nhà đầu tư còn hạn chế; cùng với những vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thưởng giải phóng mặt bằng, tái định cư... nên dẫn đến dự án triển khai chậm tiến độ, đầu tư dở dang, kéo dài, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân khu vực xung quanh.
Quên khâu đầu tiên…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh nhìn nhận, một số dự án đô thị được cấp chứng nhận đầu tư, chấp thuận đầu tư từ khá lâu, nhất là dự án trong khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Phần lớn các dự án khu đô thị, dân cư, nhà ở thương mại đầu tư chủ yếu là phân lô bán nền, thiếu các dự án đô thị kiểu mẫu, đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh về nhà ở.
Bên cạnh đó, công tác theo dõi, quản lý việc chuyển nhượng những dự án bất động sản còn có những hạn chế nhất định, tình trạng thỏa thuận mua bán bất động sản khi dự án chưa nghiệm thu hoàn thành, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra ở một số dự án, gây tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên một số địa bàn.
“Công tác tạo lập quỹ đất sạch, bố trí tái định cư ở nhiều địa phương chưa được quan tâm, vẫn còn bị động, chưa được xem là khâu đầu tiên trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã ảnh hưởng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, lựa chọn, thu hút nhà đầu tư phát triển đô thị” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Vinh nói.
Từ kết quả giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh đưa ra các kiến nghị, đề xuất Trung ương tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể các quy định pháp luật, từ đó, tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý có liên quan. Đối với HĐND tỉnh, căn cứ các nghị quyết của Tỉnh ủy, phối hợp cùng UBND tỉnh xem xét ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương chưa có thị trấn và một số đô thị có cơ sở hạ tầng còn hạn chế; chính sách hỗ trợ các địa phương về kinh phí lập quy hoạch, chỉnh trang đô thị; hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp tại một số đô thị lớn.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, UBND tỉnh cần rà soát, cân đối nguồn lực, trình HĐND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Rà soát, đánh giá tổng thể các quy hoạch đã được phê duyệt nhưng chưa hoặc chậm triển khai để sớm điều chỉnh, hủy bỏ các quy hoạch kéo dài, quy hoạch “treo” nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của người dân. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện phát sinh liên quan đến một số dự án trên địa bàn…