Công tác phòng chống thiên tai, nhất là sắp xếp dân cư sau thiên tai trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, cần huy động các nguồn lực, đồng bộ thực hiện các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại trong thời gian đến.
Thách thức lớn
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên Liên hiệp quốc thường trú tại Việt Nam cho biết, đã huy động các nguồn lực quốc tế để giải quyết các vấn đề bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn tại Việt Nam trong năm qua. Về mục tiêu hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu gây ra ở các vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, đã huy động hơn 60 triệu USD từ Quỹ khí hậu xanh để tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển bị tổn thương.
Năm 2020, bão lũ, sạt lở đất, lũ quét hoành hành trên địa bàn tỉnh gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhiều người dân mất tích, nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi. Đối với các hộ gia đình có nhà bị cuốn trôi, UBND tỉnh chuyển nhanh nguồn vốn hơn 41,3 tỷ đồng đến UBND cấp huyện và chỉ đạo khẩn trương bố trí nơi ăn, ở tạm, thiết lập khu tái định cư, bố trí đất ở xen ghép đảm bảo an toàn.
Đến nay, các địa phương, nhất là miền núi đã cơ bản khắc phục hậu quả về nhà ở cho người dân sau thiên tai, xây mới 468 ngôi nhà kiên cố, bố trí khu tái định cư tập trung với 169 ngôi nhà.
Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, công tác di dời, bố trí dân cư sau thiên tai trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần giảm thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân. Các hộ được di dời đến khu ở mới được an toàn và dần có cuộc sống, sinh kế ổn định.
Bố trí, sắp xếp dân cư ở miền núi đã góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo cho miền núi như chương trình 30a, 135; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy vậy, còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là quỹ đất bố trí dân cư ngày càng khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, đến thời điểm này, công tác đánh giá để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm chủ yếu được các ngành chức năng, địa phương thực hiện dựa vào kinh nghiệm, quan sát, đánh giá bằng mắt thường.
Quảng Nam vẫn chưa xây dựng được bản đồ chi tiết các điểm cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, thiếu cơ sở khoa học trong việc di dời, sắp xếp dân cư sau thiên tai. Toàn tỉnh vẫn chưa có hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm cho khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất đá, lũ quét.
Thực tế là khi thiên tai xảy ra, hệ thống giao thông ở miền núi bị hư hỏng nặng, các ngành chức năng phải mất nhiều ngày mới khắc phục, đưa các đoàn công tác tiếp cận hiện trường để hỗ trợ người dân...
Nhiều giải pháp
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn diễn ra cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho rằng, các nguồn lực đầu tư cho phòng chống thiên tai trên phạm vi cả nước còn thấp.
Trong thời gian tới, cần đầu tư lớn hơn, đặc biệt ưu tiên cho nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai. Các địa phương, trong đó có Quảng Nam cần ưu tiên bố trí ngân sách cho các công trình chống sạt lở; xây dựng bản đồ phân bố dân cư ở các khu vực có nguy cơ, từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở khu vực nguy hiểm...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, trong năm nay, Quảng Nam sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động về di dời, sắp xếp dân cư, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, phát huy vai trò các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đoàn thể ở cơ sở, những người có uy tín trong cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân.
Quảng Nam sẽ tiếp tục di dời, sắp xếp dân cư ở các vùng bị đe dọa thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi; bố trí dân cư đảm bảo cự ly di chuyển ngắn, tránh xáo trộn về đời sống, sản xuất. Một giải pháp quan trọng khác là khôi phục hệ sinh thái rừng tự nhiên, trồng rừng để tăng diện tích rừng, bảo vệ rừng hiệu quả hơn, hạn chế tối đa các hoạt động xâm hại rừng tự nhiên.
“Chính phủ cần ban hành cơ chế chính sách bố trí, sắp xếp dân cư giai đoạn 2021 - 2025, giải ngân kinh phí để các địa phương, trong đó có Quảng Nam tổ chức thực hiện. Chính phủ xem xét, có cơ chế đặc thù cho tái thiết miền núi sau thiên tai, nhất là cần có khoản vay khẩn cấp ngoài ngân sách và quy định tài chính để cấp phát kịp thời giúp các địa phương khắc phục sự cố sau thiên tai” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.