Đầu tư mạng lưới trường học

XUÂN PHÚ (thực hiện) 27/08/2017 08:22

Năm học mới sắp bắt đầu, cùng với gấp rút chuẩn bị các điều kiện, ngành giáo dục, đào tạo (GDĐT) Quảng Nam đang nỗ lực hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm hướng đến sự đồng bộ, chuẩn hóa mạng lưới trường lớp.

Ngành giáo dục, đào tạo Quảng Nam đang nỗ lực hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm hướng đến sự đồng bộ, chuẩn hóa mạng lưới trường lớp. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ngành giáo dục, đào tạo Quảng Nam đang nỗ lực hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm hướng đến sự đồng bộ, chuẩn hóa mạng lưới trường lớp. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

NHIỀU KHÓ KHĂN CẦN GIẢI QUYẾT

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GDĐT - chia sẻ với PV Báo Quảng Nam, về mục tiêu, nhiệm vụ trước thềm năm học mới 2017-2018. Về công tác chuẩn bị cho năm học mới sắp đến, ông Quốc nói:

Đến nay khối các trường do huyện, thị xã, thành phố quản lý đã hoàn thành xây mới 534 phòng học, sửa chữa nâng cấp 269 phòng với số tiền 311 tỷ đồng. Ở khối trường THPT, xây mới 55 phòng học và 22 công trình phục vụ dạy và học, trị giá 31 tỷ đồng. Về thiết bị dạy học, cả tỉnh đầu tư 39 tỷ đồng mua sắm trang bị cho các trường để phục vụ trong năm học mới. Như vậy, năm học này toàn tỉnh có 816 trường học các cấp với 338.000 học sinh (HS), tăng chủ yếu ở cấp học mầm non và tiểu học với hơn 6.000 em.

Thời gian qua, ngành GDĐT luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư, quy hoạch mạng lưới, phát triển quy mô trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng. Về phía ngành, Sở GDĐT đã chỉ đạo cho các đơn vị, trường học sớm lập kế hoạch tham mưu cho địa phương khẩn trương đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trong dịp hè với tinh thần tất cả phải khang trang trước khi khai giảng năm học mới vào ngày 5.9. Nhờ vậy, có thể nói công tác chuẩn bị cho năm học mới có sự chủ động từ khá sớm và diễn ra theo đúng kế hoạch. Có thể nói, đến thời điểm này công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như các điều kiện thiết yếu khác phục vụ cho công tác dạy - học cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng bước vào năm học mới.

Vậy có những khó khăn nào không, thưa ông?

Toàn ngành đã có sự chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, song khó khăn vẫn còn nhiều. Cả tỉnh có 9.660 phòng học, trong đó ngoài 6.100 phòng kiên cố thì còn khá nhiều phòng bán kiên cố xây dựng đã lâu nên xuống cấp nhưng chưa có nguồn kinh phí để thay mới. Một số trường THPT như Thái Phiên, Lý Tự Trọng (Thăng Bình), Quế Sơn, Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn) cơ sở vật chất xuống cấp nặng. Nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn cũng còn hạn chế, trang thiết bị dạy và học thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng. Ngoài ra, tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên (GV) dẫn đến khó khăn về tài chính nên ngành phải có giải pháp điều hòa GV cho hợp lý. Tuy nhiên, việc này không phải dễ dàng bởi đụng chạm đến quyền lợi của các thầy, cô giáo.

Hệ thống trường tại nhiều địa phương miền núi đang được đầu tư đồng bộ, chuẩn hóa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hệ thống trường tại nhiều địa phương miền núi đang được đầu tư đồng bộ, chuẩn hóa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo kế hoạch, Trường THPT Hồ Nghinh (Duy Xuyên) và Võ Chí Công (Tây Giang) sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm học này. Tuy nhiên, đến nay chỉ có Trường THPT Hồ Nghinh là đúng tiến độ. Vậy nguyên nhân là gì và năm học đầu tiên này Trường THPT Hồ Nghinh có gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ?

Một trong những vấn đề được các bậc phụ huynh và dư luận quan tâm vào mỗi đầu năm học mới là chuyện lạm thu trong trường học. Vậy ngành GDĐT có chỉ đạo và giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng gây bức xúc này?

Giám đốc Sở GDĐT Hà Thanh Quốc: Không phải năm nay mà nhiều năm học qua, Sở GDĐT đều có chỉ đạo quyết liệt cho các trường THPT, các địa phương về việc ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học, thông báo cụ thể khoản thu nào là theo quy định, khoản nào thu giúp như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… Ngoài ra, vào mỗi đầu năm học, sở đều yêu cầu lãnh đạo các trường THPT báo cáo về các khoản thu, nghiêm cấm thu ngoài quy định. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thu chi các khoản đầu năm để chấn chỉnh.

Mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới của Trường THPT Hồ Nghinh đã cơ bản hoàn thành. Khu phòng học được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập ngay từ đầu năm. Việc tuyển sinh lớp 10, bố trí cán bộ quản lý, đội ngũ GV đã xong. Ngành đã quan tâm bố trí cho trường đội ngũ là GV cốt cán, có tâm huyết từ các trường THPT trên địa bàn huyện Duy Xuyên và các vùng phụ cận, trong đó phần lớn là GV Trường THPT Sào Nam. Hiệu trưởng cũng là một cán bộ có nhiều năm giảng dạy tại Trường THPT Sào Nam, THPT chuyên Lê Thánh Tông và là Phó Trưởng phòng Giáo dục THPT (Sở GDĐT) được điều động và bổ nhiệm.

Riêng Trường THPT Võ Chí Công ở huyện Tây Giang lại không thể hoàn thành theo đúng kế hoạch. Nguyên nhân là năm nay ở vùng cao của Tây Giang mưa quá nhiều, dù đơn vị thi công rất cố gắng song không thể triển khai xây dựng đảm bảo như kế hoạch đề ra. Vì vậy, rất muốn sớm hoàn thành để giúp HS vùng cao Tây Giang có trường học gần nhà nhưng không thực hiện được và phải chờ năm sau.

Ngành sẽ có những mục tiêu và giải pháp nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện như Nghị quyết 29 đề ra, thưa ông?

Trên cơ sở 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chủ yếu theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, ngành GDĐT Quảng Nam đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm học mới phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương. Theo tôi, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là việc quy hoạch mạng lưới, phát triển quy mô trường lớp hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu học tập. Thứ hai, nâng cao chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Hơn ai hết, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là đối tượng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục và góp phần quyết định đến chất lượng giáo dục. Do đó năm nay, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; siết chặt kỷ cương trường học, phát huy những thầy cô giáo tâm huyết, làm tốt.

Xin cám ơn ông!

XUÂN PHÚ (thực hiện)

CHƯA CẦN THIẾT BỎ MÔ HÌNH TRƯỜNG LIÊN XÃ

Mặc dù có những khó khăn nhất định, song mô hình trường liên xã ở các địa phương miền núi hiện phát huy hiệu quả trong công tác đào tạo, trở thành cầu nối giúp học sinh vùng cao có cơ hội đến trường.

Nhiều mô hình trường liên xã đem lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục ở miền núi.  Trong ảnh: Trường PTDTBT - THCS Lý Tự Trọng - xã A Xan.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều mô hình trường liên xã đem lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục ở miền núi. Trong ảnh: Trường PTDTBT - THCS Lý Tự Trọng - xã A Xan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiều thuận lợi

Thực tế những năm qua, mô hình trường liên xã đã trở thành “đặc trưng” ở miền núi, giải quyết nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp của các địa phương. Tại huyện Nam Giang, theo thống kê sơ bộ hiện có 12 cơ sở trường học theo mô hình liên xã (trong đó, mầm non có 4 trường, tiểu học 3 trường và THCS là 5 trường), chủ yếu là ở các xã vùng cao biên giới. Qua đánh giá của ngành GDĐT địa phương, các mô hình trường liên xã này hiện vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo cơ sở giúp học sinh vùng cao có điều kiện hơn trong học tập, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Bình - nguyên Trưởng phòng GDĐT huyện Nam Giang, có nhiều thuận lợi trong việc duy trì mô hình trường liên xã, ngoài tạo điều kiện cho học sinh vùng cao học tập trung, còn giúp giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất tại vùng biên giới. Đó là chưa kể, tại nhiều điểm trường bây giờ hình thành các khu bán trú học sinh, được thụ hưởng các chế độ chính sách ưu đãi, rất thuận lợi trong việc học tập, ăn ở cho con em đồng bào miền núi. “Những năm qua, ngành giáo dục ở Nam Giang phát triển cũng là nhờ phần lớn từ hệ thống trường liên xã. Bởi vì mô hình này là nơi tập trung nuôi dưỡng và giáo dục học sinh tốt hơn trong điều kiện khó khăn của miền núi” - ông Bình nói.

Tại huyện Tây Giang, mô hình trường liên xã cũng đã tạo điều kiện thuận lợi và đem lại hiệu quả trong công tác giáo dục của địa phương. Như Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nguyễn Bá Ngọc (xã Bha Lêê), dù không ghi rõ là trường liên xã, nhưng hướng đào tạo được thực hiện theo mô hình liên xã: tập trung giáo dục, nuôi dưỡng học sinh thuộc 3 xã Bha Lêê, A Vương và A Nông. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - cho hay, tại địa phương hiện có các Trường THCS liên xã Ch’Ơm - Ga Ry, Trường PTDTBT - THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan) và Trường PTDTBT - THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng), hoạt động theo mô hình liên xã, liên vùng. Trong chiến lược phát triển mạng lưới giáo dục, Tây Giang vẫn giữ nguyên mô hình đào tạo liên xã, bởi trong nhiều năm qua mô hình này cho thấy kết quả khá tốt, phù hợp với điều kiện địa phương. “Ngoài các trường mầm non - mẫu giáo được nghiên cứu sẽ tách khỏi hệ thống liên xã, các điểm trường còn lại, nhất là THCS tại Tây Giang vẫn giữ nguyên như cũ. Nếu tách riêng biệt theo từng xã với cấp học này, mạng lưới trường lớp sẽ không đảm bảo, cũng như không đủ số lượng học sinh đến lớp, không đủ nguồn ngân sách và chỉ tiêu biên chế để “nuôi” cho các điểm trường mới này. Vì thế, thay vì tách riêng điểm trường cho từng xã, nên nghiên cứu đưa tất cả diện trường này vào mô hình bán trú, đảm bảo chế độ ưu đãi để các em học sinh miền núi được học tập, rèn luyện tốt hơn” - ông Blúi nhấn mạnh.

Chưa cần thiết để tách

Cô giáo Kring Lưu - Hiệu trưởng Trường PTDTBT liên xã La Dêê - Đắc Tôi cho rằng, từ những thuận lợi trong công tác quản lý giáo dục và hiệu quả về chất lượng đào tạo, thì chưa cần thiết để hủy bỏ mô hình liên xã ở miền núi. “Nếu tách ra, về lâu dài liệu có đảm bảo duy trì số lượng học sinh không, khi ở vùng cao số lượng học sinh rất ít. Bởi thế, theo tôi nên giữ mô hình bán trú liên xã sẽ tốt hơn” - cô Lưu chia sẻ. Còn thầy giáo Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT liên xã Cà Dy - Ta Bhing cho rằng, chưa cần thiết để chia tách, bởi quá trình đầu tư sẽ rất tốn kém, trong khi tỷ lệ về số lượng học sinh ở nhiều địa phương hàng năm giảm so với những năm trước đây.

Theo ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, việc chia tách các điểm trường liên xã, về lâu dài là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung về mạng lưới trường học trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, do điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương còn nhiều khó khăn, cũng như số lượng học sinh và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng theo nhu cầu, nên trước mắt vẫn sẽ giữ nguyên mô hình trường liên xã. “Trong tương lai, chúng tôi cũng đã có kế hoạch, dự tính trong việc chia tách, sáp nhập trường lớp nhằm đảm bảo với công tác quản lý chung. Chủ trương của huyện vẫn giữ nguyên mô hình này, tuy nhiên từ điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của từng địa phương, đặc biệt là tỷ lệ tăng dân số hàng năm, để có cơ sở xem xét, đầu tư thêm cơ sở trường lớp cho phù hợp” - ông Sơn nói. (ALĂNG NGƯỚC)

TRƯỜNG LỚP KHANG TRANG

Không chỉ đảm bảo có đủ chỗ học tập tươm tất, khang trang cho học sinh, ngành GDĐT các địa phương trên toàn tỉnh từ đồng bằng đến miền núi đang dồn sức cho công tác chuẩn bị để đón chào năm học mới 2017-2018, hướng đến chuẩn hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục.

Cả tỉnh đã sẵn sàng để đón chào năm học mới 2017-2018. Ảnh: X.Phú
Cả tỉnh đã sẵn sàng để đón chào năm học mới 2017-2018. Ảnh: X.Phú

Đồng bằng: Chuẩn hóa, hiện đại hóa

Trong những ngày này, công trình Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) đang gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối cùng như sân vườn, tường rào cổng ngõ để bàn giao cho nhà trường sử dụng vào đầu năm học mới 2017-2018. Ông Bùi Tấn Nhã - Phó Trưởng phòng GDĐT TP.Tam Kỳ - cho biết, chuẩn bị cho năm học mới, ngoài Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Tam Thanh) cũng được xây dựng mới. Thành phố còn đầu tư hàng chục tỷ đồng hoàn chỉnh các dự án xây mới cho các trường Mầm non 24.3, Sơn Ca, Mẫu giáo Ánh Dương, THCS Lý Thường Kiệt và nâng cấp cơ sở vật chất cho 8 trường khác. “Nhìn chung, các trường đều đang gấp rút hoàn thành khâu chuẩn bị. Năm nay, mạng lưới, số lượng trường học của thành phố vẫn giữ nguyên với 22 trường mầm non, mẫu giáo (14 trường công lập, 8 trường tư thục), 14 trường tiểu học và 10 trường THCS. Song với việc đầu tư xây dựng mới nhiều cơ sở và nâng cấp, hoàn chỉnh nhiều hạng mục đã đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, giúp cho ngành GDĐT thành phố hướng đến chuẩn hóa, hiện đại hóa” - ông Nhã nói.

Tại thị xã Điện Bàn, theo ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GDĐT, chuẩn bị cho năm học mới, nhiều ngôi trường đã được đầu tư xây dựng bổ sung thêm các hạng mục phòng học, phòng chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất theo yêu cầu của trường chuẩn quốc gia. Điện Bàn có tổng cộng 70 trường công lập, gồm 20 trường mẫu giáo, 32 trường tiểu học và 18 trường THCS. Ngoài ra, còn có 21 trường mẫu giáo tư thục, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng đông, đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Trong 5 năm qua, bên cạnh nguồn xã hội hóa, thị xã đã đầu tư 221 tỷ đồng để giúp các trường chuẩn hóa cơ sở vật chất. Nhờ đó, ngoại trừ 2 trường mới thành lập, 68 trường công lập còn lại đã hoàn thành công tác xây dựng chuẩn quốc gia.

Trong khi đó, huyện Phú Ninh đang đốc thúc đơn vị thi công tập trung hoàn thành các công trình xây dựng, chỉnh trang. Ông Hồ Đắc Thiện - Trưởng phòng GDĐT huyện cho biết, bằng nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ và của huyện đã đầu tư 14,5 tỷ đồng cho các trường Mẫu giáo Ánh Dương, Hoa Sen và Tiểu học Nguyễn Duy Hiệu xây dựng bổ sung phòng học, nhà đa năng để đáp ứng yêu cầu trường chuẩn mức độ 2. Huyện cũng bố trí thêm 8 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình trường học, mua sắm trang thiết bị dạy và học. Dù là huyện nghèo nhưng mỗi năm, địa phương dành hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, đưa Phú Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu cả tỉnh về công tác chuẩn hóa trường lớp. Hiện toàn huyện có 11 trường mầm non, 13 tiểu học và 10 THCS.

Miền núi: Tập trung giải quyết khó khăn

Đến thời điểm này, ngành giáo dục các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn… đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, đảm bảo theo đúng kế hoạch ngày tựu trường cùng các địa phương toàn tỉnh. Cùng với hoạt động rà soát, vận động các em đến trường và thực hiện công tác tuyển sinh các cấp học, các huyện miền núi cũng đã sửa chữa các trường học bị hư hỏng, chuẩn bị công tác chuyên môn giáo viên...

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GDĐT huyện Tây Giang cho hay, ngay từ thời điểm hè, ngành giáo dục địa phương đã phối hợp triển khai các hoạt động bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, giáo viên và nhân viên; dạy tăng cường môn Tiếng Việt cho học sinh chuẩn bị lên lớp 1; phân công lãnh đạo, cán bộ phòng đến các điểm thôn kiểm tra lại toàn bộ cơ sở vật chất… Ngoài 2 điểm trường mầm non Tuổi Hoa (xã Lăng) và Họa Mi (A Tiêng) được sửa chữa, các trường học khác cơ bản đảm bảo về phòng học và trang thiết bị. Riêng 2 phòng học mượn tạm của nhà dân tại điểm thôn T’ghêy (xã A Vương), do người dân lấy lại, buộc phải bố trí “lớp ghép” giữa học sinh tiểu học và các em mầm non, chờ xây thêm một phòng học theo chương trình kiên cố hóa trường lớp. Tuy nhiên, tại huyện Tây Giang lại nổi lên tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường mẫu giáo, tiểu học với số lượng 32 người (trong đó, cán bộ quản lý 3 người, giáo viên mầm non 12, giáo viên tiểu học 7, nhân viên có chuyên môn 7 người, cùng với 3 giáo viên đã chuyển vùng công tác). “Chúng tôi đang lập tờ trình xin UBND huyện cho chủ trương hợp đồng ngắn hạn với một số giáo viên, nhân viên để bù vào số còn thiếu so với phê duyệt mạng lưới trường lớp, nhằm đảm bảo cho việc tổ chức giảng dạy” - ông Tuấn nói.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới tại huyện Nam Giang cũng được khẩn trương hoàn tất. Theo Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Nguyễn Tấn Lộc, năm học này, toàn huyện có 24 trường học từ bậc mầm non đến THCS, với 270 phòng học (trong đó, có 27 phòng được xây mới và 14 phòng sửa chữa, kinh phí hơn 14 tỷ đồng). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phòng học, lớp học tạm thời, chưa đảm bảo so với điều kiện học tập, ăn ở của học sinh. Ngoài ra, nhu cầu xây dựng nhà ở cho cán bộ giáo viên và học sinh tại các điểm trường trên địa bàn huyện vẫn ở mức cao, với 65 phòng, nhất là ở các xã biên giới. “Qua rà soát, năm học này toàn huyện có 6.628 học sinh với 275 lớp học, so với năm học trước số lượng học sinh tăng 235 em. Trong khi đó, địa phương cũng đang thiếu và có nhu cầu bổ sung biên chế 99 cán bộ giáo viên, cùng 29 nhân viên cấp dưỡng cho các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn” - ông Lộc cho biết thêm. (ANH SẮC - ĐĂNG NGUYÊN)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư mạng lưới trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO