Bóng đá trẻ đang được Câu lạc bộ (CLB) Quảng Nam cùng với sự hỗ trợ đắc lực của tỉnh đầu tư khá mạnh với mục tiêu phát triển bóng đá một cách bền vững và có bản sắc.
Bóng đá trẻ Quảng Nam đang được tỉnh và CLB quan tâm đầu tư mạnh hơn. Ảnh: T.V |
Những kỷ lục buồn
Năm 2018 kết thúc khá buồn với bóng đá Quảng Nam. Đội bóng đàn anh chinh chiến tại V-League không những không hoàn thành chỉ tiêu đề ra mà còn tụt xa trên bảng xếp hạng (vô địch năm 2017 nhưng chỉ xếp thứ 11 năm 2018). Các đội bóng đàn em cũng chẳng khá lớn khi tham gia tranh tài ở 4 giải đấu trẻ quốc gia. Chỉ có đội U13 vượt qua được vòng loại và vào đến vòng tứ kết, song thực chất đó là đội được tăng cường từ Trung tâm bóng đá VSH Nghệ An. Còn lại, cả 3 đội U15, U17, U19 chẳng để lại ấn tượng gì và sớm bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Với nhiều người, đó là kết quả… hợp lý và không bất ngờ. Ngay cả bản thân người trong cuộc như ông Nguyễn Húp - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CLB Bóng đá Quảng Nam cũng lên tiếng thừa nhận “kết quả này cũng đã đánh giá đúng thực trạng hiện nay của công tác đào tạo trẻ”.
Việc một CLB có đội bóng thi đấu tại V-League nhiều năm nhưng các đội trẻ lại thi đấu trầy trật, thành tích kém xa so với nhiều CLB hạng nhất, thậm chí hạng nhì là điều đáng suy nghĩ. Nguyên nhân được CLB Quảng Nam xác định là các cầu thủ trẻ ít được thi đấu cọ xát dẫn đến thiếu kinh nghiệm, số lượng cầu thủ tuyến trẻ hạn chế, không đủ quân số phải tăng cường thêm từ các CLB khác nên chất lượng không cao. Ngoài ra, điều kiện sân bãi tập luyện chưa đảm bảo, việc bố trí lịch học văn hóa và tập luyện còn bất cập ảnh hưởng đến chuyên môn. Ngay cả chỗ ở của các cầu thủ trẻ lâu nay vẫn khá tạm bợ dưới gầm khán đài A cũng là một câu chuyện đáng buồn.
Trước đó, sau khi giành chức vô địch V-League 2017, người hâm mộ xứ Quảng mong chờ để được lần đầu tiên chứng kiến đội bóng quê hương thi thố tài năng tại đấu trường châu lục AFC Champions League. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài được lâu khi thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc ngay sau đó đã bị gạch tên vì không đủ điều kiện theo quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á với lý do lãng xẹt: không đủ lứa đào tạo trẻ và dự đủ các giải bóng đá trẻ quốc gia. Thực tế không ít CLB bóng đá Việt Nam mắc phải tình trạng này, nhưng rõ ràng việc làm bóng đá chắp vá theo kiểu “xây nhà từ nóc” khó có thể đưa bóng đá phát triển bền vững. Đó là bài học vừa đau vừa buồn không chỉ đối với bóng đá xứ Quảng mà còn cả nước.
Đầu tư mạnh tay
Công bằng mà nói, về phương diện thành tích thì bóng đá Quảng Nam đã có bước phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là kỳ tích lên ngôi vô địch V-League. Tuy nhiên, không vì thế mà công tác đào tạo trẻ có bước chuyển mình tương xứng. Thấu hiểu được điều đó, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều động thái chăm lo phát triển bóng đá trẻ mà hiếm địa phương nào trên cả nước quan tâm như vậy bởi bóng đá đã chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý. Cụ thể, trong tổng nguồn ngân sách 16 tỷ đồng mỗi năm tỉnh hỗ trợ cho CLB Quảng Nam luôn có mục chi vài tỷ đồng dành cho đào tạo trẻ. Năm 2018, tỉnh cũng đã hỗ trợ 2 tỷ đồng cùng với TP.Tam Kỳ đầu tư xây dựng sân tập tại phường An Phú để cho các tuyến trẻ tập luyện (dùng chung với Tam Kỳ). Mới đây nhất, dự án khu nhà ở cho vận động viên bóng đá trẻ đã được tỉnh đầu tư gần 15 tỷ đồng, khởi công xây dựng sát vách sân vận động Tam Kỳ và dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Không dừng lại ở đó, hiện nay tỉnh đốc thúc các ngành chức năng soạn thảo đề án phát triển CLB Bóng đá Quảng Nam với định hướng đưa đội bóng Quảng Nam thi đấu ổn định, đạt thành tích tốt ở sân chơi chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ.
Về phần mình, CLB Quảng Nam cũng đã bắt đầu quan tâm đến công tác đào tạo trẻ, thể hiện qua việc thành lập Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ vào năm 2018 do cựu tuyển thủ quốc gia Văn Sỹ Hùng phụ trách. Năm 2019 này, chưa có tuyến U15 và U19 nên các tuyến U11, U13, U17 và U21 sẽ được đầu tư mạnh hơn. Theo kế hoạch của CLB Quảng Nam, năm 2019 sẽ chi 7 tỷ đồng cho công tác đào tạo trẻ. Chưa xác định thành tích cao, mục tiêu thời điểm này vẫn là tạo điều kiện giúp các cầu thủ tuyến trẻ được tham gia thi đấu cọ xát nhiều hơn để học hỏi kinh nghiệm từ các giải trẻ quốc gia. Giai đoạn sau năm 2020, khi hoàn thiện các tuyến trẻ và được đào tạo bài bản sẽ hướng đến chỉ tiêu thành tích cao hơn. Trong giai đoạn này, các đội U21, U19, U17, U15 phấn đấu vượt qua vòng bảng để giành quyền vào thi đấu vòng chung kết.
ANH SẮC