Tại Kỳ họp lần thứ 15 vừa qua, HĐND tỉnh (khóa IX) đã thông qua 15 dự án đầu tư phát triển đô thị, khai thác quỹ đất, nhà ở trên địa bàn tỉnh. Định hướng quy hoạch, dự án lấp đầy diện tích khu vực đô thị dần được hiện thực hóa ở nhiều địa phương.
Lấp đầy diện tích quy hoạch
Công ty TNHH Phú Gia Thịnh đang lập các thủ tục pháp lý để đầu tư dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven sông Cổ Cò thuộc Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Đây là một trong hàng chục dự án ven sông Cổ Cò.
Chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị
Tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh (khóa IX) đã thông qua nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng đối với 15 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Trong đó, TP.Tam Kỳ chỉ có một khu đô thị kiểu mẫu Tây Bắc giai đoạn 2 phường Tân Thạnh, 14 dự án còn lại thuộc Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc gồm các dự án khu đô thị Mỹ Gia; khu đô thị số 9 mở rộng; khu đô thị 7B mở rộng; khu đô thị Bách Thành Vinh; khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng; khu đô thị, dịch vụ du lịch ven sông Cổ Cò; khu đô thị An Nam; dự án khu đô thị Lam của Công ty TNHH Bất động sản Khởi Nguyên; khu đô thị R.O.S.E ĐÔ chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và xây dựng An Phú Quý; khu đô thị Nam Ngọc; khu đô thị Home Land Paradise Village; khu đô thị Phúc Viên; khu đô thị Smart City Quảng Nam; khu đô thị Tân Khang.
Theo Công ty TNHH Phú Gia Thịnh, nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án sẽ triển khai với quy mô 14ha. Nhà đầu tư đang chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng 1/500 để kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với quy hoạch phân khu 1/2000; đánh giá tác động môi trường… Công ty này sẽ đầu tư xây dựng nhà ở để bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân xây dựng nhà ở trên các lô đất ở trong quy hoạch chi tiết.
Cũng tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, một nhà đầu tư khác đang xúc tiến xây dựng khu đô thị An Nam, chủ yếu là xây nhà ở để bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân xây dựng nhà ở.
Vì sao nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào dự án nhà ở, bất động sản ở ven sông Cổ Cò? Theo Sở Xây dựng, dự án khơi thông sông Cổ Cò có nguồn vốn 1.000 tỷ đồng, theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ sông và 4 cây cầu nối hai bờ đông - tây của sông Cổ Cò.
Đến nay, thị xã Điện Bàn đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất hơn 1.000 thửa, đã phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân.
Năm 2019, tổng vốn bố trí cho dự án nạo vét hơn 192 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn vốn của trung ương; dự án sẽ tiếp tục nạo vét vào quý 2 năm nay.
Theo UBND tỉnh, toàn bộ vệt ven biển, ven sông Cổ Cò diện tích 2.700ha được quy hoạch phát triển đô thị, trong tương lai sẽ không có quỹ đất sản xuất nông nghiệp. Trung tâm đô thị Điện Dương (Điện Bàn) với chuỗi resort ven biển và các dự án lớn như Cocobay, Four Seasons...
Tại phường Điện Ngọc, theo chính quyền địa phương, các dự án gần như đã lấp đầy diện tích ở khu vực ven biển, sát sông Cổ Cò; một phần diện tích là hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp của người dân nằm ở phía tây.
Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho biết, nhiều dự án đang triển khai thi công nhưng bắt buộc phải hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp lý có liên quan, bởi trước đây chính sách pháp luật chưa được cụ thể, nhà đầu tư xây dựng dự án trong thời điểm giao thời thực hiện các chính sách pháp luật đất đai.
Điểm đáng chú ý, nhiều dự án như khu đô thị số 7B mở rộng, khu đô thị Bách Đạt, khu đô thị Bách Thành Vinh được mở rộng dù đã thi công với khối lượng lớn, có dự án thi công hạ tầng khối lượng hơn 80% nhưng phải lập thủ tục đề nghị chấp nhận chủ trương đầu tư. Bởi theo tinh thần Nghị định 99, ngày 20.10.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, các dự án phải được HĐND tỉnh quyết định.
Siết chặt quản lý
Theo Sở Xây dựng, trong số 14 dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, có 6 dự án thực hiện thủ tục đầu tư trong giai đoạn Nghị định 02, ngày 5.1.2006 của Chính phủ về ban hành quy chế khu đô thị mới, nhưng chưa được quyết định đầu tư của cơ quan có thẩm quyền; 8 dự án thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo Nghị định 11, ngày 14.1.2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, đã được UBND tỉnh có quyết định giao chủ đầu tư.
Đến nay, nhiều dự án đang thi công dở dang như khu đô thị Mỹ Gia, khu đô thị số 9 mở rộng, khu đô thị 7B mở rộng, khu đô thị Bách Thành Vinh, khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng. Dự án khu đô thị 7B mở rộng do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư có diện tích 19,5ha. Thời điểm này đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng; được UBND thị xã Điện Bàn thông báo thu hồi đất. Theo chủ đầu tư, sau khi người dân bàn giao mặt bằng đơn vị đã thi công xây dựng với khối lượng hơn 80%.
Theo ông Võ Hồng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, khi HĐND tỉnh thông qua nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị cho các dự án, thì các ngành chức năng của tỉnh sẽ đánh giá năng lực chủ đầu tư, yêu cầu hoàn chỉnh khớp nối quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) các giai đoạn I, II, III tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Các dự án sau đó sẽ có quyết định giao đất trên thực địa, phạm vi ranh giới, hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước mưa, nước thải, khớp nối hạ tầng kỹ thuật.
Với các dự án nhà ở, HĐND tỉnh sẽ giám sát theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện dự án, huy động vốn; quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng dự án trái phép. Bắt buộc các dự án khai thác bất động sản chỉ được phép giao dịch trên thị trường khi đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà ở phải được cấp có thẩm quyền xem xét đủ điều kiện và cho phép theo quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với các khu vực được phép (ngoài khu vực bắt buộc chủ đầu tư xây dựng nhà ở); đảm bảo các điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất quy định tại Điều 41, Nghị định 43 ngày 15.5.2014 của Chính phủ.