(QNO) - Lần đầu tiên, thế giới đầu tư nhiều tiền vào việc thay thế nhiên liệu hóa thạch như đã chi cho sản xuất dầu, khí đốt và than đá.
Theo phân tích từ BloombergNEF, các khoản đầu tư toàn cầu vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đạt 1.100 tỷ USD vào năm 2022, gần bằng số tiền đầu tư vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Như vậy, số tiền chi cho việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, ô tô điện và các nguồn năng lượng mới như hydro trên toàn lần đầu vượt quá 1.000 tỷ USD.
Nhưng theo các nhà phân tích, tuy số tiền đầu tư trên tăng 31% so với năm 2021, đây chỉ là một phần nhỏ so với những gì thế giới thực sự cần để cắt giảm khí thải nhà kính và chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Do đó, BloombergNEF ước tính các khoản đầu tư hằng năm vào quá trình chuyển đổi phải tăng gấp ba lần trong phần còn lại của thập kỷ này để giúp thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Riêng năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm phần lớn nhất trong các khoản đầu tư vào năm 2022, đạt 495 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước đó. Đầu tư vào xe điện lại đang tăng nhanh với 466 tỷ USD, tăng 54%.
Gần một nửa trong số tất cả khoản đầu tư chuyển đổi năng lượng toàn cầu, có 546 tỷ USD ở Trung Quốc trong khi Mỹ đứng thứ hai với 141 tỷ USD.
BloombergNEF ước tính, 1.100 tỷ USD đầu tư trên cho việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch, không bao gồm 274 tỷ USD chi trên thế giới vào năm ngoái để mở rộng và củng cố lưới điện, 79 tỷ USD đầu tư vào chuỗi cung ứng và sản xuất năng lượng sạch, 119 tỷ USD tài trợ vốn cổ phần do các công ty công nghệ sạch huy động.
Do đó, nếu gộp lại các khoản trên, số tiền đầu tư vào quá trình chuyển đổi tăng lên khoảng 1.600 USD vào năm 2022.
Riêng tại Đông Nam Á, báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho rằng, các nước khu vực cần tăng hơn gấp đôi khoản đầu tư hằng năm vào năng lượng tái tạo để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, đáp ứng các mục tiêu về khí hậu hay góp phần hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Cụ thể, Đông Nam Á cần đầu tư trung bình hằng năm 210 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, hỗ trợ các công nghệ và cơ sở hạ tầng đến năm 2050.
Đông Nam Á hiện chiếm 25% công suất phát điện địa nhiệt của thế giới, nhưng khu vực cũng có trữ lượng than lớn. Nền kinh tế lớn nhất khu vực Indonesia là nước xuất khẩu than nhiệt hàng đầu thế giới, khoảng 435 triệu tấn vào năm 2021.
Ông Nuki Agya Utama - Giám đốc điều hành của Trung tâm năng lượng ASEAN nói: "Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng là rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của khu vực".
[VIDEO] - Công nhân làm việc một dự án năng lượng tái tạo ở Thái Lan (nguồn: Reuters):
IRENA cho biết các quốc gia có thể bằng cách đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo để giảm chi phí năng lượng và tránh được 1.500 tỷ USD chi phí liên quan đến sức khỏe và thiệt hại môi trường từ nhiên liệu hóa thạch cho đến năm 2050. Ước tính tiêu thụ năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ tăng 11% trong năm 2023.