(QNO) - Năm 2020, thế giới sẽ chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp năng lượng do đại dịch Covid-19.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, sự sụt giảm về đầu tư chưa từng có trong lĩnh vực này là do nhu cầu năng lượng đang ở mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Thị trường dầu mỏ thế giới từng chứng kiến một cú sốc lịch sử vào tháng trước khi giá dầu Mỹ rơi vào mức âm.
Hồi đầu năm nay, IEA từng dự báo đầu tư năng lượng toàn cầu sẽ tăng 2% vào năm 2020, mức tăng hằng năm lớn nhất trong vòng 6 năm qua. Nhưng hiện tại dự kiến số đầu tư này sẽ giảm 20% so với năm trước, tức khoảng 400 tỷ USD, do nhu cầu tiêu thụ thấp khi các nước trên thế giới ban hành quy định người dân hạn chế đi lại để chống dịch Covid-19.
Theo IEA, sự suy giảm đầu tư này diễn ra “một cách đáng kinh ngạc về cả quy mô và tốc độ” sẽ tác động đến mọi lĩnh vực chính, từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt và than đá đến các nguồn năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng sạch bao gồm năng lượng gió và mặt trời. Nhưng đáng nói, sự suy giảm đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ năng lượng sạch có thể làm suy yếu quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững.
Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của IEA cho biết: “Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 mang lại lượng khí thải CO2 thấp hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn đạt được mức giảm phát thải toàn cầu lâu dài, thì chúng ta sẽ cần phải thấy sự gia tăng nhanh chóng trong đầu tư năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu”.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo đã được chứng minh là linh hoạt hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, IEA cho biết, trong quý I.2020, số lượng các dự án năng lượng mặt trời và gió trước mắt đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Chi tiêu cho các tấm pin mặt trời trên mái nhà của các gia đình và doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ.
Các công ty năng lượng trên thế giới hiện đối mặt khủng hoảng nguồn thu do nhu cầu thấp, giá năng lượng giảm, buộc phải cắt giảm chi phí bao gồm cả trong các dự án năng lượng mới và hiện có để củng cố bảng cân đối tài chính.
Sự kết hợp của nhu cầu giảm, giá thấp hơn và sự gia tăng trong các trường hợp nợ - không thanh toán hóa đơn (có thể mang lại rủi ro lâu dài cho đầu tư) có nghĩa là doanh thu năng lượng cho các chính phủ và ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu sẽ giảm hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2020.
Ông Fatih Birol lo ngại hiệu ứng lâu dài của của đầu tư giảm này có thể mang lại những tác động nghiêm trọng đối với an ninh nhiên liệu trong tương lai, như thiếu hụt nguồn cung trong những năm tới và quá trình chuyển đổi CO2 thấp khi nhu cầu được phục hồi ngay sau đó.