Đầu tư phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc: Nhiều vướng mắc

TRỊNH DŨNG 31/07/2013 08:49

Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc hiện vẫn còn dang dở; trong khi đó quá trình quản lý, triển khai các dự án đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc khó giải quyết rốt ráo.

Ngổn ngang

Sự kiên trì, nỗ lực của các nhà đầu tư trong việc tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án giữa lúc kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng là điều đáng mừng. Hiện tại, con đường Sơn Trà – Điện Ngọc  đang thi công nêm kín người qua lại mỗi ngày, nhưng Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc vẫn còn là một công trường dang dở. Theo thống kê mới nhất, hiện 2 dự án BT là đường nối 607 đến 603A chỉ mới xong thủ tục chọn nhà đầu tư mới để quý III/2013 triển khai thi công 2km; đường 603 nối dài thì 400m đoạn đầu đã xong phần mặt đường cấp phối, 2,4km tiếp theo cũng mới lập xong phương án giải phóng mặt bằng, xong thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Theo Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, trong vòng 10 năm qua, khu đô thị mới đã có 41 dự án (21 dự án kinh doanh bất động sản) đăng ký đầu tư trên diện tích đất đã thỏa thuận địa điểm khoảng 1.281,5ha/2.002ha với tổng kinh phí các dự án đã đầu tư 1.881 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn 80,216 tỷ đồng (riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã nộp được 11,342 tỷ đồng). Tuy nhiên, ở tất cả dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng được 320,6ha, được giao cho các dự án triển khai xây dựng và các dự án cũng mới chỉ đầu tư được hơn 50km đường nội thị.

Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc vẫn còn dang dở. Ảnh: T.D
Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc vẫn còn dang dở. Ảnh: T.D

Hiện tại khu đô thị mới này chỉ có 6 dự án cơ bản hoàn thành, 18 dự án tiếp tục triển khai, 9 dự án đã dừng thi công hoặc chưa triển khai. Số còn lại đang trong giai đoạn thăm dò hoặc hoàn tất các thủ tục đầu tư. Ban quản lý vẫn kiến nghị chính quyền tỉnh về việc thúc đẩy các chủ dự án đầu tư sớm xây dựng hoàn chỉnh tuyến ĐT 603, 607, sông Cổ Cò, nhà máy cấp nước, xử lý nước thải, chất thải rắn... Đề nghị tỉnh tiếp tục ghi vốn năm 2013 để thực hiện giải phóng mặt bằng 2 tuyến đường trục chính Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Ông Đặng Hoàng Duy - Trưởng ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc cho rằng, việc có quá nhiều cơ quan làm chủ đầu tư các dự án kỹ thuật hạ tầng đô thị (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc…) đã dẫn đến tình trạng thiếu đầu mối quản lý chung và khớp nối quy hoạch. Ngoài ra, vẫn còn quá nhiều bất cập về thủ tục hành chính trong việc phối hợp đa ngành trong công tác quản lý xây dựng đô thị. Điều này đã gây tình trạng chồng chéo trong quản lý. “Hiệu quả của sự khiếm khuyết trong quy hoạch là chỉ chú trọng đến mặt bằng, ít phản ảnh các yêu cầu kinh tế, thiếu sự phối hợp yếu tố tài chính của Nhà nước và chủ đầu tư đã dẫn đến sự tăng trưởng của đô thị giờ đây diễn ra tự phát bên ngoài quy hoạch. Các khu dân cư và kinh doanh không chính thức ngày càng “thống trị” các khu đô thị mới, dẫn đến bộ mặt đô thị chưa được hình thành” - ông Duy nói.

Chờ đợi nhau

Kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Quảng Nam xác định bất động sản không phải là lợi thế mà chủ yếu là các dự án đầu tư. Quan điểm của chính quyền là quy hoạch và định hình đô thị này thành động lực, hạt nhân của thị xã Điện Bàn trong tương lai gần. Vấn đề quan trọng là xem xét lại các dự án cụ thể. Quảng Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng quan trọng nhất vẫn là những dự án chất lượng hơn là số lượng. Chính quyền chấp nhận phương án tạm dừng nếu doanh nghiệp xét thấy chưa đủ điều kiện đầu tư. Chuyển dự án sang quy hoạch tiềm năng. Không thể để treo hay cam kết dai dẳng mãi mà phải chịu áp lực từ phía nhân dân. Chính quyền sẽ kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai hoặc thiếu năng lực tài chính đầu tư.

Tại cuộc làm việc mới đây của UBND tỉnh với Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, các chủ đầu tư của 41 dự án, dù đang triển khai hay tạm dừng tại khu đô thị mới này đều cam kết sẽ theo đuổi dự án đến lúc hoàn thành. Tuy nhiên, họ cho rằng, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng ách tắc trong nhiều năm lẫn khó khăn về tài chính đã khiến dự án buộc phải triển khai chậm hay phải tạm dừng. Nhiều nhà đầu tư cho rằng khi dự án triển khai thì vướng giải tỏa, dân vẫn tiếp tục đòi quyền lợi trên phần đất đã hoàn tất kinh phí giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư chỉ trông chờ vào sự quyết liệt của ban quản lý trong việc điều chỉnh quy hoạch dứt điểm để tiếp tục theo đuổi dự án. Ông Phạm Hường - Giám đốc Công ty CP Mỹ Việt (chủ đầu tư Khu trú đông và điều dưỡng sức khỏe) cho rằng không thể nói các dự án chậm vì khi thị trường bất động sản đang tốt thì công tác đền bù giải tỏa không đáp ứng được. Khi dự án đã hoàn tất quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì lại thay đổi toàn bộ quy hoạch chi tiết mất thời gian. Giải phóng mặt bằng chậm, cơ hội đầu tư thị trường tài chính cũng qua đi. “Ban quản lý đã hứa giai đoạn 3 có đường nhưng giờ vẫn chưa thấy gì. Nếu doanh nghiệp đầu tư xong thì làm sao khai thác, hạ tầng không có thì đầu tư để làm gì? Tôi đề nghị là cho dãn dự án. Nhà đầu tư làm nhưng ban quản lý không làm thì làm sao tiến hành được?” - ông Hường nói.

Ông Trịnh Văn Thật - Tổng Giám đốc Vinaconex 25, chủ đầu tư một trong những dự án đang tiếp tục thi công cho rằng, Nhà nước cần nói rõ nhà máy nước cho toàn bộ khu đô thị bao giờ hoàn thành. Hiện nhiều nhà đầu tư đã đến ở tại dự án khu đô thị số 3, nhưng chỉ sử dụng nhà máy nước mini. Theo ông Thật, cần phải có sự cam kết thời gian, lộ trình cụ thể dứt điểm đầu tư nhà máy nước, chứ kiểu sử dụng nhà máy nước “chữa cháy” như hiện nay thì khó bảo đảm điều kiện sống tốt cho các nhà đầu tư.
Chính quyền địa phương 5 xã tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc thì cho rằng, dự án kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch UBND xã Điện Dương nói, giải phóng mặt bằng rất khó. Quy hoạch đo đạc năm 1993 đã lạc hậu rồi, cần đo đạc lại diện tích để giải phóng mặt bằng. “Nếu cứ kiểu thiếu đường giao thông thì sẽ không mấy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Chính quyền địa phương rất khó quản lý quy hoạch và quản lý hiện trạng. Ngay trong một đêm là dân có thể lên nhà, lên tường thì làm sao quản lý nổi. Địa phương rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ để quản lý. Ngay cả nghĩa trang cũng không thể quy hoạch thì làm sao có thể di dời mồ mả được” - ông Hoàng nói.

Trong khi chủ đầu tư và chính quyền địa phương đổ lỗi sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng hay cơ hội đầu tư đã qua nên dự án ì ạch thì ông Đặng Hoàng Duy, một mặt thừa nhận cơ sở hạ tầng khu đô thị mới chỉ được quan tâm đầu tư từ 2 năm nay, một mặt lại cho rằng từ khi đầu tư vào khu đô thị này, các nhà đầu tư cũng đã được thông báo và dự lường trước khó khăn chứ không phải bây giờ mới phát sinh. Doanh nghiệp đã cân nhắc ngay từ ban đầu bởi không có cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Trong một góc nhìn khác, ông Ngô Bốn - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng sẽ áp dụng chính sách giãn, giảm cho doanh nghiệp tiền thuê đất, nhưng doanh nghiệp phải cần làm đúng thủ tục. Theo ông Bốn, khó có thể giải thích được với dân về việc thu hồi đền bù giá thấp vì thiếu hồ sơ. Hai mươi dự án chưa thực hiện đúng thủ tục thì Ban Quản lý Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc phải làm. Ban quản lý phải chịu trách nhiệm mọi biến động hiện trạng tại khu vực này. Ông Bốn nói, Nhà nước chỉ hỗ trợ triển khai dự án. Không thể đổ hết trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho Nhà nước mà chính là ở chủ đầu tư. Không thể đổ lỗi cho giải phóng mặt bằng chậm là lý do dừng hoặc triển khai dự án chậm chạp như hiện tại. “Những dự án chưa đủ hồ sơ thủ tục cần làm đúng thủ tục, nghĩa vụ tài chính. Có thể dãn tiến độ hoặc dừng, nhưng cần phải có văn bản và dãn trong bao lâu thì phải cụ thể. Không thể cứ mỗi lẫn họp là lại thấy báo cáo xin hoãn, dãn mà không biết đến bao giờ thực hiện” - ông Bốn nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc: Nhiều vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO