Quy hoạch nhiều, nhất là các cụm công nghiệp (CCN), nhưng thiếu vốn và thiếu cả sự linh hoạt của địa phương lẫn cơ chế “nửa vời” đã khiến việc đầu tư, phát triển hạ tầng nhiều khu, CCN gần 14 năm qua vẫn chắp vá...
Khắp nơi quy hoạch
Một ngày như mọi ngày trong gần 20 qua, không thiếu bóng dáng những chiếc xe đầu kéo, vận tải hạng nặng… cuốn bụi mù, vào ra mang theo nguyên vật liệu, hàng hóa của các nhà máy sản xuất trên các con đường đánh số thứ tự rợp bóng cây xanh của “thành phố công nghiệp” Điện Nam - Điện Ngọc. Dự án mở rộng nhà máy bia Heineken hay Suntory Pepsico đang hoàn tất, 4 nhà máy khác mới khánh thành đã góp thêm sinh khí mới cho khu công nghiệp (KCN) này. Ông Nguyễn Ngọ - Trưởng ban Quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc cho hay, 390ha đất ở KCN này đã được lấp đầy 95% với 63 dự án đăng ký đầu tư (29 dự án FDI) có tổng vốn đầu tư hơn 2.966 tỷ đồng và gần 487 triệu USD, thu hút hơn 25.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 hơn 11.246 tỷ đồng, chiếm gần 23% giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 40% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp ngân sách hơn 207 tỷ đồng.
Hạ tầng nhiều cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư, xây dựng. Ảnh: T.DŨNG |
KCN Điện Nam - Điện Ngọc khởi sự cho nhiều thay đổi, gia tăng nguồn lực ngân sách và giải quyết lao động đáng kể ở phía bắc Quảng Nam, đã trở thành động lực “kích thích” nhiều KCN khác lần lượt ra đời. Sở Công Thương công bố hiện Quảng Nam có 9 KCN với tổng diện tích quy hoạch 4.734,3ha. Chiếm số lượng nhiều nhất thuộc về Khu kinh tế mở Chu Lai với 5 KCN. Hiện khu vực này có hơn 110 dự án còn hiệu lực với tổng đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, hơn 70 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 900 triệu USD. Các doanh nghiệp này đã tạo ra hơn 12.000 việc làm mới, bình quân mỗi năm đóng góp hơn 68% tổng thu ngân sách Quảng Nam. Các KCN khác dọc Quảng Nam cũng đã thu hút gần 100 dự án với tổng vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp này chiếm hơn 43% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm tỷ trọng 39,7% kim ngạch xuất khẩu Quảng Nam, giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động với khoảng 85% lao động địa phương.
Một số dự án đầu tư tại CCN An Lưu. Ảnh: T.DŨNG |
Không giống như KCN đã và đang được cân nhắc mở ra để thu hút các dự án đầu tư lớn, CCN vẫn là mô hình khuyến khích đầu tư, gia tăng về số lượng. Giai đoạn 2011 - 2015, Quảng Nam đã cho phép 108 CCN được tiến hành lập quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 2.313ha, phân bổ đều trên các huyện, thị xã, thành phố. Thực tế triển khai, một số CCN đã xin tăng quy mô diện tích, không ít buộc phải giảm quy mô hoặc bị loại bỏ và số khác lại được bổ sung vào danh sách được phép quy hoạch chi tiết. Hiện con số CCN được quy hoạch phát triển đến năm 2020 khoảng 99. Tổng diện tích giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.255,56ha. Không ít địa phương đã lên tiếng đề nghị cho quy hoạch thêm các CCN và một số địa phương khác yêu cầu nâng cấp các CCN khác lên đời thành KCN.
Đầu tư dang dở, manh mún
Chủ đầu tư các KCN đều có đủ năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm đầu tư nhưng không phải KCN nào cũng đủ khả năng đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu. KCN Đông Quế Sơn, Thuận Yên hay Phú Xuân đã qua tay nhiều chủ đầu tư nhưng vẫn dở dang, thiếu hụt hạ tầng. KCN Tam Anh chưa thể triển khai… Hiện KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, kể cả nhà máy xử lý nước thải 5.000m3 ngày đêm. KCN Bắc Chu Lai đã gần hoàn thiện giai đoạn 2. Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (chủ đầu tư KCN Bắc Chu Lai và Tam Thăng) cho biết, tiến độ đầu tư hạ tầng lẫn thu hút đầu tư tiến triển nhanh chóng. KCN Bắc Chu Lai đã dần hoàn thiện giai đoạn 2, không thiếu hạ tầng, chỉ sợ thiếu nhà đầu tư. KCN Tam Thăng đã thu hồi hơn 152ha đất, xây dựng 2,5km đường nội bộ, san nền, hoàn tất 90ha đất sạch, xây dựng khu tái định cư. Tuy nhiên, khó có thể hoàn thiện dự án khi vướng về giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư buộc phải hãm tốc độ thu hút đầu tư, từ chối nhiều dự án khác…
Nếu như những chủ đầu tư KCN có thể tự chủ được tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng một khi chính quyền địa phương hoàn tất công việc đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng thì hầu hết chính quyền địa phương 18 huyện, thị, thành phố không đủ khả năng để đầu tư phát triển các CCN. Không khó để nhận ra rằng, các địa phương lập CCN để nhận vốn từ ngân sách và đặt mục tiêu tăng trưởng theo tư duy nhiệm kỳ. Các con số thống kê phân bổ vốn cho thấy, hiện đã có 66 CCN được phê duyệt, nhưng chỉ có 55 CCN triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng theo dự án được phê duyệt là 1.775 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư thực tế xây dựng hạ tầng chỉ mới khoảng 733,55 tỷ đồng. Vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỉnh hơn 193,02 tỷ đồng, kể cả đầu tư đường vào các CCN. Tỷ trọng cân đối vốn cho CCN đi như hình sin. Từ 1,2 tỷ đồng năm 2003 lên “đỉnh” 32 tỷ đồng vào năm 2011. Sau đó rớt xuống còn 9,5 tỷ đồng năm 2013 và con số này không thể tăng lên trong nhiều năm. Suất đầu tư năm 2016 có gia tăng khi được phân bổ hơn 18,96 tỷ đồng và 60 tỷ đồng khác từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2015, nhưng cũng vẫn cảnh rải đều cho tất cả CCN.
Có thể dễ dàng phân tích kiểu phân bổ vốn nhỏ giọt, ít ỏi, quy hoạch chắp vá, chưa căn cứ khả năng thu hút đầu tư thực tế và chính quyền địa phương thiếu linh hoạt tìm ra biện pháp huy động vốn, chủ yếu chờ tiền ngân sách. Không định hướng, tất cả địa phương đều cùng dàn hàng ngang đầu tư, thu hút, nên gần 14 năm qua, hầu hết CCN đều lâm vào tình trạng dở dang, chắp vá. Có 4/10 CCN Thăng Bình được phê duyệt chi tiết vẫn ngổn ngang, dang dở. Nhiều CCN không thể triển khai. Duy Xuyên cũng chỉ mới lấp khoảng 70% của 4/7 CCN đã được quy hoạch, nhưng vẫn thiếu hệ thống thoát nước, không hệ thống xử lý nước thải. CCN duy nhất Hội An là Thanh Hà vẫn chỉ là một bãi đất trống hoang hoải, lơ thơ cây cỏ dưới mưa nắng thất thường miền Trung. Phước Sơn còn tệ hơn khi ½ CCN được đầu tư hạ tầng vẫn không thể làm nổi con đường vào CCN. Chính quyền các huyện phía tây cho biết hầu hết nhà đầu tư đều “sợ hãi” khi phải đầu tư vào miền núi trong tình trạng giao thông không bảo đảm, thiếu điện và thường xuyên bị mất điện.
Thị xã Điện Bàn được xem là vùng công nghiệp Quảng Nam cũng cùng chung số phận. CCN An Lưu được cho đang có chiều hướng thu hút đầu tư khá tốt cũng thiếu sinh khí đầu tư, xây dựng. Cả CCN chỉ có vài nhà xưởng bám theo 100m mặt đường nối từ đường ĐT607 vào CCN cũng yên lặng không khác gì một xóm nhà hiu quạnh ẩn mình trên đồi cát nắng Điện Bàn… Chủ tịch UBND thị xã Trần Úc nói, việc đầu tư lỡ dở đã khiến đất không thể sử dụng hết. Thiếu vốn, chính sách, cơ chế chưa rõ ràng, hạ tầng chắp vá, mức hỗ trợ của chính quyền tỉnh không đáp ứng đủ nguồn lực đầu tư CCN. KCN có đủ khả năng, tiềm lực để đón đầu các dự án đầu tư thời hội nhập. Còn CCN vốn đã yếu, nhỏ bé, không hề có sự phân công, phân bổ nguồn lực sẽ ngày càng tụt hậu. Quy hoạch rồi… bỏ hoang sẽ là điều báo trước.
TRỊNH DŨNG