Đầu tư phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam: Nguồn lực lớn nhưng hiệu quả chưa cao

DIỄM LỆ 16/12/2022 06:40

Nghị quyết số 12 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được thực hiện trong năm 2022 đang được cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập.

Việc thực hiện các dự án sắp xếp dân cư ở miền núi còn nhiều khó khăn do thiếu mặt bằng xây dựng khu tái định cư. Ảnh: D.L
Việc thực hiện các dự án sắp xếp dân cư ở miền núi còn nhiều khó khăn do thiếu mặt bằng xây dựng khu tái định cư. Ảnh: D.L

Đầu tư tổng lực

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 12, toàn tỉnh đã tập trung thực hiện các nhóm dự án phát triển vùng Tây Quảng Nam.

Đối với nhóm dự án bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ, đến nay, diện tích rà soát, bổ sung vào chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 28.900ha; đã có 10 địa phương, đơn vị đề nghị phân bổ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh để triển khai trong năm 2022 với tổng diện tích 197.793ha, nhu cầu kinh phí hơn 40,7 tỷ đồng; UBND tỉnh đã phân bổ gần 20,4 tỷ đồng (50% nhu cầu) để triển khai thực hiện.

Nhóm dự án sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu, tổng kế hoạch vốn bố trí thực hiện hơn 50,2 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 28,1 tỷ đồng. Trong năm đã hỗ trợ sắp xếp dân cư cho 345 hộ/595 hộ theo kế hoạch và 3 hộ di dời chỉnh trang tại chỗ.

Nhóm dự án về phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm, tổng vốn đầu tư trên địa bàn 9 huyện miền núi hơn 2.206 tỷ đồng (chiếm 31% vốn đầu tư toàn tỉnh), trong đó ngân sách trung ương hơn 975,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 1.231 tỷ đồng, tập trung bố trí thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh, ưu tiên thanh toán khối lượng cho 24 công trình hoàn thành, 63 công trình chuyển tiếp và khởi công mới 18 công trình.

Tiếp tục đầu tư hoàn thành các khu tái định cư miền núi, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng nguyên liệu, các công trình giao thông, thủy lợi, kè chống sạt lở miền núi, bảo vệ phát triển rừng, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; duy tu, bảo dưỡng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa phận các huyện miền núi…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất và lưu thông hàng hóa của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định đầu tư cho vùng Tây lớn nhưng kinh tế - xã hội miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: D.L
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định đầu tư cho vùng Tây lớn nhưng kinh tế - xã hội miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: D.L

Nhóm dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã tạo ra những bước chuyển ban đầu trong sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi.

Nhóm dự án về phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao đã thu hút được một số dự án của nhà đầu tư, đang trong giai đoạn thẩm định.

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 12, Ban chỉ đạo tỉnh nhìn nhận còn nhiều khó khăn. Việc giải ngân cho công tác sắp xếp dân cư ở miền núi còn chậm, quỹ đất để sắp xếp dân cư gặp khó khăn về mặt bằng, nguồn lực còn hạn chế.

Việc thực hiện thí điểm các dự án hạ tầng đến vùng nguyên liệu tiến hành trong giai đoạn 2021 - 2023, do vậy đến nay hầu hết dự án chưa hoàn thành, có dự án chưa triển khai do vướng mặt bằng hoặc tạm dừng thi công.

Nguyên nhân là một số dự án vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, tình hình biến động giá vật liệu đầu năm 2022, thời tiết bất lợi…, do vậy đến nay chưa đánh giá được kết quả phát triển vùng nguyên liệu. Việc đầu tư khu xử lý rác thải các địa phương còn lúng túng về trình tự thủ tục do chưa có quy định cụ thể.

Vùng tây cần gì?

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong các nhóm dự án có 23 chỉ tiêu cần xác định tổ chức triển khai, các ngành được giao nhiệm vụ cần có sự so sánh, từ đó đưa ra giải pháp để đạt mục tiêu đến năm 2025.

Việc triển khai thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng về phát triển vùng Tây đến năm 2025 và đến năm 2030, cần đảm bảo việc tổ chức thực hiện đúng mục tiêu, phương hướng.

Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển vùng Tây Quảng Nam đánh giá việc đầu tư phát triển vùng Tây còn nhiều khó khăn. Ảnh: D.L
Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển vùng Tây Quảng Nam đánh giá việc đầu tư phát triển vùng Tây còn nhiều khó khăn. Ảnh: D.L

Bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định việc thực hiện Nghị quyết 12 đã có những điểm thuận lợi so với Nghị quyết 05 của giai đoạn trước, nguồn đầu tư lớn, nhiều chính sách đầu tư, nhưng vẫn chưa tạo chuyển biến đáng kể.

Bà Dung nói: “Sau năm 2020 trở đi tác động thiên tai lớn nên việc sắp xếp dân cư, sản xuất của người dân miền núi khó khăn. Nguồn lực khi cộng lại nhiều, nhưng từng dự án, từng chương trình thì lại thiếu, nguồn vốn chậm, đòi hỏi tích hợp đồng bộ nhưng lại gặp khó trong việc vận dụng các quy định của từng chương trình”.

Thời gian tới bà Dung đề nghị cần quan tâm nhóm sắp xếp dân cư, sau đó là ổn định sản xuất và việc làm của người dân. Các chính sách đầu tư trực tiếp nên duy trì là nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, phát triển giáo dục.

Còn sinh kế nhỏ lẻ thì nên đầu tư gián tiếp theo quy mô sản xuất lớn, có doanh nghiệp đứng ra hỗ trợ và đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỉnh ủy đưa ra chủ trương nhưng quan trọng người lãnh đạo, tổ chức thực hiện ở các huyện miền núi như thế nào, nên cần quán triệt, làm việc với ban thường vụ các huyện miền núi để xốc lại tinh thần thực hiện Nghị quyết 12.

Việc sắp xếp dân cư, di dời người dân khỏi nơi sạt lở ngày càng khó về mặt bằng. Ảnh: D.L
Việc sắp xếp dân cư, di dời người dân khỏi nơi sạt lở ngày càng khó về mặt bằng. Ảnh: D.L

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đặt vấn đề: “Cần có chính sách hỗ trợ mạnh hơn về quản lý, bảo vệ rừng, có thu nhập để bảo vệ rừng, hạn chế trồng keo, gây ra sạt lở ở miền núi làm ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.

Việc trồng rừng gỗ lớn phải trên 10 năm, trong 10 năm người dân không có thu nhập từ đất rừng thì gạo, mắm muối đâu ăn, nên họ trồng và giữ rừng thì phải có chính sách hỗ trợ lâu dài.

Ban chỉ đạo nên giao các sở, ngành tính toán lại, cần hỗ trợ gạo cho nhân dân. Sau 10 năm thì người dân trồng cây hàng năm dưới tán rừng, có thu nhập thì mới bền vững được. Miền núi bây giờ điều quan tâm nhất chính là thu nhập của người dân, mà thu nhập phải gắn với rừng, tại chỗ chứ kêu gọi doanh nghiệp thì điều kiện hiện nay rất khó”.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng các tuyến quốc lộ 40B từ Tiên Phước lên Bắc Trà My, Nam Trà My, và tuyến 14G rất cần được đầu tư. Muốn đi Nam Trà My hay Đông Giang, Tây Giang thì xe 45 chỗ ngồi phải đi được, mới tính đến phát triển du lịch, phát triển miền núi. Giao thông là huyết mạch, phát triển giao thông thì mới liên thông phát triển. Miền núi hiện nay trồng rừng gỗ lớn là hướng bền vững, trồng dược liệu dưới tán rừng cũng mang lại thu nhập khả quan.

Cần tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định vùng Tây còn nhiều khó khăn, đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp, yêu cầu phát triển vùng Tây tập trung vào 3 nhóm vấn đề là đầu tư và phát triển hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, và các lĩnh vực khác.

Hiện nhiều chỉ tiêu còn đang lúng túng, như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo phải đạt dưới 10% vào năm 2025; hạ tầng giao thông đến tận thôn...

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu Ban chỉ đạo tập trung vào chủ trương, định hướng lớn như điện, giao thông, các tuyến đường 40B hay 14G, tỉnh sẽ làm việc và tranh thủ thêm sự hỗ trợ từ Trung ương.

Về sắp xếp dân cư, kinh phí đã bố trí nhưng không giải ngân hết thì đôn đốc các địa phương thực hiện, nguyên tắc hỗ trợ một lần, không có lần thứ 2.

Đồng chí Phan Việt Cường giao UBND tỉnh nghiên cứu tham mưu đề án hỗ trợ gạo cho nhân dân giữ rừng, nghiên cứu nguồn thu từ thủy điện sẽ dùng một phần hỗ trợ gạo cho nhân dân yên tâm giữ rừng, trồng rừng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam: Nguồn lực lớn nhưng hiệu quả chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO