Đầu tư phát triển y tế tuyến xã: Thừa và thiếu (bài cuối)

XUÂN HIỀN 07/05/2020 10:10

Xây dựng niềm tin của người dân với hoạt động của y tế cơ sở sẽ giảm được tình trạng vượt tuyến quá lớn, gây áp lực lên tuyến trên. Để trạm y tế (TYT) làm đúng với chức phận “người gác cổng”, hẳn cần những nhìn nhận và thay đổi.

Trạm Y tế xã Sơn Viên (Nông Sơn) được đầu tư xây dựng khang trang - công trình thuộc dự án Nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam do Sở Kế hoạch và đầu tư làm chủ đầu tư. Ảnh: TRÀ MY
Trạm Y tế xã Sơn Viên (Nông Sơn) được đầu tư xây dựng khang trang - công trình thuộc dự án Nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam do Sở Kế hoạch và đầu tư làm chủ đầu tư. Ảnh: TRÀ MY

Trong 2 tháng 5 & 6.2019, Sở Y tế triển khai đợt khảo sát thực trạng hoạt động của tất cả TYT trên địa bàn tỉnh; nội dung bao gồm khảo sát về nhân lực, cơ sở hạ tầng, sử dụng phần mềm hồ sơ sức khỏe, trang thiết bị, năng lực thực hiện dịch vụ kỹ thuật, thực trạng chăm sóc sức khỏe nhân dân… Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, mục tiêu của đợt khảo sát là phúc tra, đánh giá việc thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã, mức độ đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới và xã tiên tiến về y dược cổ truyền.

Áp dụng nguyên lý “y học gia đình”

Theo kế hoạch, sau đợt khảo sát, Sở Y tế sẽ chọn một số TYT làm thí điểm triển khai hoạt động theo nguyên lý “y học gia đình”; trong đó, ưu tiên TYT ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng bãi ngang ven biển có số người khám chữa bệnh hàng ngày đạt 30 lượt trở lên. Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, nguyên lý “y học gia đình” là chăm sóc toàn diện, liên tục, phối hợp và lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng, gồm 6 nguyên lý cơ bản: toàn diện, phối hợp, lồng ghép, cộng đồng, dự phòng, gia đình. Theo đó, các cơ sở y tế tuyến xã sẽ phải đảm bảo đủ điều kiện để triển khai thí điểm TYT xã hoạt động theo nguyên lý này nhằm theo dõi, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và hộ gia đình; lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình vào TYT để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện; gắn kết giữa chăm sóc sức khỏe tại nhà, cộng đồng với chăm sóc sức khỏe tại TYT và tại bệnh viện, đặc biệt đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính...

Ông Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cho rằng, việc chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý “y học gia đình” vừa hợp lý về chi phí, tiện lợi, không chỉ quan tâm tới bệnh lý mà còn quan tâm tới yếu tố môi trường xã hội, không chỉ quan tâm tới cá nhân người bệnh mà còn quan tâm tới các mối tương quan giữa cộng đồng và gia đình. Chưa kể, hệ thống y tế cơ sở sẽ sàng lọc bệnh nhân và giảm lượng bệnh vượt lên tuyến trên…

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực hiện nguyên lý “y học gia đình”, theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, mạng lưới y tế cơ sở cần phải có sự cải thiện, trong đó tập trung vào mảng y tế dự phòng. TYT xã phải tạo được sự tin tưởng cho người dân đến khám. Do đó, để xây dựng mô hình TYT phù hợp nhu cầu địa bàn và đáp ứng yêu cầu trong thời gian đến, trước hết cần rà soát tần suất lượt người dân đến khám chữa bệnh, thời gian bác sĩ luân phiên tại TYT bao nhiêu ngày/tuần, bao nhiêu trang thiết bị và loại nào được sử dụng nhiều nhất... để có kế hoạch đầu tư.

Cần đầu tư có trọng điểm

Ông Hồ Hữu Tuấn - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, Thông tư 39 của Bộ Y tế quy định gói dịch vụ y tế cơ bản (có hiệu lực từ 15.1.2019) sẽ “cởi trói” cho hoạt động của các TYT khi được áp dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này vẫn phụ thuộc vào ngành y tế chứ không phải phía BHXH. “Các trung tâm y tế phải hướng dẫn TYT đăng ký danh mục khám chữa bệnh dựa vào năng lực và điều kiện thực tế của mình cho Sở Y tế phê duyệt; sau đó TYT đưa lên cổng điện tử để thanh toán và phải chuyển toàn bộ danh mục này lên BHXH. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các TYT nếu gặp khó khăn về công nghệ thông tin để đưa được thông tin lên cổng” - ông Hồ Hữu Tuấn nói.

Bà Lê Thị Phương Thảo - Trưởng trạm Y tế xã Trà Kót (Bắc Trà My) cho biết, TYT xã Trà Kót được xây mới và đưa vào sử dụng từ tháng 6.2018. Tuy nhiên, đến nay trang thiết bị vẫn chưa đầy đủ. Lâu nay trạm vẫn chưa có bác sĩ, trong khi một ngày tiếp nhận khoảng 20 lượt bệnh nhân trên địa bàn xã. “Hiện nay dù một số thiết bị đã có trong danh mục của chuẩn y tế quốc gia nhưng hỗ trợ về trạm chưa đầy đủ, đặc biệt là thiếu trang thiết bị mảng y học cổ truyền. Mong muốn lớn nhất là có bác sĩ tăng cường về trạm” - bà Thảo nói.

Theo báo cáo từ Sở Y tế, hiện nay Quảng Nam có 58 TYT xã có nhu cầu đầu tư xây mới; có 72 TYT xã cần được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, trong đó có hơn 20 TYT có nhu cầu nâng cấp, sửa chữa lớn. Trong giai đoạn hiện nay và tới đây, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và những thay đổi về chính sách bảo hiểm y tế, có lẽ cần một cách tiếp cận mới trong định hướng quy hoạch và đầu tư mạng lưới y tế cơ sở. Cách đầu tư lâu nay theo định hướng TYT là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân cũng không còn phù hợp với tất cả TYT xã, phường ở các địa phương. Mô hình bác sĩ gia đình cũng không phải chỉ dành cho TYT. Hiện nay, những dịch vụ như hộ sinh, khám sức khỏe ban đầu, sơ - cấp cứu, tiêm phòng,... ở các bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân, trung tâm y tế huyện đều thực hiện và ngày càng thu hút số đông người dân đến khám, điều trị. Đặc biệt, khi liên thông BHYT, các phòng khám, bệnh viên tư càng có cơ hội mở rộng dịch vụ này. Bởi ở đó, nhiều bác sĩ hơn, trang thiết bị y tế nhiều hơn, nhất là dịch vụ cận lâm sàng, mà không một TYT nào có thể cạnh tranh.

Hẳn, cần có một cái nhìn bao quát hơn khi bắt đầu xây dựng, đầu tư về hệ thống mạng lưới cơ sở. Hay chăng chỉ nên đầu tư có trọng điểm TYT cho vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa được bao phủ bởi các hệ thống y tế từ công lập đến tư nhân. Những TYT nằm ở khu vực đô thị có cần thiết phải trang bị nhiều máy móc và bố trí bác sĩ hay không? Điều này cần phải có sự cân đo tính toán không chỉ của riêng ngành y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư phát triển y tế tuyến xã: Thừa và thiếu (bài cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO