Có 5 dự án đã được đầu tư và 29 dự án đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết, chương trình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) tại Quảng Nam mới chỉ là sự khởi đầu nhưng chưa suôn sẻ.
Các tuyến giao thông tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc hình thành từ hình thức PPP đã góp phần tạo nên sinh khí mới cho đô thị. |
Ít dự án đầu tư
Con đường nối tuyến ĐT603A với tuyến ĐT607 vạch một đường thẳng qua khu dân cư đông đúc, góp phần hình thành nên diện mạo mới mẻ, đầy sức sống của Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Công ty TNHH SX&TM Bách Đạt đã được lựa chọn đầu tư với tổng vốn được phê duyệt hơn 69,9 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2015. Tại dự án này, ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hai dự án khác cũng thuộc lĩnh vực giao thông và nhà đầu tư được lựa chọn là Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng và ngân sách nhà nước không bỏ vốn vào dự án là tuyến đường trục chính Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (lý trình km0 +00 – km0 + 400) với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 39,4 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2014 đã hoàn thành; dự án còn lại là tuyến đường trục chính Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (lý trình km2 +280 – km2 + 926) với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 46,6 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2016. Hiện dự án này đã thực hiện xong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và đang đàm phán hợp đồng dự án.
Sẽ có thêm những con đường nối tuyến 129 lên quốc lộ 1 được đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: T.D |
Cả ba dự án kể trên đều do Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đề xuất và được ủy quyền ký kết, thực hiện hợp đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Các nhà đầu tư đã được thanh toán bằng quỹ đất tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Hiện Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đang trong quá trình cơ cấu lại nên công tác quản lý dự án bị gián đoạn. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, chính quyền chưa nhận bàn giao từ đơn vị quản lý cũ, nên chưa thể có đánh giá cụ thể về các dự án PPP đã triển khai tại khu vực này, cũng chưa có số liệu chính thức về số vốn nhà nước đã bỏ ra bồi thường, giải phóng mặt bằng và số lượng quỹ đất phải thanh toán cho các nhà đầu tư theo hợp đồng ký kết.
Ngoài 3 dự án đầu tư tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, có 2 dự án khác do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai được ủy quyền ký kết và thực hiện hợp đồng. Dự án nhà máy nước Phú Ninh đang triển khai xây dựng do Công ty Đầu tư tài chính Việt Thành đề xuất và cũng là nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án kể từ năm 2015 với tổng mức đầu tư được phê duyệt 1.220,98 tỷ đồng, theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Dự án cầu km0 + 317 thuộc đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 420 tỷ đồng do Công ty CP Đạt Phương đề xuất và được chọn thực hiện theo hình thức BT, kể từ năm 2016. Phần vốn đầu tư của Nhà nước thể hiện trong dự án này là bố trí quỹ đất tại các khu đô thị với tổng diện tích khoảng 306ha.
Chậm triển khai
Theo ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT, lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP còn mới mẻ. Phần lớn danh mục dự án do các địa phương, đơn vị đề xuất đều là hình thức hợp đồng BT với phương thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, đồng thời do kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh chưa được HĐND tỉnh thông qua nên không có cơ sở để tham mưu phần vốn nhà nước tham gia các dự án PPP. Đến nay, UBND tỉnh chưa thống nhất danh mục, chỉ đạo cho Sở KH&ĐT nghiên cứu lựa chọn các dự án có tính khả thi để đề xuất danh mục đầu tư PPP thực hiện năm 2017 trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện. Các dự án còn lại sẽ được nghiên cứu phê duyệt danh mục trong các năm tiếp theo trong giai đoạn 2016 - 2020. |
Sở KH&ĐT công bố danh mục đầu tư theo hình thức PPP năm 2017 trên địa bàn Quảng Nam gồm 31 dự án, nhưng việc triển khai các dự án đầu tư theo danh mục vẫn chậm trễ. Lý do được viện dẫn là các đơn vị đề xuất chưa chủ động trong việc thực hiện dự án. Hiện chỉ có 8/31 dự án bắt tay vào triển khai thực hiện các thủ tục thẩm định dự án, chuẩn bị đầu tư. Có thể kể đến các dự án như: Trung tâm TDTT Bắc Quảng Nam, đường nối tuyến 129 (Bình Sa, Thăng Bình) đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, cầu Cẩm Nam (Hội An), tuyến giao thông tại thôn Bến Trễ - Đồng Nà - Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An), đường trục chính Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (km1+680 đến km2+280), cầu thôn 3 qua sông Cổ Cò, lò đốt rác Đại Nghĩa (Đại Lộc) từ chi phí xử lý rác thải theo hợp đồng dự án và nâng cấp vận hành một số cơ sở y tế (gộp 3 dự án Trạm Y tế Tam Thăng, Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc và Đông Quế Sơn) từ chi phí khám chữa bệnh và kinh doanh dược phẩm tại các cơ sở y tế. Nếu dự án lò đốt rác được thanh toán từ chi phí rác thải theo hợp đồng và dự án y tế lấy từ chi phí khám chữa bệnh và kinh doanh dược phẩm tại các cơ sở y tế thì 6 dự án còn lại đều thực hiện theo hình thức BT, không có nguồn đầu tư của Nhà nước và nhà đầu tư sẽ được thanh toán bằng quỹ đất.
Không chỉ các dự án đang chờ thẩm định hay chuẩn bị thủ tục đầu tư, hiện có đến 3 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc chưa thể triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Đó là dự án cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang (Núi Thành) không thể thực hiện được do việc bố trí nguồn vốn nhà nước thực hiện dự án lớn (101/246 tỷ đồng). HĐND tỉnh không thông qua chủ trương sử dụng vốn nhà nước tham gia dự án này, chuyển sang thực hiện theo hình thức đầu tư công và xã hội hóa theo luật đầu tư. Dự án trụ sở làm việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT cũng không thực hiện vì đã có chủ trương điều chuyển các trụ sở khác cho ban này quản lý. Ngoài ra, dự án xử lý chất thải và phát điện được nhà đầu tư đề xuất tại Tam Xuân 2 (Núi Thành), nhưng vị trí này nằm trong khu xử lý chôn lấp rác thải Tam Xuân 2 do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam quản lý, vận hành. Việc vận hành song song hai cơ sở xử lý rác thải trên cùng một địa bàn sẽ gây sự xung đột đối với nguồn rác xử lý. Nhà đầu tư chưa thể có cơ sở để lập đề xuất dự án khi không thể tự mình tháo gỡ các vướng mắc.
Như vậy, ngoài 8 dự án đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư và 3 dự án gặp vướng mắc, khó khăn, hiện vẫn còn đến 18 dự án theo danh mục đã được chấp thuận chưa triển khai thực hiện. Tất cả dự án nêu trên chỉ là những dự án khởi động cho một chương trình kêu gọi thu hút đầu tư theo hình thức PPP sẽ dài hơi, nên chưa thể có một đánh giá cụ thể về hiệu quả và tác động của chính dự án lên sự phát triển của địa phương. Ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói hiện tại địa phương chỉ có dự án Trung tâm TDTT Bắc Quảng Nam cũng mới trong giai đoạn chuẩn bị thẩm định, hoàn tất các thủ tục đầu tư nên không thể biết được có phát sinh những vấn đề gì khó khăn chung quanh dự án hay không.
TRỊNH DŨNG