Đầu tư và ngân sách

ĐĂNG QUANG 10/07/2017 08:38

Xem báo cáo về tình hình thu hút đầu tư có vẻ rất phấn khởi.

Con số thống kê cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 26 dự án đầu tư trong nước được cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 10.485 tỷ đồng, tổng diện tích 513,6ha. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 16 dự án, tổng vốn đầu tư tăng gần 9.464 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án quy mô lớn được cấp phép như: dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (xã Bình Dương, Thăng Bình) của Công ty CP Đạt Phương với tổng vốn đăng ký 4.647 tỷ đồng; dự án Khu du lịch và du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View (xã Duy Hải, Duy Xuyên) của Công ty CP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh với tổng vốn đăng ký 4.683 tỷ đồng; dự án Nhà máy chế biến ván dán và ván sàn tại Cụm công nghiệp Đại Nghĩa 2 (huyện Đại Lộc) của Công ty CP Ván công nghệ cao Việt Nam với tổng vốn 200 tỷ đồng... Về đầu tư nước ngoài, đã cấp mới 11 dự án (tăng 3 dự án so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký 81,46 triệu USD. Nâng tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn là 144 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2,07 tỷ USD.

Dự án đầu tư vào nhiều liệu tình hình thu ngân sách có được cải thiện hơn? Chưa hẳn, bởi đây là những dự án mới đăng ký, số vốn đăng ký lớn vậy nhưng thực tế dòng tiền đầu tư chưa chảy vào vì có nhiều điểm nghẽn. Thực tế trong 6 tháng qua chỉ có một số công trình lớn được khởi công (như Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An có quy mô diện tích 200ha vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng; Công trình nhà máy may xuất khẩu (giai đoạn 2) của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton thuộc Tập đoàn Germton Hồng Kông trên diện tích 7,1ha đất với kinh phí đầu tư 6 triệu USD; khởi công và ra mắt dự án Hội An Royal Residences có tổng diện tích hơn 70.000m2 , với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng...). Điểm nghẽn cốt tử nhất được nhận diện trong hội nghị Tỉnh ủy vừa qua chính là việc giải phóng mặt bằng. Chưa được bàn giao mặt bằng nên nhiều dự án “đứng bánh”, mà không triển khai thi công được thì dòng tiền đầu tư vẫn còn nằm trên... giấy cam kết. Như nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, có quá nhiều dự án bị chậm trễ tiến độ vì không thể giao mặt bằng, kéo theo lượng vốn đầu tư của Nhà nước lẫn doanh nghiệp không thể đổ vào nền kinh tế. Đây thực sự là bài toán cần phải giải để tạo lối thoát cho bức tranh đầu tư mà còn mở cửa cho ngân sách có nguồn thu. “Con gà” đầu tư nếu không đẻ được “quả trứng” nào thì lấy gì sinh lợi?

Dĩ nhiên, câu chuyện đầu tư không thể tính xong một sớm một chiều và lợi ích mang lại có khi là dài hạn. Tuy vậy, áp lực đang đặt ra rất lớn cho một tỉnh đứng vào danh sách địa phương điều tiết ngân sách về trung ương năm đầu tiên đã dự báo sụt giảm nguồn thu.  Như ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, dự báo khả năng năm 2017 có thể hụt thu ngân sách nội địa hơn 2000 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 6.2017, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 9.510 tỷ đồng, bằng 45,5% dự toán năm và chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước). Nguyên do quan trọng nhất là sự sụt giảm của ngành ô tô đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách.

Thực ra dự báo về sự phụ thuộc quá lớn số thu ngân sách của tỉnh nghiêng cán cân về ngành ô tô (Thaco Trường Hải), khiến sẽ khó bền vững nếu thị trường ô tô biến động, là câu chuyện đã đặt ra nhiều năm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm phương án khả thi để có nguồn thu bù đắp khi ô tô suy giảm thì vẫn là chuyện không dễ dàng. Hiện, các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh hướng mở trước mắt là thúc đẩy giải phóng mặt bằng để sớm đưa các dự án vào hoạt động, xây dựng vãng lai, bất động sản, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế... Và, những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất phải được tháo gỡ, bởi tăng trưởng dựa vào sản xuất mới bền vững; doanh nghiệp làm ăn được mới có nguồn thu.

Thu hút đầu tư là để tạo nguồn thu ngân sách nhưng đầu tư phải thực chất, phải được hiện thực hóa. Nếu chỉ kể con số dự án đăng ký, cam kết mà không khởi công được, không đưa vào hoạt động thì cũng chẳng sinh lợi gì. Có ý kiến xác đáng rằng, chỉ cần thực hiện tốt 6 nhóm dự án đầu tư chiến lược có ý nghĩa động lực trên vùng đông nam của tỉnh là sẽ tạo ra nguồn thu lớn. Khi vùng đông nam trở thành khu vực phát triển năng động, là một trung tâm công nghiệp - đô thị - du lịch - dịch vụ của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thì Quảng Nam mới có thể bứt phá về số thu ngân sách bền vững hơn. Nhưng đó là câu chuyện của mơ ước ấp ủ đến năm 2025.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư và ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO