(QNO) - Chiều nay 6/6, tiếp tục chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.
Nội dung chất vấn sẽ tập trung vào trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Các vấn đề khác là chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Tham gia phiên chất vấn chiều nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam có 3 đại biểu đặt vấn đề với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) nêu rõ, tại Báo cáo số 874 ngày 30/5/2023 của Ủy ban Dân tộc có nêu vấn đề một số địa phương chưa phát huy thế mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, vấn đề đầu tư và thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu; trong đó hạ tầng giao thông để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân thì đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Bộ trưởng thời gian tới có giải pháp nào để thu hút được đầu tư của doanh nghiệp vào vùng này nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào DTTS và miền núi?
Bộ trưởng Hầu A Lềnh thống nhất với đại biểu Phan Thái Bình về vốn đầu tư cho vùng DTTS và miền núi hiện nay rất khó khăn. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, Bộ trưởng mong muốn các địa phương tùy theo tình hình thực tế sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đồng thời, với trách nhiệm là cơ quan chủ quản về công tác dân tộc, Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, khảo sát, đánh giá để ban hành chính sách đủ mạnh thu hút đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng sau 3 năm triển khai chương trình vẫn rất chậm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới?
Bên cạnh đó, hiện nay, việc đào tạo nghề cho người có thu nhập thấp ở nhiều tỉnh chưa thực hiện được vì vướng do không xác định được thế nào là người có thu nhập thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết những vướng mắc trên, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai tiểu dự án này?
Trả lời đại biểu Dương Văn Phước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận việc giải ngân của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo kế hoạch có chậm. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các văn bản có liên quan để giải quyết vấn đề này.
Về công tác đào tạo nghề đối với người có thu nhập thấp, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đồng tình với ý kiến của đại biểu Dương Văn Phước. Đây là vấn đề vướng mắc khi kiểm tra việc triển khai trong thực tế tại địa phương. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc sẽ cùng với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu cụ thể hóa trong thông tư hướng dẫn địa phương thực hiện.
Cùng tham gia chất vấn, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) phản ánh việc áp dụng chính sách cho khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS còn có nhiều bất cập, có sự chênh lệch trong chính sách, ví dụ như y tế, giáo dục, an sinh xã hội... dẫn tới tác động không tốt đối với một số nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em, học sinh. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm và các giải pháp để giải quyết tình trạng này?
Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, đồng bào DTTS, hộ nghèo được hưởng các chính sách an sinh xã hội theo đối tượng cũng đồng thời được hưởng theo tiêu chí địa bàn. Trong giai đoạn tới, các bộ, ngành liên quan sẽ rà soát tổng thể những chính sách bất cập để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách phù hợp với quan điểm “không bỏ rơi ai cả”.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành chất vấn trong thời gian 2,5 ngày, từ 6/6 đến hết sáng 8/6. Ngày mai 7/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ và nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông - vận tải.