Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Còn nhiều rào cản (bài 2)

TRỊNH DŨNG 15/08/2018 02:17

BÀI 2: ÁCH TẮC NGUỒN VỐN

Vốn chính là một trong những động lực thúc đẩy doanh nghiệp tạo đà phát triển khu vực nông thôn. Nhưng thực tế, do những rào cản, điểm nghẽn từ cơ chế và sự lo ngại của giới ngân hàng nên dòng vốn chưa thực sự chảy vào khu vực này đúng như dự kiến.

Tin liên quan

  • Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Còn nhiều rào cản (bài 1)
Agribank và Vietcombank là hai trong số ngân hàng tài trợ vốn lớn vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Agribank và Vietcombank là hai trong số ngân hàng tài trợ vốn lớn vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tín dụng gia tăng chủ yếu kinh tế hộ

Công ty CP Giao thương Quảng Xưa vừa công bố hiện đã sản xuất hơn 72 tấn sản phẩm viên nén, đem về doanh thu 30 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 18%. Doanh nghiệp này đang trên đà phát triển, nhưng không mấy ai biết được để thực hiện dự án viên nén gỗ năng lượng, Quảng Xưa đã từng “kêu cứu” đến tận trung ương. Các ngân hàng thương mại đã quyết định thẩm định dự án, tư vấn tài chính và hỗ trợ vay vốn sau khi có sự “yêu cầu” của chính quyền tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam. Ông Lưu Văn Xưa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giao thương Quảng Xưa nói doanh nghiệp có đủ điều kiện phát triển nhưng đang cần vốn đầu tư. Ông “xin” Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ xem xét hồ sơ thuộc danh mục ưu đãi đầu tư cho phương án giai đoạn 2, cấp thêm bảo lãnh tín dụng để vay ngân hàng thương mại.

Tương tự, Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam cũng đã vượt qua khó khăn khi nhận được hỗ trợ lãi suất, gia hạn nợ từ chương trình tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn. Một thời, công ty này đã dồn toàn bộ nguồn lực tài chính tự có để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị. Cạn vốn, không có tài sản thế chấp, doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản nhưng nhờ sự kết nối với Vietcombank đã giúp doanh nghiệp chủ động vốn lưu động, vay thêm đầu tư nâng công suất nhà máy lên gấp đôi, giải quyết hết nguyên liệu dư thừa do nông dân cung cứng. Cuộc “tiếp sức” đã đưa doanh nghiệp này trở lại là một trong số những doanh nghiệp hàng đầu đầu tư vào nông nghiệp tại Quảng Nam.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến hết tháng 6.2018, dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 11.566/54.599 tỷ đồng tổng dư nợ cho vay với 691 khách hàng từ sự cung cấp tín dụng của 20 ngân hàng thương mại (kể cả 3 quỹ tín dụng nhân dân). Khối thương mại cổ phần nhà nước chiếm đến 82,59% thị phần, các ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 11,02%, Ngân hàng Cathay 4,89% và quỹ tín dụng nhân dân chiếm 1,5% tổng dư nợ. Quán quân trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn thuộc về Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam khi chiếm đến 71,31%/dư nợ nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đã được phân bổ mở rộng từ cá nhân, kinh tế hộ đến các doanh nghiệp. Nhưng những con số thống kê trên cho thấy tín dụng đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp còn quá ít ỏi. Không phải doanh nghiệp nào cũng “may mắn” như Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam hay Công ty Quảng Xưa. Tín dụng rất ít chảy vào sản xuất mà chủ yếu chảy vào thương mại nông nghiệp như mua lúa gạo dự trữ, hạt điều hay nông sản... Đầu tư tín dụng chỉ nghiêng về cá nhân, kinh tế hộ với những món vay nhỏ với tỷ trọng chiếm đến 72,42%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Quảng Nam. Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam khẳng định, hệ thống ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn đáp ứng kịp thời vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng việc tiếp cận vốn vay các chương trình ưu đãi tín dụng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Dư nợ tăng trưởng thấp ở lĩnh vực cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Nguyên nhân chính là dân chưa mạnh dạn đầu tư vốn cơ giới hóa nông nghiệp, một số doanh nghiệp khác chưa có phương án sản xuất khả thi, không đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng...

Chưa thể khơi thông vốn

Ông Trần Quang Hổ nói hệ thống ngân hàng sẽ tập trung vốn để kịp thời cho vay đối với sản xuất, thu mua, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Doanh nghiệp, người dân cần có quy hoạch, xây dựng phương án kinh doanh khả thi để tạo niềm tin cho ngân hàng đầu tư vốn.

Những cam kết của giới ngân hàng được cho là một kênh dẫn dòng tiền ra thị trường ngày một khả quan hơn, nhưng thực tế lại không dễ dàng như vậy. Chính sách đã mở, song để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vẫn rất khó khăn. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói, ở Quảng Nam số người tiếp cận vốn vay cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao… khó quá. Có những món vay được hỗ trợ lãi suất nhưng họ có vay được đâu mà hỗ trợ, trong khi số liệu cung cấp từ ban chỉ đạo tín dụng hầu như không đáng kể, coi như không thể vay được.

Một trong những lý do là tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án rất lớn nhưng lại không được chứng nhận là tài sản bảo đảm để vay vốn. Các  thủ tục yêu cầu nhiều loại giấy chứng nhận, đăng ký, tài sản thế chấp hay nhiều điều kiện khác, khiến doanh nghiệp nản lòng. Doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại muốn vay vốn phát triển nông nghiệp thông thường phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trang trại, cánh đồng mẫu lớn hay tích tụ được ruộng đất nhưng chưa có “sổ đỏ” nên không được coi là tài sản bảo đảm. Còn phía ngân hàng cho rằng đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro (thiên tai, dịch bệnh, thị trường không ổn định), trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Bảo hiểm nông nghiệp dù đã triển khai nhưng vẫn còn quá hạn chế. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng 18.487ha đất dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tại Quảng Nam đủ năng lực để doanh nghiệp, HTX tiếp cận vốn ngân hàng mới chỉ có khoảng 45,1% được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho hay rất khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng thương mại, lãi suất không ổn định, điều kiện thế chấp tài sản lớn. Ngay cả phần đất HTX quản lý cũng không thể dùng để thế chấp vay ngân hàng là điều phi lý.
Theo lý thuyết, các chính sách ưu tiên đưa vốn về nông thôn đã được thực thi sẽ là cơ sở pháp lý để khu vực nông nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, không nhiều doanh nghiệp thụ hưởng nguồn vốn giá rẻ từ Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn đầu tư 1ha sâm Ngọc Linh sẽ mất khoảng từ 2 đến 2,5 tỷ đồng, chưa kể hạ tầng. Nhưng hạn mức cho vay thấp, thời gian ngắn thì liệu chính sách này có đến được với người dân? Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, một cuộc điều tra mới đây cho thấy có đến 70,1% doanh nghiệp nông nghiệp rất khó tiếp cận vốn. Một nghị định sửa đổi Nghị định 55 có tính đến chương trình tín dụng đặc thù cho một số lĩnh vực và sản phẩm của ngành nông nghiệp, trong đó có cho vay không cần tài sản bảo đảm nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp. Nhiều ưu đãi đã đưa ra nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Quan trọng nhất bây giờ là chuyện thực thi. Vốn có chảy đến nơi cần chảy hay không lại phải chờ câu trả lời từ thực tế!

---------------------
Bài 3: Khó tích tụ ruộng đất

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Còn nhiều rào cản (bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO