Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Còn nhiều rào cản (bài cuối)

TRỊNH DŨNG 17/08/2018 02:14

BÀI CUỐI: THÚC ĐẨY CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP

Cơ giới hóa sản xuất được xem như một bài toán giúp nông dân cải thiện chất lượng sống. Nhưng trên thực tế, không phải là cách đa số nông dân Quảng Nam đều có thể áp dụng được.

Tin liên quan

  • Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Còn nhiều rào cản (bài 3)
  • Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Còn nhiều rào cản (bài 2)
  • Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Còn nhiều rào cản (bài 1)
Cơ giới hóa nông nghiệp hiện tại chủ yếu vẫn là khâu gặt đập, làm đất trên ruộng lúa.  Ảnh: T.D
Cơ giới hóa nông nghiệp hiện tại chủ yếu vẫn là khâu gặt đập, làm đất trên ruộng lúa. Ảnh: T.D

Không thiếu nông cụ

Cơ giới hóa trong nông nghiệp đang là nhu cầu cần thiết. Số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp tại Quảng Nam hay cả nước đã gia tăng. Tuy nhiên, theo điều tra mới đây của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp tại Việt Nam hiện chỉ mới bằng 1/3 Thái Lan, ¼ Hàn Quốc và 1/6 Trung Quốc. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải đạt cơ giới hóa 70 - 90% trong các khâu làm đất gieo trồng, chăm bón, thu hoạch, chế biến… Ngành cơ khí chế tạo máy chưa đáp ứng được yêu cầu (33% thị trường nội địa), nhưng chất lượng máy thiếu ổn định và hầu hết máy có công suất nhỏ…

Những thông tin này chính là “mảnh đất” cho thị trường máy kéo và máy nông nghiệp nẩy nở. Sản phẩm nông cụ hiện đại (máy làm đất, máy thu hoạch, máy bơm nước, máy phun thuốc sâu, máy bảo quản và chế biến) trên thị trường hiện có sản phẩm nội địa, xuất xứ từ Trung Quốc và các loại máy cũ nhập khẩu từ Nhật Bản. Gần đây có thêm những sản phẩm máy nông nghiệp (chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn LS Mtron - hãng máy kéo nông nghiệp lớn nhất Hàn Quốc) của Trường Hải. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải cho biết, công ty đã nội địa hóa các linh kiện máy kéo đạt hàm lượng giá trị khu vực đến 50%; chỉ nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN các linh kiện chuyên dụng công nghệ cao mà Việt Nam chưa sản xuất được. Ông Dương hy vọng sản phẩm của Thaco sản xuất sẽ dần thay thế hàng ngoại nhập. Dự kiến, sản phẩm máy kéo sẽ đạt 7% thị phần năm 2018 với 500 máy và 38% thị phần (2.100 máy) vào năm 2026…

Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp tại Chu Lai và một hệ thống phân phối, bán lẻ trên toàn quốc đã được Trường Hải thiết lập, được đánh giá sẽ góp phần thay đổi diện mạo nền Công nghiệp Việt Nam. Ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, máy móc cho nông nghiệp ở Việt Nam không thiếu, kể cả nông cụ do nông dân chế tạo, tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng thủ công nên không có độ đồng nhất. Nhưng sản phẩm của Trường Hải sản xuất hợp tác với công ty sản xuất nông cụ hàng đầu thế giới sẽ khắc phục được những hạn chế này. “Chủ động được máy móc, nông cụ sẽ là một trong những thuận lợi lớn. Từ cơ giới hóa đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ mở ra bước phát triển mới của nền nông nghiệp Việt Nam” - ông Thắng nói.  

Ông Trần Hải (trú thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên), một nông dân sở hữu đến 4 máy nông nghiệp cũ hiệu Kubota (Nhật Bản) nói nhu cầu mua máy nông cụ đã qua sử dụng tăng nhanh vì rẻ, chất lượng. Hai tiêu chí đó các sản phẩm nội địa không thể đáp ứng được. So với máy do các cơ sở trong nước chế tạo thì loại máy ngoại nhập cũ vẫn ổn định hơn nhiều, nhưng giá cả tương đương hoặc thấp hơn. Thị trường đã có thêm máy của Trường Hải là thêm cơ hội lựa chọn cho nhà nông dù chưa biết giá có mềm hơn không.

Chậm cơ giới hóa

Hình ảnh những chiếc máy gặt đập liên hợp lớn, nhỏ xuất hiện trên các cánh đồng mùa gặt, những chiếc máy cày làm đất đầu mùa vụ không còn là chuyện lạ của nền nông nghiệp Quảng Nam suốt 10 năm qua. Những nông cụ được cho là hiện đại này chính là “vị cứu tinh” của nền nông nghiệp khi lực lượng lao động trẻ đã tìm cách ly nông để tìm đến những nhà máy, công xưởng. Thị trường máy nông nghiệp đa dạng, thuận lợi cho nhà nông chọn lựa. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, Quyết định số 33 (năm 2011) của UBND tỉnh đã mở đường cho nông nghiệp Quảng Nam tiến hành cơ giới hóa một cách nhanh chóng. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đến 100% và hơn 90% khâu gặt. Song ông Muộn cũng thừa nhận cơ giới hóa chỉ ở đồng bằng và ruộng lúa, không thể tiến hành trên cây trồng cạn.

Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý và cả nông dân đều thấy được lợi ích của việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhưng thực tế tiến độ cơ giới hóa chỉ được tập trung cho sản xuất lúa, còn các lĩnh vực khác hầu như bỏ ngỏ. Tại sao tốc độ cơ giới hóa diễn ra chậm chạp? Điểm nghẽn chính là diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún, giao thông nội đồng kém, thiếu vùng chuyên canh rộng lớn. Ông Phạm Văn Du - Chủ tịch HĐQT HTX Duy Sơn 2 cho biết, ngoài yếu tố đất đai manh mún, bình quân diện tích sản xuất của nông hộ chỉ khoảng 500 - 1.000m2 thì chi phí đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch quá lớn cũng là một cản trở. Một nông dân chỉ có vài sào ruộng, liệu có dám đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy làm đất với giá trị vài trăm triệu đồng không dù biết sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Muốn cơ giới hóa phải tích tụ ruộng đất, dồn điền, giao cho một người quản lý. Một máy phun thuốc, rải giống, sạ hàng… cũng phải thực hiện trên một cánh đồng đồng nhất một loại giống chứ sản xuất hai hay ba giống khác nhau thì làm sao có thể sử dụng máy móc để thực hiện.

Như vậy, tiến trình cơ giới hóa không phải do chính doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm nông cụ quyết định mà chính là từ người nông dân và những điều kiện cần và đủ khác. Theo ông Lê Muộn, Chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ cơ giới hóa với mức lãi suất ưu đãi, nhưng số người vay tiếp cận vốn khó hoặc không muốn vay thì cũng đành chịu. Muốn có cơ chế thúc đẩy cơ giới hóa trên cây trồng cạn thì phải giải được bài toán tín dụng, tích tụ ruộng đất, hình thành vùng chuyên canh tập trung, nhưng Quảng Nam e khó quá. Ngay như vùng bắp khá tập trung ở bãi biền dọc Vu Gia - Thu Bồn cũng không đủ lớn. Nông dân Quảng Nam xác định mua sắm máy móc không chỉ làm cho mình mà chủ yếu làm dịch vụ. Mà không làm dịch vụ, khi ruộng đất lẻ tẻ thì lỗ là cái chắc. “Sẵn sàng cơ giới hóa, nhưng muốn một máy nông nghiệp sinh lợi thì thửa ruộng phải lớn. Nếu không lớn thì liên canh, không thể da beo. Không phải thu hoạch vài ba thửa ruộng nhỏ, di chuyển hàng mấy cây số để sang mảnh ruộng khác thì không ai làm được. Còn tích tụ ruộng đất là câu chuyện dài nên cơ giới hóa nông nghiệp Quảng Nam vẫn là một con đường còn xa lắm” - ông Muộn nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Còn nhiều rào cản (bài cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO