Đầu tư vốn cho "tam nông"

HOÀNG NGUYỄN  - ĐIỆN NAM 23/01/2017 09:32

“Bạn đồng hành của nhà nông”, “Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững”... không đơn thuần là câu khẩu hiệu - slogan để quảng bá hình ảnh của Agribank, mà đó là một phương châm hành động được đo bằng những số liệu đầu tư hiệu quả, như ở Quảng Nam.

MỤC tiêu khơi thông dòng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân (gọi tắt là tam nông) có tính chiến lược lâu dài mà Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đặt ra. Nghị định này ban hành vào tháng 6.2015, nhằm định khung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có nhiều gói tín dụng theo định hướng phát triển, trong đó khuyến khích cho vay vốn đối với các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hay khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ chủ trương trên, Agribank Việt Nam nói chung, Chi nhánh Quảng Nam nói riêng đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh cho vay theo Nghị định 55. Gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặc thù địa phương, từng chi nhánh cơ sở của Agribank có phương thức đầu tư cụ thể. Một bước đi có tính đột phá của Agribank Quảng Nam trong năm 2016 là chuyển dòng tiền đầu tư mạnh cho vay kinh tế hộ và cá nhân, hướng đến phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, xây dựng nông thôn mới, sản xuất làng nghề và kinh tế trang trại... Nhờ đó, Agribank Quảng Nam xác lập mức tăng trưởng cao nhất trong 20 năm thành lập.

Tàu vỏ thép của ông Nguyễn Đình Châu (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) trị giá hơn 15 tỷ đồng, được đóng mới từ nguồn vốn vay của Agribank Quảng Nam.
Tàu vỏ thép của ông Nguyễn Đình Châu (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) trị giá hơn 15 tỷ đồng, được đóng mới từ nguồn vốn vay của Agribank Quảng Nam.

Những con số “biết nói”

Kết sổ của Agribank Quảng Nam năm 2016, dư nợ cho vay hộ và cá nhân đạt 4.862 tỷ đồng, tăng 1.514 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 45,22% so với cuối năm 2015, đạt 229% kế hoạch trung ương giao. Theo ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank Quảng Nam, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 20 năm thành lập chi nhánh. Dòng vốn đầu tư thực sự đã chảy vào lĩnh vực “tam nông”, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư cho các hộ sản xuất làng nghề, các mô hình chăn nuôi trồng trọt, các hộ làm kinh tế trang trại, gia trại...

Nhờ được vay vốn của Agribank, ông Lê Phương Đông đã đầu tư trang trại nuôi heo tại thôn Xuân Thái, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn.
Nhờ được vay vốn của Agribank, ông Lê Phương Đông đã đầu tư trang trại nuôi heo tại thôn Xuân Thái, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn.

Có được kết quả ấn tượng trên là nhờ nhiều giải pháp khơi thông dòng tiền đầu tư bằng cách đơn giản hóa các thủ tục cho vay, đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi trong công tác tín dụng đối với khách hàng; đa dạng hóa các phương thức cho vay, đặc biệt là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu vốn, đặc thù sản xuất kinh doanh của hộ gia đình và cá nhân. Một trong những giải pháp trọng tâm là xây dựng Đề án “Đầu tư tín dụng của Agribank chi nhánh tỉnh Quảng Nam đối với khách hàng hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020”. Từ việc triển khai thực hiện đề án này đã  tạo nên bước đột phá về tăng trưởng tín dụng.

Điều cần phải nói là cho vay loại hình nào cũng có yếu tố rủi ro. Riêng cho vay hộ và cá nhân, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, cũng dễ xảy ra nợ xấu. Để phòng ngừa điều đó, Agribank Quảng Nam quan tâm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo xử lý nợ xấu tại tỉnh, tổ xử lý nợ tại các chi nhánh ngân hàng cơ sở. Việc phân tích nợ, đánh giá khả năng thu hồi, biện pháp xử lý và xây dựng kế hoạch thu hồi đối với từng khoản nợ vay, từng khách hàng được duy trì thường xuyên hàng tháng, quý. Nhờ đó, chất lượng tín dụng hộ gia đình và cá nhân luôn được kiểm soát và duy trì ở mức thấp; đến cuối năm 2016, nợ xấu chỉ có 9,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,2% dư nợ hộ gia đình và cá nhân. Với tỷ lệ nợ xấu như vậy, chứng tỏ mối quan hệ trên niềm tin (chữ tín) giữa hộ cá nhân, bà con nông dân vay sản xuất nông nghiệp với ngân hàng được xác lập vững chắc.

Phát huy hiệu quả đồng vốn

Các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn:
1. Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ.
2. Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn.
3. Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp.
4. Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn.
5. Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
6. Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn.
7. Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.
(Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ 27.7.2015)

Từ đồng vốn cho vay của Agribank Quảng Nam, rất nhiều hộ nông dân, cơ sở sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp đã có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô, phát huy hiệu quả đồng vốn. Điển hình như bà Nguyễn Thị Thanh, chủ cơ sở trồng hoa tại xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, cách đây 5 năm, điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn, chật vật. Để vượt qua cái khó nghèo trên vùng đất khô cằn này, bà Thanh đã được Agribank Quảng Nam cho vay vốn nhằm phát triển chăn nuôi, trồng trọt. “Được ngân hàng đầu tư vốn, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô, chủng loại các loại hoa, cây cảnh và chăn nuôi bò. Đến nay, sau 5 năm vay vốn làm ăn, điều kiện kinh tế của gia đình tôi đã được cải thiện đáng kể. Từ chỗ là hộ có kinh tế khó khăn, gia đình tôi đã vươn lên trở thành hộ khá giả, đồng thời còn phát triển trang trại giải quyết được một số lao động nhàn rỗi tại địa phương”- bà Thanh nói. Tương tự bà Thanh, nhờ được vay vốn của Agribank, ông Lê Phương Đông ở thôn Xuân Thái (xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn) đã đầu tư trang trại nuôi heo khá quy mô, hiện đại. Sẽ khó kể hết những điển hình tiêu biểu trong việc sử dụng đồng vốn của Agribank Quảng Nam để làm ăn hiệu quả, phát triển nông nghiệp. Bởi, đã có khoảng 55 nghìn lượt hộ được vay và rất nhiều người đã trả được cả vốn lẫn lãi, đồng thời tiếp tục mở rộng sản xuất.

Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ là hướng đi mà Agribank đang đẩy mạnh. Chi nhánh Agribank Quảng Nam cũng xác định việc đầu tư cho vay ở lĩnh vực này là trọng điểm để khơi dòng tăng trưởng tín dụng. “Chúng tôi cam kết không để thiếu vốn đầu tư phục vụ phát triển tam nông. Thực tế, từ nhiều năm trước, các chương trình đầu tư vào tam nông như Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hay cho vay đóng tàu xa bờ (theo Nghị định 67, nay là Nghị định 89)..., đồng vốn của Agribank vẫn luôn sẵn sàng” - ông Hà Thạch cho biết.

Trước thềm hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, việc đầu tư tín dụng để phục vụ phát triển tam nông là con đường để mở ra sinh lộ mới cho nhiều vùng đất, trong đó có Quảng Nam.

HOÀNG NGUYỄN  - ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư vốn cho "tam nông"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO