Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 1: Ưu tiên nguồn lực

NGUYỄN SỰ 09/07/2018 09:24

LTS: Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến nay, Quảng Nam đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất. Nước tưới đã về trên hầu khắp cánh đồng, giúp hồi sinh nhiều ruộng lúa bỏ hoang và hình thành những vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nhu cầu xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hầu hết địa phương đều rất lớn nhưng nguồn lực tài chính vẫn còn eo hẹp, trong khi đó, việc xây dựng hạ tầng thủy lợi cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề, đòi hỏi cơ quan chức năng, địa phương phải tính toán một cách kỹ lưỡng…

Nhiều địa phương tập trung bê tông hóa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.            Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều địa phương tập trung bê tông hóa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ

BÀI 1: ƯU TIÊN NGUỒN LỰC

Xác định nước tưới là tiền đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, 10 năm qua các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn lực tài chính để ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi…  

Xây nhiều hồ đập

Bà Bùi Thị Bích Hạnh - Chủ tịch UBND xã Quế Lưu (Hiệp Đức) cho biết, trên địa bàn 5 thôn của xã có 104ha đất lúa. Trước đây, địa phương chỉ có 1 đập dâng nhỏ ở thôn 4 nên trong số diện tích đất lúa vừa nêu thì chỉ có chừng 12 - 15% đảm bảo nước tưới, còn lại phần lớn phải dựa vào nước trời. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã từng bước được cải thiện. Theo đó, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đầu tư 11 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước Tam Bảo tại thôn 2 để chủ động cung ứng nguồn nước cho việc sản xuất của đơn vị và nông dân trong vùng dự án. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay bằng nhiều nguồn vốn huy động, bình quân mỗi năm địa phương chi không dưới 1 tỷ đồng thực hiện việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đập dâng và bê tông hóa hơn 4km kênh mương. Bà Hạnh chia sẻ: “Hồi trước, do quá bức bí nguồn nước tưới nên việc sản xuất của người dân địa phương gặp vô vàn khó khăn, chuyện thiếu gạo ăn trong kỳ giáp hạt xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự tiếp sức của Nhà nước và doanh nghiệp cùng với đóng góp của nhân dân nên bài toán khó về nguồn nước tưới ở xã miền núi Quế Lưu đã cơ bản được giải quyết. Theo thống kê, tính đến cuối tháng 6.2018 toàn xã đã có 81% diện tích đất lúa chủ động nước tưới trong 2 vụ đông xuân và hè thu”.

Nhiều địa phương tập trung bê tông hóa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều địa phương tập trung bê tông hóa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.Ảnh: VĂN SỰ

Ông Nguyễn Tấn Phát - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến nay, chính quyền địa phương đặc biệt ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, bởi nguồn nước tưới được xem là khâu then chốt trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông Phát, nhờ linh hoạt huy động và lồng ghép hiệu quả nhiều kênh vốn, trong 10 năm qua bình quân hàng năm Hiệp Đức đầu tư ít nhất 5 tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống thủy lợi. “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.360ha đất lúa. Ngoài công trình hồ chứa Tam Bảo ở xã Quế Lưu, toàn huyện còn có 5 hồ chứa vừa và lớn khác gồm Việt An, An Tây, Bà Sơn, Bình Hòa, An Vang. Không chỉ vậy, tại 12 xã, thị trấn cũng có gần 50 đập dâng và 96km kênh mương các loại, trong đó 55% đã được bê tông hóa. Qua khảo sát cho thấy, hiện trong số diện tích đất lúa nêu trên thì đã có 72,5% chủ động nước tưới, tăng gần 10% so với thời điểm đầu năm 2008” - ông Phát nói thêm.

Triển khai nhiều dự án trọng điểm

Những năm qua, nhờ ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư nên hiện nay toàn tỉnh có tổng cộng 1.125 công trình thủy lợi (gồm 73 hồ chứa, 248 trạm bơm điện, 804 đập dâng) và khoảng 3.500km kênh mương các loại, trong đó gần 56% đã được kiên cố hóa. Theo thống kê mới nhất, năm 2018 toàn tỉnh có 86.742ha đất sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới, tăng 10.553ha so với năm 2009…

Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua Quảng Nam vẫn ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng từ năm 2016 - 2018, bằng nhiều kênh vốn huy động, các địa phương đã đầu tư xấp xỉ 141 tỷ đồng xây dựng 130 công trình thủy lợi nhỏ đảm bảo cung ứng nước tưới cho 2.120ha đất lúa và 350 tỷ đồng kiên cố hóa gần 382km kênh mương loại 3 nhằm phục vụ tưới ổn định 11.128ha đất nông nghiệp. Thời gian qua, Quảng Nam cũng được Trung ương quan tâm hỗ trợ triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay dự án WB5 đã đầu tư 220 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Khe Tân và Chánh Sơn thuộc huyện Đại Lộc. Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2014 dự án WB7 chính thức đầu tư 700 tỷ đồng để hiện đại hóa hệ thống tưới của 2 hồ chứa Phú Ninh, Khe Tân và thời gian thi công sẽ kéo dài đến năm 2020.

Những ngày này, về xã Điện Quang của Điện Bàn, chúng tôi thực sự bị hút hồn trước màu xanh mơn mởn của những cánh đồng lúa hè thu. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Điện Quang cho biết, trên địa bàn xã có 160ha đất lúa. Thời gian qua, nhờ 3 trạm bơm điện được đầu tư nâng cấp và gần 35km kênh mương được kiên cố hóa nên 100% diện tích đất lúa của địa phương cơ bản chủ động nước tưới. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, hiện nay tại 20 xã, phường của thị xã có 5.640ha đất lúa. Theo ông Chơi, 10 năm qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên kết hợp với ngân sách địa phương và huy động nhiều kênh vốn khác, Điện Bàn đã bê tông hóa thêm 100km kênh mương với số tiền hơn 70 tỷ đồng. Không chỉ vậy, trong tổng số 54 trạm bơm điện do thị xã quản lý thì thời gian qua đã tiến hành nâng cấp 14 công trình với vốn đầu tư 28 tỷ đồng. Ngoài ra, thị xã còn chi một khoản tiền không nhỏ xây mới, nâng cấp, gia cố các đập dâng Thanh Quýt, Bàu Nít, Bình Long và 2 đập ngăn mặn - giữ ngọt Hà My, Tứ Câu. Ông Chơi nói: “Nhờ chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều khâu, đến nay 100% diện tích đất lúa của Điện Bàn đã chủ động nước tưới”.

Tập trung thủy lợi hóa đất màu

Đầu tháng 7, nắng hầm hập, lội trên những bãi biền của các thôn Lệ Bắc, Thanh Châu, Lệ Nam, Thọ Xuyên, Lệ An… thuộc xã Duy Châu (Duy Xuyên), chúng tôi thấy hàng loạt ruộng đậu, bắp và nhiều loại cây trồng cạn chủ lực khác vẫn xanh mướt. Ông Nguyễn Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, sở dĩ những diện tích hoa màu của địa phương vẫn phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay là nhờ nguồn nước tưới rất đảm bảo. Theo ông Văn, hiện trên địa bàn xã có 220ha đất màu. Để giúp nhà nông nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm qua chính quyền địa phương đã nỗ lực huy động rất nhiều nguồn vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng lắp đặt các trạm biến áp và kéo hơn 20km đường dây điện ra các khu vực bãi biền nhằm thủy lợi hóa số diện tích đất màu vừa nêu.

Trong khi đó, ông Lưu Nguyễn Đức Nhân - chuyên viên phụ trách lĩnh vực thủy lợi của Phòng NN&PTNT Duy Xuyên thông tin, hiện trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện có tổng cộng 2.500ha đất màu. Thời gian qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và ngân sách địa phương, huyện đã chi hơn 92 tỷ đồng xây dựng nhiều trạm biến áp và kéo 115km đường dây điện để phục vụ khâu thủy lợi hóa đất màu, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Trung, Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Châu, Duy Phước, thị trấn Nam Phước. Nhờ vậy, trong số 2.500ha đất màu trên toàn huyện, đến thời điểm này phần lớn diện tích đã cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới…

Không riêng Duy Xuyên, thời gian qua nhiều địa phương khác cũng tập trung đầu tư mạnh cho công tác thủy lợi hóa đất màu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc chi cả trăm tỷ đồng xây dựng 151 công trình thủy lợi hóa đất màu với mục tiêu đảm bảo nguồn nước tưới cho 3.200ha cây trồng cạn tại các khu vực bãi bồi ven sông trong giai đoạn 2011-2015 thì từ năm 2016 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 205/NQ-HĐND (ngày 26.4.2016) của HĐND tỉnh, ngân sách tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố hơn 52 tỷ đồng để thi công thêm 63 công trình thủy lợi hóa đất màu nhằm chủ động phục vụ nước tưới cho gần 900ha…

------------------------------
Bài 2: Nâng cao hiệu quả sản xuất

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 1: Ưu tiên nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO