Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 2: Nâng cao hiệu quả sản xuất

NGUYỄN SỰ 10/07/2018 09:14

Nhờ nguồn nước tưới đảm bảo, chú trọng đầu tư thâm canh nên những năm qua năng suất lúa tại nhiều địa phương trong tỉnh liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, khi hệ thống thủy lợi hóa đất màu được xây dựng bài bản, nhà nông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đã hình thành nên nhiều mô hình sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày, rau củ quả theo phương thức hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao…  

Tin liên quan

  • Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 1: Ưu tiên nguồn lực
Nhờ nước tưới chủ động và chú trọng đầu tư thâm canh, những năm qua năng suất lúa ở nhiều địa phương liên tục tăng mạnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nhờ nước tưới chủ động và chú trọng đầu tư thâm canh, những năm qua năng suất lúa ở nhiều địa phương liên tục tăng mạnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Năng suất lúa tăng mạnh

Gia đình bà Trần Thị Thọ ở thôn 2 (xã Quế Lưu, Hiệp Đức) có 5 sào đất lúa. Năm 2007 trở về trước, do bức bí nguồn nước tưới nên việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Thọ, thời điểm đó, vụ đông xuân nhờ trời thường xuyên có mưa nên vãi được hạt giống xuống đất và may mắn lắm thì mỗi sào thu hoạch được 150kg lúa khô. Còn hè thu, vì nắng hạn quá gay gắt, không biết tìm đâu ra nước để đổ ải gieo sạ nên đành phải bỏ hoang số diện tích vừa nêu. Năm 2008 công trình hồ chứa Tam Bảo được Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đầu tư xây dựng ngay tại địa phương và từ đó đến nay vụ nào 5 sào lúa của vợ chồng bà Thọ cũng đảm bảo nước tưới. Cùng với việc nguồn nước tưới không thiếu hụt, thời gian qua nhờ ứng dụng hiệu quả các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến và quản lý tốt dịch hại tổng hợp nên năng suất lúa đạt 350kg/sào/vụ, tăng hơn gấp đôi so với trước đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, mỗi vụ nông dân toàn tỉnh sản xuất khoảng 23.000 - 25.000ha cây công nghiệp ngắn ngày và rau đậu các loại. Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đã hình thành được rất nhiều mô hình chuyên canh - xen canh - gối vụ những cây trồng cạn chủ lực như dưa hấu, ớt, đậu xanh, bắp lai, đậu phụng, bắp nếp cùng một số loại rau quả thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích hơn 12.000ha. “Qua khảo sát tại nhiều địa phương, bình quân mỗi năm 1ha đất màu canh tác theo phương thức này mang lại cho nhà nông mức thu nhập hơn 100 triệu đồng” - ông Muộn nói.  

Bà Bùi Thị Bích Hạnh - Chủ tịch UBND xã Quế Lưu cho hay, nhờ hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng nên 10 năm qua năng suất lúa liên tục tăng mạnh. “Đông xuân 2017 - 2018 vừa qua, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 57 tạ/ha, tăng 15 tạ/ha so với năm 2008” - bà Hạnh nói. Trong khi đó, ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, việc ưu tiên nguồn lực tài chính xây dựng hệ thống thủy lợi đã góp phần giúp nông dân nhiều địa phương của huyện có được những mùa vàng bội thu. Ông Viên chia sẻ: “Đông xuân năm nay, năng suất lúa bình quân của Hiệp Đức đạt xấp xỉ 48 tạ/ha, tăng 23 tạ/ha so với cách đây 10 năm”.

Ông Nguyễn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật nhìn nhận, khi giải được “bài toán khó” về nguồn nước tưới cho cây lúa, kết hợp với việc ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ nhà nông thực hiện đồng bộ một số khâu trọng yếu, những năm qua năng suất lúa ở nhiều nơi khác của tỉnh cũng không ngừng tăng lên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm nông dân toàn tỉnh gieo sạ khoảng 86.000ha lúa trong 2 vụ đông xuân và hè thu. Nếu năm 2008 tổng sản lượng lúa của tỉnh chỉ đạt 380.528 tấn thì năm 2017 đạt hơn 460.000 tấn. Còn vụ đông xuân 2017 - 2018 vừa qua, nông dân trên địa bàn tỉnh canh tác 42.800ha lúa, năng suất bình quân đạt 57 tạ/ha và tổng sản lượng đạt 243.900 tấn, tăng 4.800 tấn so với cùng vụ sản xuất năm ngoái…  

Hình thành nhiều vùng chuyên canh

Ông Nguyễn Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu (Duy Xuyên) cho hay, nhờ chú trọng đầu tư thi công rất nhiều công trình thủy lợi hóa nên hầu như toàn bộ 220ha đất màu của địa phương đã đảm bảo nguồn nước tưới. “Nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ nhiều phía, mấy năm gần đây người dân trên địa bàn xã Duy Châu đã hình thành hàng loạt mô hình chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng hàng hóa tập trung và thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Theo thống kê, trong năm 2017 bình quân 1ha đất màu của xã đạt giá trị 200 - 250 triệu đồng” - ông Văn chia sẻ.

Hệ thống thủy lợi hóa đất màu được xây dựng bài bản, nông dân có điều kiện hình thành những vùng sản xuất cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ
Hệ thống thủy lợi hóa đất màu được xây dựng bài bản, nông dân có điều kiện hình thành những vùng sản xuất cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ

Duy Châu không là địa phương cá biệt. Thời gian qua, nhờ chính quyền huyện Duy Xuyên cùng các đơn vị liên quan ưu tiên nguồn lực tài chính cho công tác thủy lợi hóa đất màu và nỗ lực hỗ trợ nhà nông chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng nên nhiều nơi khác của huyện như các xã Duy Phước, Duy Thành, Duy Trung, Duy Trinh, thị trấn Nam Phước… cũng đã xây dựng được những vùng sản xuất cây trồng cạn với quy mô lớn. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, nhờ linh hoạt bố trí việc canh tác cây trồng một cách phù hợp nên phần lớn diện tích trong tổng số 2.500ha đất màu của huyện đều cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay bình quân 1ha đất màu của huyện mang lại cho nông dân mức thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm, tăng 30 - 50 triệu đồng/ha so với thời điểm năm 2008 trở về trước.

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) thông tin, cùng với việc đảm bảo chủ động cung ứng nguồn nước tưới cho 95% diện tích trong tổng số 545ha đất màu thì mấy năm gần đây chính quyền địa phương và hợp tác xã cũng đặc biệt chú trọng đến khâu kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp ở trong cũng như ngoài tỉnh về Điện Quang liên kết với nông dân sản xuất một số loại cây trồng cạn chủ lực theo chuỗi giá trị và bao tiêu đầu ra sản phẩm. “Theo thống kê, năm 2017 bình quân 1ha đất màu của xã đạt giá trị 175 - 220 triệu đồng, cá biệt có nhiều vùng nhà nông thu về 350 - 400 triệu đồng/ha/năm” - ông Thành nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, 10 năm qua bình quân hằng năm chính quyền thị xã hỗ trợ cho các địa phương khoảng 1,5 tỷ đồng lắp đặt một số trạm biến áp và kéo nhiều đường dây điện trung - hạ thế để thủy lợi hóa đất màu. Nhờ vậy, đến thời điểm này, trong tổng số 4.000ha đất màu trên địa bàn 20 xã, phường của Điện Bàn thì đã có không dưới 75% diện tích chủ động nước tưới. Ông Chơi chia sẻ thêm: “Khi hạ tầng thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, thời gian qua nông dân nhiều nơi của thị xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng rộng rãi quy trình kỹ thuật mới vào quá trình canh tác nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Thực tế cho thấy, hiện nay bình quân 1ha đất màu của Điện Bàn đạt giá trị 115 triệu đồng/ha/năm, tăng 20,5 triệu đồng/ha so với cách đây 10 năm”.

______
Bài 3: Thiếu nguồn vốn

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 2: Nâng cao hiệu quả sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO