Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài cuối: Chưa phát huy hiệu quả công trình

NGUYỄN SỰ 12/07/2018 09:19

Trong khi hàng loạt diện tích đất canh tác phải chịu cảnh bỏ hoang hoặc thường xuyên bị khô hạn nặng thì một số công trình thủy lợi trọng yếu lại chưa phát huy hết công năng. Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng thủy lợi cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tính toán một cách kỹ lưỡng…

Tin liên quan

  • Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 3: Thiếu nguồn vốn
  • Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 2: Nâng cao hiệu quả sản xuất
  • Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 1: Ưu tiên nguồn lực
Hệ thống kênh mương chưa được thi công đồng bộ nên hồ chứa nước Việt An (Hiệp Đức) không phát huy hết công năng. Ảnh: VĂN SỰ
Hệ thống kênh mương chưa được thi công đồng bộ nên hồ chứa nước Việt An (Hiệp Đức) không phát huy hết công năng. Ảnh: VĂN SỰ

Thừa và thiếu nước

Xây dựng đập dâng, đập thời vụ không khả thi

Ông Nguyễn Tấn Phát - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho rằng, do những năm qua thảm thực vật bị mất khá nhiều nên dòng chảy cơ bản của các khe suối trên địa bàn huyện nhỏ dần, dẫn đến nước ở đầu nguồn hiện nay còn rất ít so với trước đây. Trước tình trạng này, việc đầu tư xây dựng hệ thống đập dâng ở Hiệp Đức là không khả thi, thay vào đó là nên thi công các hồ chứa. Tuy nhiên, hiện nay suất đầu tư xây dựng hồ chứa quá lớn, bình quân một công trình có quy mô vừa và nhỏ phải tốn ít nhất 60 - 80 tỷ đồng nên nằm ngoài khả năng của ngân sách địa phương.

Không riêng Hiệp Đức, lãnh đạo ngành nông nghiệp các huyện miền núi khác cũng đang lo ngại trước thực trạng nước đầu nguồn cạn kiệt dần khiến việc đầu tư xây dựng hệ thống đập dâng, đập thời vụ không phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Tấn Phát - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, trong khi vụ hè thu nào nông dân trên địa bàn huyện cũng phải chấp nhận bỏ hoang 350 - 400ha đất lúa vì không có nguồn nước tưới thì tại địa phương lại có một số hồ chứa chưa phát huy hết công năng do hệ thống kênh chính, kênh nhánh và trạm bơm điện không được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ. Chẳng hạn, hồ chứa Việt An là công trình thủy lợi có quy mô lớn được xây dựng tại địa phận xã Bình Lâm của Hiệp Đức, nhưng hàng chục năm qua chỉ có 3 xã là Bình Lâm, Quế Thọ, Bình Sơn được thụ hưởng nguồn nước với diện tích tưới còn khá khiêm tốn. Theo ông Phát, bình quân mỗi vụ ở 3 xã vừa nêu có khoảng 210ha đất lúa nhận nước tưới của hồ chứa Việt An. Ông Phát nói rằng, để mở rộng quy mô diện tích tưới, thời gian tới huyện cần 3,5 tỷ đồng xây dựng 1,5km kênh chính và 1km kênh nhánh nhằm đưa nước từ hồ Việt An về tưới thêm 37ha đất lúa của xã Bình Sơn. Trong khi đó, tại xã Bình Lâm cũng cần ít nhất 11 tỷ đồng xây dựng 2 trạm bơm điện là Gò Kia và Gò Tranh để chủ động phục vụ nước tưới cho không dưới 55ha đất lúa nữa.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam - đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành hồ chứa nước Việt An cho biết, với dung tích chứa hiện nay thì bình quân mỗi vụ công trình thủy lợi này có khả năng tưới 1.500ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, mỗi vụ hồ chứa Việt An chỉ cung cấp nước tưới cho khoảng 800ha đất sản xuất nông nghiệp của 3 huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình. Ông Hải nói: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thời gian qua hệ thống kênh dẫn nước, trạm bơm điện ở các địa phương vừa nêu chưa được quan tâm đầu tư xây dựng bài bản. Theo tôi, nếu giải quyết được vấn đề này, chắc chắn khả năng tưới của hồ chứa Việt An sẽ nâng lên ít nhất 1.200ha trong mỗi vụ sản xuất”.

Trong khi đó, tại Quế Sơn, hồ chứa Suối Tiên cũng chưa phát huy hết công năng. Ông Nguyễn Sửu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, cách đây gần 8 năm hồ chứa Suối Tiên nằm trên địa bàn xã Quế Hiệp được xây dựng hoàn thành với tổng số tiền 34 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, công trình này có dung tích chứa xấp xỉ 1 triệu mét khối nước, bình quân mỗi vụ sẽ chủ động cung ứng nước tưới cho 250ha đất sản xuất lúa ở 4 thôn gồm Nghi Thượng, Nghi Trung, Nghi Hạ, Lộc Đại của xã Quế Hiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dung tích chứa hữu ích của hồ chỉ dao động ở mức 650 - 700 nghìn mét khối nước, thấp hơn 300 - 350 nghìn mét khối nước so với thiết kế. Vì vậy, những năm qua hằng vụ hồ chứa Suối Tiên chỉ phục vụ nước tưới cho khoảng 135ha đất lúa của xã Quế Hiệp, thấp hơn 115ha so với dự tính ban đầu. Ông Sửu nói: “Sở dĩ dung tích chứa hữu ích của hồ Suối Tiên thấp hơn nhiều so với thiết kế là trong quá trình thi công, nhà thầu không múc lượng lớn đất đá nằm trong lòng hồ và đó chính là nguyên nhân làm hạn chế rất nhiều lượng nước chứa, khả năng tưới. Thời gian qua, mặc dù chúng tôi đã không ít lần kiến nghị nhưng các đơn vị liên quan vẫn chưa khắc phục tình trạng trên”.

Một lượng lớn đất đá trong lòng hồ không được múc khiến dung tích chứa của hồ Suối Tiên (Quế Sơn) thấp hơn thiết kế rất nhiều.
Một lượng lớn đất đá trong lòng hồ không được múc khiến dung tích chứa của hồ Suối Tiên (Quế Sơn) thấp hơn thiết kế rất nhiều.

Suất đầu tư lớn, hiệu quả tưới thấp

Ông Nguyễn Đình Tân - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Quế Lộc (Nông Sơn) cho biết, toàn xã có tổng cộng 290ha đất lúa. Tuy nhiên, do hệ thống hồ chứa, đập dâng rất ít nên vụ hè thu nào 40ha đất lúa ở các thôn Tân Phong, Lộc Tây 1, Lộc Đông cũng không gieo sạ được vì quá khó khăn về nguồn nước tưới. Theo lời ông Tân, những năm qua chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nông dân chuyển số diện tích đất lúa thường phải bỏ hoang đó sang trồng bắp lai trong vụ hè thu nhưng không mang lại hiệu quả, nói đúng hơn là mất trắng. Nguyên nhân khiến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thất bại là hầu hết chân ruộng ở 3 thôn vừa nêu đều nằm ở những vùng trũng thấp, hễ mưa lớn kéo dài là xảy ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng, dẫn đến cây bắp lai bị hư thối và chết hàng loạt. Theo ông Tân, để giải bài toán về nước tưới cho 40ha đất lúa ấy, thời gian qua lãnh đạo xã đã không ít lần đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư nguồn kinh phí xây dựng công trình hồ chứa nước Đại Phong tại địa bàn thôn Tân Phong nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, từ kiến nghị của cán bộ và nhân dân xã Quế Lộc, các đơn vị liên quan của huyện đã mời một số chuyên gia trên lĩnh vực thủy lợi về địa phương khảo sát tình hình thực tế để tham vấn ý kiến về việc có nên hay không nên xây dựng hồ chứa nước Đại Phong. Sau khi tính toán nhiều mặt, các chuyên gia cho rằng huyện không nên xây dựng hồ chứa nước Đại Phong ở xã Quế Lộc vì suất đầu tư lên đến cả trăm tỷ đồng nhưng hiệu quả tưới của công trình này lại quá thấp, đó là chưa nói đến chuyện nếu xây dựng thì lòng hồ sẽ chiếm một diện tích rất lớn làm nông dân mất thêm đất sản xuất.

Trong khi đó, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, trên địa bàn 10 xã của huyện có tổng cộng 1.100ha đất canh tác lúa. Những năm qua, mặc dù địa phương đã nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nhưng tính đến thời điểm này toàn huyện mới chỉ có 450ha trong tổng số 1.100ha đất lúa vừa nêu chủ động nguồn nước tưới. Ông Mẫn nói: “Do đặc thù là một huyện miền núi cao nên phần lớn đất lúa của Nam Trà My là ruộng bậc thang, số thửa nhỏ lẻ và diện tích của mỗi thửa không nhiều. Đây là một trở ngại rất lớn đối với địa phương trong việc thi công hạ tầng thủy lợi. Theo tôi, bây giờ muốn đầu tư xây dựng một hồ chứa nước nhỏ thì ít ra cũng phải tốn 5 - 7 tỷ đồng nhưng diện tích tưới chỉ vài héc ta đất canh tác là quá lãng phí. Chính vì thế, phương án khả thi nhất là hỗ trợ nhân dân xây dựng những công trình thủy lợi nhỏ như đập dâng, đập bổi, đập thời vụ và lắp đặt đường ống nhựa loại lớn để dẫn nước về các chân ruộng”.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài cuối: Chưa phát huy hiệu quả công trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO