“Dấu vết” biên giới thời Huyền Trân

Hồ Trung Tú 09/02/2013 14:52

Người Quảng Nam tự hào với vùng đất địa linh nhân kiệt, về giọng nói đầy bản sắc mạnh mẽ của người đầu sóng ngọn gió của mình. Và chính giọng nói ấy giúp ta tìm thấy được dấu vết thời Huyền Trân công chúa cách đây ngót 700 năm, dù cho di sản vật thể như vật dụng hằng ngày hay bia đá của những lưu dân đầu tiên hiện vẫn chưa được tìm thấy…

Nhìn lại lịch sử, ta thấy vùng đất phía bắc sông Thu Bồn thuộc châu Hóa từ đám cưới Huyền Trân năm 1306. Dù là vùng đất “ky my” (nghĩa là chỉ ràng buộc vào), có thể triều đình Thăng Long không kiểm soát tới, nhưng chắc chắn người Việt đã đến ở. Đến giờ, ta hoàn toàn không có bất cứ tư liệu nào về những người Việt vào đất này trong suốt 100 năm ấy (thời nhà Hồ 1402 thì bắt đầu có nhiều dấu vết tư liệu được tìm thấy). Cũng thật đáng tự hào nếu có một dòng họ nào đó có gia phả được chép là vào vùng đất từ Hải Vân đến bắc Thu Bồn này. Tư liệu bia mộ hoặc dấu vết công trình kiến trúc nào đó thuộc giai đoạn này (1306-1402) cũng chưa được tìm thấy. Một giai đoạn lịch sử suốt 100 năm của nhiều người tiên phong hầu như đã hoàn toàn mất dấu vết?

Năm 1402, lần đầu tiên những cuộc di dân có tổ chức của triều đình trung ương được tiến hành dưới thời Hồ Quý Ly vào vùng Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; tức là vùng đất nam Thu Bồn đến Quảng Ngãi ngày nay. Nhưng lưu dân thời này chủ yếu là người Thanh Hóa. Đây là một tính toán chiến lược của cha con Hồ Quý Ly, do ông biết khó sống yên ổn được ở đất Bắc Hà dù đã xây thành nhà Hồ. Hồ Quý Ly nghĩ đến vùng đất Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và đã đặt cơ sở bằng cách đưa những người thân tín vào trước. Quả thật, khi nhà Minh tiến đánh, cha con Hồ Quý Ly muốn chạy vào vùng đất này nhưng tiếc là quá trễ khi cả hai cha con đều bị bắt ở núi Thiên Cầm, Hà Tĩnh ngày nay.

Và không phải vô cớ mà vùng đất nam Thu Bồn này lại mang đậm dấu ấn thổ ngữ vùng Thanh Hóa. Không thể có lý giải nào khác, đây chính số lượng người Thanh Hóa vào đông đúc đã để dấu ấn của họ lên vùng thổ ngữ nam Thu Bồn sâu đậm đến độ còn lưu dấu đến hiện nay.

Qua khảo tả của GS. Cao Xuân Hạo, giọng bắc Thu Bồn là giọng nói của người Quảng Nam điển hình, tiêu biểu với vùng Hội An (gồm cả Đà Nẵng, Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An; trên thực địa có thể kể thêm huyện Duy Xuyên vào nhóm thổ ngữ này mặc dù Duy Xuyên ở Nam sông Thu Bồn). Đây là giọng do người Chàm nói tiếng Việt theo giọng của những cư dân châu thổ sông Hồng, bằng chứng yếu ớt mà chúng ta có được là những ví dụ mà Hoàng Thị Châu đã nói đến trong “Phương ngữ học”. Theo tác giả Hoàng Thị Châu,  ở thôn Đông Tỉnh, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy (Thái Bình), các nguyên âm tròn môi ô, o được kéo dài và theo sau là những phụ âm -ng, -k không ngậm môi. Trẻ em hát câu đồng dao “cho dê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp...” thành ra “... cho dê đi hoọc, cho coóc ở nhà, cho gà bới bếp...”. Âm cóc bình thường là là một âm khép môi về cuối, các bạn không nắm chắc ngữ âm học nên đọc thử chữ coóc không ngậm môi cuối âm sẽ nhận ra nét đặc trưng này. Và người Quảng Nam đều nói vậy, không khép môi về cuối, với các chữ như tóc, móc, trong (phát âm gần như tác, mắc, traong...).

Có những ốc đảo nói giọng Quảng Ngãi lại đang nằm ngay trong lòng của Quảng Nam. Ta sẽ không bao giờ giải thích được tại sao như vậy, nếu không “tạm” chấp nhận rằng: đó chính là những ốc đảo người Chàm cố gắng bảo lưu nền văn hóa Chămpa của mình, và họ chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt vào giai đoạn muộn hơn. Thậm chí, theo chúng tôi có nơi mãi đến cuối thế kỷ XVIII mới chịu chuyển sang nói tiếng Việt. Chính điều đó đã khiến Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cũng có những ốc đảo thổ ngữ lạ tai nhưng giống nhau một cách kỳ lạ.

Là một người Quảng Nam, chúng tôi cảm nhận sự tương đồng sâu sắc ở ví dụ các nguyên âm bị kéo dài và không khép môi này. Mặc dù không thể từ đó kết luận được là giọng nói người Quảng Nam ảnh hưởng bởi một yếu tố nào đó từ Thái Bình, thế nhưng điều đó vẫn cho phép ta hình dung về giọng nói người bắc Quảng Nam đã được hình thành do những người Chàm tiếp nhận từ nhóm người Việt nào vùng ở đồng bằng Bắc Bộ.

Trong khi đó, giọng nói nam Thu Bồn (bao gồm các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Núi Thành) lại có một chất giọng ảnh hưởng rõ chất giọng người Thanh Hóa. Nếu bắc sông Thu Bồn âm [a] được phát âm như [oa], Quảng Ngãi âm [a] phát âm gần như [e] thì vùng Nam Thu Bồn này là sự trung gian của hiện tượng chuyển âm ấy: anh=ênh, đóa banh= đóa bênh (đá banh)... Đây thực sự là một vùng đệm về ngữ âm để rồi khi vào Tam Kỳ thì chuyển hẳn sang chất giọng của một vùng phương ngữ rộng lớn hơn là Quảng Ngãi, họ không nói mi, tau mà là mầy, tao; không nói mô, tê, răng, rứa, mà là đâu, kia, sao, vậy... và nguyên âm [a] thì chuyển hẳn sang [e] khi vào đến Bình Định, Phú Yên.

 Có một câu hỏi xứng đáng được đặt ra: Tại sao giai đoạn người Việt di dân vào dưới thời nhà Hồ là ngắn, chỉ 5 - 7 năm, nhưng dấu ấn nó để lại lại sâu sắc đến vậy trong giọng nói người Quảng Nam hiện nay? Câu trả lời theo quan điểm phân kỳ lịch sử thì đó là chính vì ngay sau năm 1407 vùng đất này đã hoàn toàn đứt mối quan hệ với nguồn cội Bắc Bộ do nhà Minh chiếm đóng và người Chàm chiếm lại vùng đất cũ bắc Thu Bồn. Đến khi Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, dân di cư sợ chạy tan cả. Sử ghi vậy nhưng gia phả tộc Phan làng Đà Sơn lại ghi ông Phan Công Thiên tổ chức che giấu, bảo vệ những người Việt ở lại khỏi sự thanh trừng của người Chăm cực đoan. Tộc Hồ Cẩm Sa cũng là một ví dụ người Việt ở lại thời kỳ này (gia phả ghi tiền hiền là ông bác của Hồ Quy Ly, lưu hạ đến nay đã 26 - 27 đời). Chiêm Động và Cổ Lũy lúc này tuy đã thuộc về Đại Việt nhưng vẫn thuộc quyền kiểm soát của Chiêm Thành qua câu nói của vua Lê Thái Tông năm 1435: “Đồng ruộng các xứ Thổ Lũy (Chiêm động và Cổ Lũy) của nước Chiêm ngươi vốn là đất của ta. Các ngươi nhân lúc nước ta nhiều biến cố (quân Minh xâm lược), cướp lấy để tự vỗ béo mình. Tới nay vẫn không nói đến trả. Lễ cống hằng năm lại không nộp là tại làm sao?”.

Có lẽ, vĩnh viễn chúng ta sẽ không làm được bảng đối chiếu so sánh việc biến đổi ngữ âm giai đoạn này. Bởi một điều đơn giản, người Việt ở Thanh Hóa thời đó có thực sự nói giọng giống như người Thanh Hóa hiện nay hay không, và người Chàm vùng này dùng ngôn ngữ gì lúc đó, ngữ âm ra sao… là điều hoàn toàn bất khả. Khi một ngôn ngữ mới trở thành tiếng mẹ đẻ, đến phiên nó lại trở thành một sức mạnh về sự bảo lưu những bản sắc văn hóa mới do sự giao tiếp hai nền văn hóa tạo thành. Vì vậy, người Quảng Nam cứ thế mà tự hào với vùng đất địa linh nhân kiệt của mình, giọng nói đầy bản sắc mạnh mẽ của người đầu sóng ngọn gió của mình.

“Có 500 năm như thế”, tác phẩm của nhà văn, nhà báo Hồ Trung Tú vừa được trao giải Dấu ấn mới (ảnh), một hạng mục mới (cùng với hạng mục Sách tra cứu) của giải Sách hay năm 2012, do Viện IRED và Dự án Sách hay tổ chức. Tác phẩm của Hồ Trung Tú do Phương Nam Book và NXB Thời đại xuất bản năm 2011, gây chú ý với những kiến giải thú vị khi nỗ lực “giải mã giọng Quảng”. Tác phẩm có 2 phần chính: 1, viết về những chuyến di dân từ bắc miền Trung vào Quảng Nam và đến Phú Yên theo từng thời kỳ lịch sử quan trọng; 2, viết về giọng nói đặc trưng của người Quảng Nam.
Theo nhận xét của  Andrea Hòa Phạm (Phạm Thị Hòa), GS-TS. Ngôn ngữ học, Đại học Florida - Hoa Kỳ, tác giả đã mạnh dạn đưa ra công trình nghiên cứu tỉ mỉ về bản sắc văn hóa của người Quảng Nam và đất Quảng Nam trong mối tương quan chặt chẽ với văn hóa và con người Chămpa. Đặc biệt, Hồ Trung Tú đưa ra các đợt di dân lớn khác thời điểm, và dùng ranh giới địa lý (như sông Bà Rén) và vật chất (như lũy Trường Dục) để phân vùng các phương ngữ nhỏ hơn của giọng Quảng do các nhóm di dân bị cô lập nhiều đời. GS-TS. Andrea Hòa Phạm viết: “Hồ Trung Tú, trong khi không phải là nhà ngữ học, đã công phu tìm tòi và đưa ra nhiều nhận xét làm tiền đề cho lập luận của anh. Từ chỗ cho rằng người Quảng Nam mang trong mình huyết thống Chàm, tác giả đi đến kết luận mạnh dạn rằng lý do mà giọng Quảng Nam khác giọng các địa phương khác đến như vậy là vì ban đầu do người mẹ Chàm cố gắng nói tiếng Việt bằng giọng Chàm trong các gia đình vợ Chàm chồng Việt”.(P.V)

Tất cả sẽ là những võ đoán khi truy tìm nguyên do tạo nên những giọng nói khác nhau trên đất Quảng hiện nay, nếu chúng ta không có được bằng chứng, cơ sở suy luận hoặc chí ít cũng là một so sánh tương tự.  Rất may là chúng ta còn có những ví dụ tương tự, như có những ốc đảo nói giọng Quảng Ngãi lại đang nằm ngay trong lòng của Quảng Nam. Ta sẽ không bao giờ giải thích được tại sao như vậy, nếu không “tạm” chấp nhận rằng: đó chính là những ốc đảo người Chàm cố gắng bảo lưu nền văn hóa Chămpa của mình, và họ chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt vào giai đoạn muộn hơn. Thậm chí, theo chúng tôi có nơi mãi đến cuối thế kỷ XVIII mới chịu chuyển sang nói tiếng Việt. Chính điều đó đã khiến Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cũng có những ốc đảo thổ ngữ lạ tai nhưng giống nhau một cách kỳ lạ.  Đó là xét thời gian, còn xét về nguồn gốc tiếng Việt do những người Việt ở những vùng khác nhau vào thì ta lại có ví dụ về giọng nói bắc Thu Bồn và nam Thu Bồn.

Thật lý thú khi mà đến nay ta như còn thấy được dấu vết của cái biên giới thời xa xưa, từ 700 năm trước - thời mà đến tấm bia đá hay cốc lọ chén bát, vật dụng hằng ngày của những lưu dân đầu tiên cũng chưa được tìm thấy. Biên giới ấy nằm trong các “dấu vết” về giọng nói.

Hồ Trung Tú

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Dấu vết” biên giới thời Huyền Trân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO