Dấu vết tín ngưỡng tôn giáo tại Hoàng Sa

THIÊN LÝ 23/07/2023 08:26

Những công trình tín ngưỡng tôn giáo hiện diện tại Hoàng Sa phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Việt tại một trong những lãnh thổ đặc biệt nhất của nước ta.

Ngôi chùa mới trên đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Internet
Ngôi chùa mới trên đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Internet

Miếu thờ

Đại Nam thực lục ghi chép, năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), vua bảo Bộ Công rằng: “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu.

Gần đây, thuyền buôn thường mắc cạn, bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời!”.

Việc dựng miếu có lẽ nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của những ngư dân tỵ nạn, hoặc dành cho những binh lính triều đình công cán ra đó hàng năm, chí ít làm an lòng những con người nhỏ bé trước đại dương mênh mông. Nhưng ghi chép vào hai năm sau đó của chính sử triều Nguyễn lại khá nhập nhằng khi nói đến công trình mà họ đã xây dựng vào năm 1834 là 神 祠 “thần từ” (đền thờ thần) hay “miếu”.

Nhưng điều quan trọng hơn, chúng ta biết rằng, trước khi vua Minh Mệnh cho dựng miếu thờ thì đã tồn tại một ngôi cổ tự ở phía tây nam quần đảo. Điều này cho thấy sự dụng công không hề nhỏ của tiền nhân, bởi lẽ cho đến thế kỷ 20, với sự trợ giúp của người Pháp, việc xây dựng các công trình nhỏ trên quần đảo vẫn còn gặp nhiều trở ngại, mà quan trọng nhất là sự bất lợi về thời tiết.

Ví như “Căn cứ quân sự, Hải đăng và đài Thiên văn phải ba năm ròng rã mới hoàn thành vì việc chuyên chở vật liệu đã kéo dài đến 16 tháng trời...” (Võ Công Trí chủ biên, 2012, Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1975), phụ bản phông tư liệu Đệ nhị Cộng hòa (1964 - 1975).

Hồi ức của những người từng công cán tại Hoàng Sa cũng ghi nhận vào thập niên 1960 - 1973, miếu vẫn còn tồn tại, người thì gọi là Miếu Bà Quan Âm, có người chỉ nói là Miếu Bà. Miếu nằm về phía nam đảo, xoay hướng nam, mái lợp ngói, tường cao 3m, diện tích khoảng 3,5m x 2,5m.

Trong miếu chính giữa có một tượng Phật Bà cao 1,5m, bên tả thờ Quan Công, bên hữu cũng có ban thờ (UBND huyện Hoàng Sa (2017), Kỷ yếu Hoàng Sa, Nxb TTTT). Trước tượng có bàn nhỏ bày kinh văn, tả có chuông, hữu có mõ. Miếu này được người trên đảo cho là linh ứng hiển hiện. Hằng ngày, nhân viên và binh lính đều có người đến cầu kinh tụng niệm. Như vậy, trên đảo Hoàng Sa từng có hai ngôi miếu thờ. Và đến những năm 1973 - 1974, chúng vẫn còn dấu tích.

Chùa Phật

Các tác giả của tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cho biết sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 8, bản ký hiệu A.69/9 lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) có đoạn ghi chép về quần đảo Hoàng Sa, nói đến việc dựng chùa trên quần đảo. Tuy nhiên, qua soát xét tư liệu thấy rằng đây chỉ là nhầm lẫn của người phiên dịch.

Tác giả Thềm Sơn Hà trong công trình Sự thật Hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 cũng cho rằng Phật tự từng được dựng trên quần đảo Hoàng Sa. Tác giả dẫn nguồn sử liệu từ Washington rằng năm 1832, vua Minh Mạng phái chiến thuyền ra đảo để cất lên ngôi chùa trên một mỏm đá có tên Ban Na.

Gần ngôi chùa, nhà vua còn cho dựng lên một bia đá để ghi nhớ ngày dựng chùa. Nhưng không phải chỉ có một ngôi mà ngoài Hoàng Sa, chùa còn hiện diện ở đảo Phú Lâm, đảo Bông Bay, đảo Vĩnh Lạc.

Trong ký ức của những nhân chứng từng công cán ra Hoàng Sa như ông Trần Hòa, nhân viên y tá, ra đảo năm 1973, thì có một ngôi chùa cổ, nhưng đã hoang phế (UBND huyện Hoàng Sa, sđd, tr189). Tiếc rằng, chúng ta không có thêm nguồn sử liệu tin cậy hoặc ảnh chụp cận cảnh để có thể hình dung được công trình này.

Chúng tôi suy đoán có thể công trình thờ tự này đã mang chở hai chức năng vừa miếu vừa chùa. Thứ nhất, việc dựng chùa nếu xảy ra dưới thời nhà Nguyễn, chí ít sẽ được ghi chép lại trong chính sử. Thứ hai, miếu thờ, theo thuật kể của các nhân chứng không chỉ có tượng, mà tả hữu có chuông, có mõ và kinh văn. Việc chỉ thờ một đối tượng riêng lẻ phù hợp với chức năng và không gian của miếu vũ, nhưng kinh văn và tự khí (chuông, mõ) khơi gợi khung cảnh nơi Phật tự.

Giữa chốn trùng khơi, trong lúc việc xây dựng hai công trình riêng biệt khá khó khăn, đối tượng thờ tự có sự đồng nhất (đối tượng chính là Quán Thế Âm Bồ Tát, dân gian còn gọi là Phật Bà) ắt hẳn miếu vũ hay tự vũ đều có thể đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Thứ ba, do bài trí bên trong công trình, có thể các nhân chứng khó phân biệt được đây là chùa hay miếu. Vì vậy mỗi người gọi theo cách riêng, nhưng đều chỉ chung cho một công trình.

Nhà nguyện

Dưới triều Nguyễn, Phật giáo là tôn giáo được coi trọng nhất, không những phổ biến trong nhân dân mà còn được triều đình bảo hộ. Bắt đầu từ lúc Pháp thiết lập được chính quyền thuộc địa trên đất Việt Nam, thì Kitô giáo mới có điều kiện thuận lợi để vươn lên cắm sâu gốc rễ vào cư dân bản địa.

Như thế, sự hiện hữu của nó trên quần đảo có thể là khá muộn. Rất nhiều nhân chứng từng đến Hoàng Sa vào những năm 1969 - 1973 đều khẳng định có nhà nguyện ở đảo Hoàng Sa – nơi đặt sở chỉ huy bảo vệ quần đảo.

Ông Phạm Khôi, sinh năm 1942, nhận lệnh ra Hoàng Sa năm 1969 miêu tả lại: “Khi tàu cập bến cầu cảng ở Hoàng Sa, chúng tôi đi vào đảo bằng một đoạn đường bê tông dài khoảng 50m, sau đó là đi trên con đường đắp bằng đá san hô…

Đi một lúc, nhìn ra phía bắc thấy một nhà thờ Công giáo chắc đã được xây dựng khá lâu, phía nam đối diện nhà thờ là nhà của bộ chỉ huy” (UBND huyện Hoàng Sa, sđd, tr150).

Ông Lê Lan, hiện sinh sống ở Hội An cũng khắc rõ hình ảnh ngôi nhà nguyện, miếu Bà, cầu tàu, giếng nước và khu nghĩa trang mỗi lần nhớ về Hoàng Sa (sđd, tr156). Người miêu tả chi tiết nhất về công trình này là ông Nguyễn Văn Thành, từng là lính truyền tin thuộc Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam.

Ông ra đảo năm 1969 và quay trở về đất liền năm 1971. Theo ông, trước mặt nhà ở khoảng 150m có 1 nhà thờ Thiên Chúa giáo, ở trong có treo 1 cây thánh giá và tượng chúa GiêSu, thường những anh em có đạo hay đến đây để cầu nguyện. Trước nhà thờ khoảng 50m có 1 cái giếng dùng được, bên cạnh có một cây dừa (sđd, tr176).

Như vậy, rất có thể nhà nguyện được dựng vào thời thuộc Pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của những người công cán ở Hoàng Sa, trong đó có cả người ngoại quốc. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc xây dựng tạm bợ đã đưa đến hình trạng nhếch nhác vào những năm 1973 như ông Trần Hòa ghi nhận: “Trên đảo cũng có nhà thờ (nhà nguyện - NV) và chùa nhưng đã hoang phế” (sđd, tr189).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu vết tín ngưỡng tôn giáo tại Hoàng Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO