Dấu xưa chợ Cầu

QUỐC TUẤN 25/08/2016 10:17

Địa danh chợ Cầu (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) giờ chỉ còn là một di tích nhưng ký ức về nó vẫn còn vọng lại với những người sống lâu năm tại đây.

Từ lâu, người dân địa phương đã truyền miệng câu ca dao “Bồng con mà bỏ vô nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/Mua cau Vĩnh Điện, mua trầu Hội An”. Những năm tháng trước đây khi con sông Cổ Cò chưa bị bồi lấp và còn uốn lượn hiền hòa qua các vùng đất của Hội An và Điện Bàn, cuộc sống ven hai bên bờ sông vô cùng trù phú và nhộn nhịp. Chợ Cầu cũng được hình thành như thế khi nằm sát sông Hà Sấu (một đoạn của sông Cổ Cò chảy qua phường Điện Dương) quanh năm kẻ mua, người bán nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Lộc, 89 tuổi (trú khối Tân Khai, phường Điện Dương) kể lại: “Những năm 60 của thế kỷ trước tôi hay dắt díu mấy đứa con ra chợ ngồi bán đồ lặt vặt. Chợ đông vào khoảng 4 - 5 giờ sáng cho đến tận trưa, ghe thuyền chở muối xuôi theo con sông ghé lại đậu nườm nượp đợi khách mua hàng”.

Di tích chợ Cầu được xây dựng cuối tháng 7 vừa qua tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn.
Di tích chợ Cầu được xây dựng cuối tháng 7 vừa qua tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn.

Những cụ ông, cụ bà tại đây đã từng sinh sống trong thời đó cho biết, ngay từ lúc tóc còn để chỏm được cha mẹ dẫn ra chợ họ đã thấy chợ Cầu buôn bán khá sầm uất, chính giữa chợ có một khu nhà được xây dựng bằng gạch kiên cố và lợp ngói. Về việc địa danh chợ Cầu xuất hiện trong câu ca dao những bậc cao niên ở đây lý giải rằng, ngày đó ở cạnh chợ Cầu có bà cụ Thường miệt mài hầm vôi sáng nào cũng  gánh ra chợ ngồi bán, nhiều người ở các khu vực lân cận cũng hay ghé lại mua vôi của bà về bán lại thành ra tiếng lành đồn xa.   

Khu chợ có lịch sử hàng trăm năm nay đã tan rã một cách đáng tiếc vào thời điểm cuối thập niên 60 khi chiến tranh ở miền Nam đang leo thang ác liệt. Giặc Mỹ khi đó đã cho san phẳng địa danh này bởi cho đây là căn cứ hoạt động của bộ đội giải phóng và du kích địa phương. Ở nhiều nơi khác trên vùng cát Điện Dương, địch đã thực hiện được ý đồ dồn dân để tiện bề kiểm soát của mình nhưng do ở chợ Cầu người buôn, kẻ bán tấp nập nhà cửa san sát nhau nên nhiều lần chúng vẫn bất lực trong việc đưa người dân ở đây vào khu tập trung. Những năm sau đó, vì địch quần thảo thả bom chợ phân tán liên tục và không có địa điểm họp chợ nhất định. Ông Trần Văn Cây (trú khối Hà Quảng Đông, phường Điện Dương), nguyên Đại đội trưởng, Đại đội 2, bộ đội Điện Bàn kể lại, từ khi thành lập trở lại vào năm 1970, Đại đội 2 thường xuyên chọn khu vực chợ Cầu làm căn cứ để hoạt động. Vào tháng 10.1973, cùng với du kích xã Điện Dương, bộ đội địa phương đã có trận đánh 21 ngày đêm vô cùng ác liệt với ngụy quân đập tan âm mưu dùng vũ lực tái lấn chiếm đất đai của chúng sau hiệp định Paris...

Sau ngày thống nhất đất nước, địa danh chợ Cầu lui dần vào dĩ vãng bởi trên nền chợ cũ những ruộng lúa, vồng khoai bao la mọc lên. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương cho biết, sau nhiều năm trăn trở, cuối tháng bảy vừa qua chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với hội cựu chiến binh phường tập trung kinh phí xây dựng khang trang di tích chợ Cầu. Hy vọng một ngày không xa khi con sông Cổ Cò được khơi thông trở lại, di tích chợ Cầu sẽ là một điểm dừng chân thú vị trong hành trình thưởng ngoạn của du khách trên con sông huyết mạch một thời này.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu xưa chợ Cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO