Đình làng Phi Phú, thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang (Điện Bàn) xưa là quần thể kiến trúc tâm linh, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng, nhưng hiện nay chỉ còn mảnh đất trống với vài dấu vết xa xưa. Ước mong của người dân làng Phi Phú hiện nay là ngôi đình được khôi phục và ghi nhận những đóng góp của nó với lịch sử làng quê.
Dấu xưa khuôn viên quần thể đình Phi Phú. Ảnh: KHẢI KHIÊM |
Quần thể tâm linh
Nằm trên xứ đất Đà Gạo, làng Phi Phú (nay là thôn Bến Đền Tây) là một trong 24 làng cũ của vùng Gò Nổi (gồm 3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong) của huyện Điện Bàn. Gò Nổi được hình thành từ năm 1306, dưới triều vua Trần Anh Tông (theo Dư địa chí xã Điện Quang). Năm 1306, vua Chăm là Chế Mân đã cắt hai châu (châu Ô và châu Lý) dâng cho vua Trần làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Năm 1307, nhà Trần đổi tên hai châu thành Thuận Châu và Hóa Châu (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ngày nay), đồng thời tiến hành công cuộc di dân, khai khẩn đất đai, hình thành làng xã ở vùng đất này (theo Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn).
Theo gia phả của các tộc họ định cư tại đây từ những năm đầu khai làng, lập ấp như Cao, Lê, Trương, Trần, Lê Văn, Trần Thế... ghi lại, vào đầu thế kỷ thứ XVI, nhân dân đã chung sức làm ngôi đình Phi Phú để tri ân công đức tiền nhân. Đình nằm ở đầu làng, trên một khoảnh đất rộng, tách khỏi khu dân cư và được bao bọc bởi những hàng tre, mặt xoay về hướng nam. Theo dòng chảy của lịch sử, làng ngày càng có nhiều tộc họ đến sinh sống, cư dân thêm đông. Nhờ phù sa sông Thu Bồn bồi đắp, nông nghiệp nơi đây rất phát triển, đặc biệt là nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Một số công trình tâm linh khác cũng được hình thành trên mảnh đất này, liên kết với đình tạo nên quần thể tâm linh có diện tích khoảng một héc ta.
Qua nghiên cứu cùng lời kể của các thế hệ đi trước, ông Trương Năm - người dân trong làng cho biết, có cả quần thể kiến trúc tâm linh rất lớn thời bấy giờ ở khu vực. Quần thể bao gồm đình, chùa Phật Học, lầu Ông Tiên, nhà Hội Văn (lo việc văn tự thờ cúng), nhà Hội Hiếu hay còn gọi là Hội Nghĩa, Âm Linh (thờ cúng các vong linh xiêu mồ lạc nấm, hoặc không có thân nhân hương khói thờ cúng), miếu thờ Thần Nông, nhà Cầu Tằm (cầu cho việc trồng dâu nuôi tằm thuận lợi). Đình là ngôi nhà gỗ năm gian được làm bằng gỗ tốt với những hàng cột lớn, chạm khắc tinh xảo, công phu, mái lợp ngói âm dương... Trước năm 1945, đình là nơi làm việc của Hội đồng Hương chức, cũng là nơi nhân dân tổ chức sinh hoạt, hội hè.
Địa chỉ “đỏ”
Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn, ngày 9.10.1945, Phủ ủy phủ Điện Bàn đã phân công các đồng chí đảng viên về 9 tổng tập hợp số đảng viên trong phong trào cũ, phát triển thêm đảng viên mới nhằm tổ chức thành lập các chi bộ đảng. Tại đình Phi Phú, Chi bộ Phi Phú được thành lập để lãnh đạo phong trào các thôn Bảo An, Phi Phú, Điện Phú và Xuân Đài (xã Điện Quang). Chi bộ còn có tên Kịch Liệt này gồm 5 đồng chí, do ông Lê Nhạc làm Bí thư. Và đình trở thành nơi sinh hoạt hội họp, kết nạp đảng viên. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng hưởng ứng phong trào cách mạng như “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Bình dân học vụ”, mít tinh kêu gọi toàn dân kháng chiến kiến quốc... Đặc biệt, lúc 13 giờ ngày 17.8.1945, tại ngôi đình này, nhân dân trong vùng tập trung về mang theo gậy gộc, giáo mác cùng kéo về phủ Điện Bàn tham gia cướp chính quyền.
Trong chống Pháp, cùng với đình làng Bảo An, đình Phi Phú là địa điểm tiếp nhận sơ cứu thương binh để chuyển lên tuyến trên. Năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã theo đường sông Thu Bồn (sông Trước) đến thăm thương binh tại ngôi đình này. Tháng 2.1948, địch mở cuộc càn quét từ Phú Bông lên Xuân Đài, chiếm đình làng Phi Phú làm nơi đồn trú cho một đại đội và lập đồn Bến Đền.
Ông Trương Ngọ (năm nay 85 tuổi) - nguyên là Tiểu đội phó Đội thiếu niên tiền phong Hoàng Diệu nhớ lại: “Hồi đó, anh Nguyễn Văn Nghĩa (quê Nghệ An) là người nấu ăn cho lính Pháp đồn trú tại làng Phi Phú. Được sự vận động của tổ chức, trực tiếp là các đồng chí Trương Tô - Xã đội trưởng, Phan Nhân - Phó Bí thư xã, anh đã bỏ thuốc độc vào thức ăn làm chết 9 lính Pháp, nhiều tên khác bị ngộ độc. Bên cạnh đó, du kích địa phương thường phục kích tổ chức bắn tỉa, không cho địch ra khỏi đồn Bến Đền. Bọn giặc hoảng sợ nên cuối cùng phải rút đi. Khi rút đi, chúng tháo dỡ đình cùng các công trình khác để lập đồn Xuân Đài. Mãi đến năm 1959, dân làng mới góp công góp của dựng lại đình trên nền đất cũ”.
Trong chống Mỹ, nhờ đình làng nằm tách khỏi khu dân cư, chung quanh được bao bọc bởi các hàng tre và bãi mía rộng nên rất thuận lợi cho việc đào hầm bí mật, hoạt động cách mạng. Đầu năm 1964, Huyện ủy Điện Bàn cử tổ công tác do bà Lê Thị Nghĩa (tức Lê Thị Huệ) - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách binh địch vận làm tổ trưởng về đây chỉ đạo phong trào cách mạng và chọn đình Phi Phú làm nơi trú ẩn. Các đồng chí Huyện ủy viên Lý Quý, Lê Ngọc Đường, cán bộ Tỉnh ủy Quảng Đà như Trần Vĩnh Quốc, Lê Văn Thiện… cũng thường xuyên lưu lại đây để chỉ đạo phong trào cách mạng. Năm 1965, đình Phi Phú là nơi bộ đội chủ lực của tỉnh và huyện tập kết đánh giải phóng Gò Nổi. Sau đó, giặc Mỹ ném bom, cày ủi san phẳng nhà ở của nhân dân, biến Gò Nổi thành vùng trắng; đình làng Phi Phú cũng bị phá hủy. Từ đó đến nay, quần thể tâm linh đình Phi Phú chỉ còn lại một số tán đá làm nền móng, tán cột nhỏ nằm rải rác nền đất cũ.
Ước mong phục dựng
Bằng giọng trầm buồn, ông Trương Năm nói: “Theo lệ, hằng năm, vào ngày 15 và 16 tháng Giêng, các tộc họ trong làng tổ chức nghi lễ cúng cầu an nhằm ghi nhớ công đức các bậc tiền nhân, tưởng niệm tổ tiên, ông bà có công khai làng lập ấp, ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ trận vong trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đình làng không còn, chúng tôi đành cáo xin đưa về thực hiện tại khu văn hóa thôn. Nhân dân Bến Đền Tây ai nấy đều trăn trở, xót xa mỗi khi nghĩ về ngôi đình làng nay chỉ còn là mảnh đất trống”.
Ông Trần Công Quảng - Chủ tịch UBND xã Điện Quang chia sẻ rằng, chính quyền và nhân dân địa phương rất mong cấp trên có sự quan tâm hỗ trợ cùng với kinh phí từ xã hội hóa để phục dựng, công nhận đình Phi Phú là di tích văn hóa - lịch sử, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ, là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất.
KHẢI KHIÊM