Dấu xưa Đức Bố

PHÚ BÌNH 29/10/2023 09:56

Hai thôn Đức Bố 1 và 2 của xã Tam Anh Bắc (Núi Thành) nằm ven bờ nam của sông Trúc Tân có hạ lưu là sông Bầu Bầu. Vùng đất này có tên rất xưa là A Vó.

Cư dân Đức Bố (ông Lê Văn Bản) trước núi Bà Ty. Ảnh: P.B
Cư dân Đức Bố (ông Lê Văn Bản) trước núi Bà Ty. Ảnh: P.B

Từ A Vó - Hà Bố đến Đức Bố

Địa bạ lập thời Gia Long (khoảng từ 1805 đến 1812) ghi địa giới thôn Hà Bố xã Đức Hòa nằm trong vùng “thuộc Liêm hộ” của huyện Hà Đông phủ Thăng Hoa thuộc dinh Quảng Nam như sau: “Đông giáp xã Trà Lý Tây và sông; tây giáp xã Thạch Kiều và sông; nam giáp xã Diêm Phổ, xã Đức Hòa; bắc giáp xã Trà Lý Tây”.

Tứ cận đó, cũng chính là tứ cận của xã Đức Bố thuộc tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam được ghi trong sách “Đồng Khánh địa dư chí” (1887, 1888) sau này. So sánh, có thể biết: đến khoảng nửa cuối thế kỷ 19, thôn Hà Bố đã tách khỏi xã Đức Hòa, được nâng lên thành một xã riêng và đổi thành tên Đức Bố.

Hà Bố (Đức Bố) nằm trong một xứ đất rất rộng có tên A Vó. Xứ A Vó nằm giữa chu vi nối liền các núi Yên Ngựa, Cò Bay, Thạch Ông, Trà Lý, đồi Thạch Kiều mà ngọn trung tâm là núi Đức Bố (còn có tên là Bà Thy). Các núi và đồi này, nay thuộc phạm vi các xã nằm ven các dòng sông Bà Bầu và Tiên Quả của huyện Núi Thành.

Theo một số vị cao niên ở địa phương, địa danh Hà Bố (河 布) có thể bắt nguồn từ tên A Vó. Chữ Vó (阿) trong một sắc phong năm 1793 còn lưu tại địa phương ghi như sau: bên tả bộ phụ (阝) và bên hữu chữ bố (布). Đây có thể là một tên gốc Chăm được đọc và ghi âm Nôm.

Sau đó, A Vó được đổi thành Hà Vó rồi thành Hà Bố (河布). Rồi sau nữa thôn Hà Bố  đổi thành xã Đức Bố (徳 布) vào tháng 6 năm Đồng Khánh thứ 3 ( Mậu Tý - 1888) khi tổng Đức Hòa của huyện Hà Đông được chia thành 3 tổng Phước Lợi, Đức Tân và Đức Hòa.

Bản đồ người Pháp lập khoảng đầu thập niên 1930 (in năm 1938) cho thấy Đức Bố giáp với các xã thôn Trà Lý Tây (đông bắc), Diêm Phổ (đông), Tiên Quả, Xuân Vinh (đông nam), Thạnh Hòa (nam); nay các xã thôn này đều nằm trong địa giới hai xã Tam Anh Bắc và Tam Anh Nam của huyện Núi Thành. Phía tây và tây bắc thôn Đức Bố nằm dọc theo một quãng sông mà bờ bắc sông này giáp với xã Thạch Kiều (nay là thôn Thạch Kiều xã Tam Xuân 2).

Sông núi ở Đức Bố

Sách “Đồng Khánh địa dư chí” chép: “Một con sông từ trong núi hai thôn Thạch Kiều và Đức Bố chảy về phía đông bắc, qua bến đò Bảo Phước, quanh co chảy về phía đông đến cửa Tấn Đại Áp. Đối chiếu thực địa hiện nay, sông đó chính là Trúc Tân (tên Nôm là Bến Trảy), khi chảy xuống nối với sông Bầu Bầu đến ngã ba hợp lưu với sông Tam Kỳ rồi chảy về hướng đông đến cửa An Hòa.

Bản đồ của người Pháp (đã nói trên) vẽ hình nhánh sông Ba Túc chảy ra hướng bắc nối với sông Trúc Tân ở mé phía nam của một ngọn núi mà bản đồ này ghi là núi Ba Thy.

Núi Ba Thy (dân địa phương gọi là núi Bà Ty). Sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) gọi núi này là núi Đức Bố và mô tả như sau: “Ở cách huyện Hà Đông 26 dặm về phía nam. Thế núi cao lớn, lên xuống kéo dài, mọc nhiều cỏ tranh, đá dựng lởm chởm… Gần đấy có núi Trà Lý” (Viện Sử học dịch, NXB KHXH, Hà Nội - 1970, trang 314).

Giữa núi Đức Bố và núi Trà Lý có hai ngọn đồi Trà Căm thượng và Trà Căm hạ thấp tròn, nhô lên mặt đất như hình cặp nhũ hoa phụ nữ. Người Đức Bố xưa ví các núi đồi ở đây như hình người, đầu là núi Bà Ty, chân là núi Trà Lý (còn gọi là núi Miếu), hai cánh tay là các dãy núi chạy dài bên tả hữu hướng ra hai sông Tiên Quả và Tam Kỳ. Đến nay, hai núi Trà Căm thượng hạ đã bị san bằng nên chẳng còn dáng hình bộ ngực.

Mỏ đồng Đức Bố

Sách “Đại Nam thực lục” (tập 8, bản dịch NXB Giáo dục) cho biết: “Tháng 6 năm Mậu Tý 1888 niên hiệu Đồng Khánh thứ 3, triều đình phái Lang trung Nguyễn Hữu Thanh và Viên ngoại lang Nguyễn Lập (thuộc Bộ Lại) đến Quảng Nam khám xét các mỏ vàng, bạc, đồng, sắt. Phan Tôn (viên chức địa phương - NV) tâu nói: tỉnh Quảng Nam (có) mỏ đồng ở các xã Trung Phước, Thạch Kiều, Đức Bố” (trang 196).

Bản đồ của người Pháp lập khoảng đầu thập niên 1930 cho biết ở vùng núi thôn Đức Bố, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông có mỏ đồng; bản đồ nói trên vẽ và ghi tên mỏ đồng ấy là “Mine de Đức Bố” (mine: mỏ - NV) nằm ở vùng núi Bà Ty.

Sách ĐNNTC chép: “Phía nam núi (Đức Bố) có mỏ đồng nên có tên gọi là núi Đồng đỏ. Năm Minh Mệnh thứ 11 sai người khai mỏ lấy đồng, sau lại bỏ. Gần đấy có núi Trà Lý” (sđd, trang 314).

Một bản ĐNNTC khác hiện lưu tại Thư viện tổng hợp TP.Hồ Chí Minh có đoạn chữ Nho nguyên văn như sau: “Đức Bố sơn: tại huyện nam, Đức Bố thôn, hữu đồng khoáng; nhất danh Xích đồng sơn. Minh Mệnh thập nhất niên khai thải, tầm. Chỉ. Hiện kim Pháp quan khai thải”. (Dịch: Núi Đức Bố ở thôn Đức Bố phía nam huyện (Hà Đông-NV) có mỏ đồng; còn có tên là núi Đồng đỏ. Năm Minh Mệnh thứ 11 (1835) triều đình cho khai thác tìm đồng; sau lại dừng. Hiện nay, người Pháp đang khai mỏ lấy quặng”.

Đình, miếu ở Đức Bố

Cụ Lê Văn Bản (92 tuổi, ở tổ 1 thôn Đức Bố 2 xã Tam Anh Bắc) cho biết, Đức Bố xưa từng có đình làng và dinh Bà Chúa Ngọc.

Nền đình Đức Bố (ở tổ 6 thôn Đức Bố 2) còn một cây cổ thụ (gọi là cây cầy), ước hơn 100 tuổi, hiện được địa phương vinh danh là cây di tích. Xưa, khuôn viên đất dùng để dựng đình do tộc Ung hiến tặng. Tộc Ung tuy định cư ở Đức Bố khá sớm nhưng có ông thủy tổ đã lĩnh danh vị tiền hiền làng Chiên Đàn (xã Tam Đàn, Phú Ninh) nên không dự danh vị tiền hiền làng ở đây.

Dưới chân núi Bà Ty, có khu Trường Đồng (nơi tập kết công nhân khai thác mỏ đồng nhiều thời), có miếu Bà Chúa Ngọc. Theo ông Lê Văn Bản, miếu này thờ nữ thần Chăm có tên Thiên Y A Na từng được triều đình sắc phong thần hiệu “Diễn Phi Chúa Ngọc Tiên Nương tôn thần”.

Ông Bản nhớ lại, khi còn nhỏ, ông từng thấy miếu rất đồ sộ với nhiều bàn thờ, nhiều câu đối chữ Nho cùng tấm bài vị “Thánh phi” ở bàn thờ trung tâm. Xuân thu hàng năm, ở miếu diễn ra cúng tế rất trang trọng; dân cư địa phương, công nhân khai thác đồng cùng công nhân khai thác vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu gần đó đến dự cúng khá đông. Sau này, do chiến tranh, miếu bị hủy hoại. Đầu thập niên 2000, miếu được trùng tu nhưng không còn giống kiến trúc thờ tự cũ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu xưa Đức Bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO