Suốt dặm dài lịch sử gần 500 năm dâu bể, làng Gia Cốc, một trong những cái nôi văn hóa - lịch sử của vùng đất “địa linh nhân kiệt” Đại Lộc, chỉ còn lưu dấu trong những thư tịch cổ…
Chứng tích Cồn Văn Thánh của làng Gia Cốc xưa và nay. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Địa linh nhân kiệt
Gia Cốc (hay Da Cốc, Già Cốc, Liễu Cốc) là tên của một làng ra đời từ rất sớm, ngay từ buổi bình minh của thời mở cõi. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (viết năm 1553) đã nhắc tới Gia Cốc với vị thế thuộc một trong 66 làng của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Địa danh này cũng được nhắc tới nhiều trong một số thư tịch cổ khác như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn hay sách Đồng Khánh dư địa chí (tỉnh Quảng Nam) hiện được lưu giữ tại Viễn Đông Bác Cổ. Phủ biên tạp lục (thế kỷ XVIII) ghi chép: Xứ Quảng Nam có 2 phủ là Điện Bàn và Thăng Hoa với 11 huyện. Phủ Điện Bàn có 5 huyện gồm Hòa Vang, An Nông, Diên Khánh, Tân Phước và Phú Châu. Huyện An Nông có 2 tổng là tổng Phiếm Ái và An Sơn, thì Liễu Cốc (Gia Cốc) là một địa danh trong 14 xã, 5 thôn, 1 ty, 4 phường, 1 man thuộc tổng Phiếm Ái. Còn theo sách Đồng Khánh dư địa chí (tỉnh Quảng Nam), thì tỉnh Quảng Nam có 2 phủ, 6 huyện, 44 tổng, 1.054 xã, thôn, châu, phường, ấp… Và Gia Cốc, cùng với một số xã khác như: An Lễ, Hữu Niên, Hữu Trinh, An Bằng, Tân Mỹ, Hội Khách, Tập Phước… thuộc tổng An Lễ Thượng, phủ Duy Xuyên.
Trải qua gần 500 năm, làng Gia Cốc không chỉ có tên tuổi trong sử sách, mà còn là minh chứng cho thời khai phá, mở cõi của cha ông trong hành trình “nam tiến”. Vùng quê nằm bên bờ sông Vu Gia này cũng từng là địa bàn hoạt động của Nghĩa hội do Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu (Hường Hiệu) và Tán tương quân vụ Trần Đĩnh (Tú Đĩnh) cầm đầu. Trần Đĩnh là một người con của làng Gia Cốc xưa. Trên cánh đồng Gia Cốc, nghĩa quân đã tổ chức một số trận đánh Pháp, vang danh uy thế. Căn cứ của Nghĩa hội trải dài ở 9 xã sông Côn, lan rộng ra vùng Nông Sơn. Nghĩa hội Quảng Nam thành lập với mưu cầu tổ chức kháng Pháp lâu dài. Người Đại Lộc trong thời kỳ này đã chiến đấu chống giặc kiên cường suốt 3 năm với nhiều trận đánh nổi tiếng. Song trong trận đồng Gia Cốc, nghĩa quân với vũ khí quá thô sơ, chiến thuật lạc hậu đã thất bại trước vũ khí hiện đại lại chủ động phục kích trước. Dân gian còn lưu lại bài ca, được cho là của nhân vật dân gian Tú Quỳ với đôi câu cảm thán: “Quân tả tây kéo thắng hai tua, lên trăm hai xuống cũng đủ trăm hai, trách trời đất nỡ sao binh vị nó; Đồng Gia Cốc thử chơi một trận, chết hăm mốt bị thương hơn hăm mốt, nợ quân vương trả bớt bấy nhiêu người”… Người ta còn kể rằng, đêm trước khi xảy ra trận đánh, nhân dân các làng Gia Cốc đã giết heo, mổ bò để khao nghĩa quân. Quân Nghĩa hội mặc áo chàm, chân đất, quần đầu khăn đỏ, gươm giáo tuốt trần xông lên giữa đồng, trong khi giặc Pháp dùng súng máy và súng trường ngắm bắn từ xa… Dù Nghĩa hội đã bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, tổn thất nặng nề, song với nhân dân trong vùng, những tấm gương nghĩa dũng được tưởng nhớ đời đời. Một nghĩa trủng dựng nên ở làng, là nơi mai táng tập trung những nghĩa dũng. Và sau này, nghĩa trủng cũng là nơi chôn cất những người đã vong mạng trong phong trào Duy tân, kháng thuế…
Theo cụ Nguyễn Thành (80 tuổi), một lãnh đạo hưu trí của huyện Đại Lộc thì làng Gia Cốc thuộc phủ Duy Xuyên. Làng có Văn Thánh miếu, được dựng lên từ đầu thế kỷ 19, liên quan đến nhân vật Lê Quang Sung, người Duy Xuyên, được ông Học Tổn, một bá hộ giàu có trong làng vời sang dạy học cho con cháu của ông và dân làng. Lê Quang Sung đã cùng với dân làng dựng miếu thờ đức Khổng Tử, song thực chất lại là nơi cúng tế vong hồn nghĩa dũng vị nước vong thân nhằm tránh khỏi sự dòm ngó của bọn tay sai thân Pháp. Cũng theo cụ Nguyễn Thành, làng Gia Cốc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 lại có rất nhiều bá hộ, chánh tổng, quản canh điền địa rất quyền uy, nhiều trong số đó làm tay sai đắc lực cho Pháp, tên Trần Quát vốn là một trong số đó. Y là người có quan hệ họ hàng với Trần Đĩnh (Tú Đĩnh của 9 xã sông Côn). Khi có dân biến, y đã xuống tỉnh đường nhận lệnh về “hiểu trấp”, trợ lý đắc lực cho thực dân Pháp trong các cuộc đàn áp dã man nghĩa quân và nông dân tham gia chống Pháp. Các ông Trần Phước, Tú Cang, Ích Măng đã cầm đầu một số người đã đến bắt Trần Quát, thả sông, kết liễu cuộc đời tên chó săn đắc lực…
Gia Cốc từng là nơi hội tụ nhiều sĩ phu, nông dân yêu nước từ phong trào Cần vương đến phong trào Duy tân và kháng sưu thuế. Và người Đại Lộc ngày nay tự hào khi vùng quê nhỏ Gia Cốc nằm ẩn mình bên sông Vu Gia lại là nơi khởi phát đầu tiên của mái tóc ngắn thời nay. Đầu thế kỷ 20, phong trào Duy tân với “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” cũng lan rộng đến vùng này. Đó là những năm 1904-1906, cụ Phan Châu Trinh từ Nhật về, liên hệ Trường Tiểu học Diên Phong (Điện Bàn), được xem là tổ chức văn hóa - giáo dục và Hội buôn Diên Phong (do cụ Học Tổn, làng Gia Cốc đảm trách). Tại ngôi làng này, khi bị cụ Phan Châu Trinh nói khích, các ông Phan Khôi, Mai Dị, Nguyễn Bá Trác… đã cắt bỏ đi cái búi tó của mình, và từ đây, phong trào cắt tóc ngắn đã lan rộng trong giới thanh niên, trí thức và nông dân khắp tỉnh…
Dấu xưa tưởng vọng
Tôi đứng giữa vị trí mà theo người xưa là cánh đồng Gia Cốc, Cồn Văn Thánh năm nào, đau đáu tìm kiếm tên làng, dấu vết xưa, song mọi thứ đã theo cuộc bể dâu. Tôi cố thâu tóm vào trí nhớ những câu chuyện kể về trận đánh Pháp của quân Nghĩa hội, về bài thơ miêu tả trận Gia Cốc được lưu truyền trong dân gian, rồi cả những sự kiện về “chấn dân khí, khai dân trí” liên quan đến nhà nho, trí thức yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Học Tổn, Mai Dị… Và những người con ưu tú của làng Gia Cốc, ví như: Hồ Lệ, một mệnh quan nổi tiếng thanh liêm dưới triều vua Tự Đức, mà hội thảo về ông vẫn còn bỏ ngỏ. Rồi liên tưởng đến lời kể của một nhân chứng lịch sử: Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng Gia Cốc (xưa) bấy giờ có lẽ đã được phân chia thành Đông Gia và Tây Gia, là vùng ác liệt trước bao trận càn quét của địch. Song, cơ quan đầu não của huyện Đại Lộc vẫn hoạt động bí mật giữa lòng địch, và Đông Gia là “căn cứ lõm” của cách mạng, là nơi làm việc của cơ quan Huyện ủy Đại Lộc suốt giai đoạn 1969-1972. Chính những cánh đồng, những bờ tre, những kiệt sâu, bàu Gia Cốc đã chở che, bao bọc cách mạng suốt những năm tháng ác liệt… Mảnh đất cội nguồn văn hóa - lịch sử mang tên là Gia Cốc ấy nay chỉ còn lại một ngôi chợ được dân làng quen gọi chợ Gia Cốc, chợ đã cũ kỹ dù trải qua nhiều đợt di dời. Ngoài ra còn một Văn Thánh miếu, một ngôi đình, một nhà Hội hương, là chứng tích cho làng xưa. Song cả chợ, cả đình, cả văn miếu đều đã trải qua nhiều lần phục dựng, nay tất cả đều thuộc địa bàn xã Đại Minh. Đình Gia Cốc trước được dựng giữa cánh đồng Gia Cốc, năm 2005, đình được phục dựng ở thôn Tây Gia, cùng với đó là công trình nhà Hội hương được phục dựng ở thôn Đông Gia. Duy chỉ có bàu Gia Cốc vẫn nằm giữa lộ giới hai thôn Tây Gia (thượng) và Đông Gia (hạ)…
Phải chăng, mỗi cuộc trở về, tưởng vọng cũng là mỗi cuộc “đi tìm huyền thoại cho đất” như lời một nhà thơ đã từng nói. Mỗi cuộc tìm kiếm, trở về là mỗi cuộc khai quật trầm tích, dấu vết may ra còn sót lại… Đứng giữa vùng quê bao la này, biết tìm đâu ra cái vóc dáng của một làng quê từng là nơi hội tụ văn hóa, tụ nhân, nơi mà từ đây, lớp lớp nghĩa dũng đã vị nước vong thân. Tên làng Gia Cốc cũng chỉ tồn tại trong ký ức của những bậc cao niên mà một mai kia sẽ hóa người thiên cổ. Chợ Gia Cốc trải qua bao cuộc dời đổi và liệu có còn giữ tục danh trước những cuộc kiến thiết mới? Ngay cả chứng tích Văn Thánh miếu cửa đóng then cài này, nếu không phải là người đã từng đọc, từng biết đến trong một số bài viết đó đây, thì liệu ai biết về bức màn văn hóa - lịch sử ẩn chứa trong đó?
TRẦN BÍCH LIÊN