Nằm ở vị trí sân bay Chu Lai ngày nay, xưa kia từng có một ngôi làng bên cánh rừng Định Phước xanh ngát. Nơi ấy đã để lại dấu son không phai mờ trong ký ức của nhiều người về những ngày đầu thành lập tổ chức Đảng ở phía nam của tỉnh.
Di tích nơi thành lập Phủ ủy. |
1. Nhớ về phủ xưa, dân gian có câu ca dao: “Hà Đông có gái mỹ miều/ Sáng đi chợ Phủ, chiều về chợ Dinh”. Hà Đông là tên gọi hành chính một huyện dưới thời vua Lê Thánh Tông mở cõi phương Nam và lập đạo thừa tuyên Quảng Nam vào năm 1471. Hơn 400 năm sau, vào năm 1906, nhà Nguyễn cho tách huyện Hà Đông ra khỏi phủ Thăng Bình để thành lập phủ Tam Kỳ bao gồm các huyện Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh ngày nay. Không chỉ là mảnh đất đầu sóng thời mở cõi mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp mảnh đất này từng có chiến lũy quan trọng thời Nghĩa Hội – một phong trào chống Pháp nổi tiếng ở Quảng Nam.
Làng biển Thuận An, xã Tam Hải hiền hòa bên chân sóng, một thắng cảnh du lịch sinh thái với những rặng dừa xanh phủ bóng xuống làng quê. Song chính nơi đây vào những năm 1930 trước sự khủng bố của giặc, nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt thì ngay dưới rừng dừa thôn Thuận An này vẫn có một chi bộ Đảng ra đời vào tháng 12.1932, lấy tên là chi bộ Quang Ánh Minh. Đây là chi bộ đầu tiên của vùng đất phía nam tỉnh Quảng Nam để rồi từ đó phong trào cách mạng lan tỏa, nhiều chi bộ trong phủ tiếp tục được thành lập. Và đến đầu năm 1933, tại rừng Định Phước (xã Tam Nghĩa ngày nay), chi bộ An Hòa tổ chức hội nghị và tại đây Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng miền Nam Trung kỳ, đã được tái lập.
Đặc biệt trong bối cảnh các phủ huyện ở Quảng Nam chưa xây dựng lại các tổ chức Đảng thì ở phía nam Phủ Tam Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ An Hòa, nhiều thanh niên yêu nước đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng quần chúng cách mạng. Nhiều phong trào đấu tranh đã đem đến thắng lợi, thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng nhân dân. Do đó, để có một tổ chức Đảng cao hơn lãnh đạo phong trào toàn phủ, vào tháng 8.1933 cũng tại khu rừng Định Phước này Phủ ủy Tam Kỳ được thành lập, đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ Phủ Tam Kỳ, để rồi từ đó Đảng bộ đã lãnh đạo dẫn dắt phong trào cách mạng đem đến nhiều thắng lợi vẻ vang qua suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng hòa bình.
2. “… Xích xiềng tôi luyện, lòng son sắt/ Gươm súng đúc rèn, dạ thép gan/ Liệt sĩ nghìn thu, bia đá tạc/ Sống thời anh dũng, chết vinh quang”. Đó là những vần thơ của nhà cách mạng Phạm Quang Toản viết về sự hy sinh anh dũng của những người đồng chí Đào Thuần Thăng, Nguyễn Chỉ, Lê Trọng Nghĩa. Họ là những chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Phủ Tam Kỳ xưa trong những ngày đấu tranh giữ lửa phong trào cách mạng phát triển cho đến ngày thắng lợi.
Cũng từ ngọn lửa cách mạng được Phủ ủy xưa dấy lên, Chủ tịch Võ Chí Công, đã một lòng đi theo Đảng làm cách mạng đến cùng, là một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ của Đảng, Nhà nước, người chiến sĩ cách mạng kiên cường.
Nhưng sôi động nhất, gian khổ nhất, ác liệt nhất và cũng hào hùng nhất là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Sau khi đổ bộ lên cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, giặc Mỹ lại đổ quân vào vùng biển Tam Quang, đuổi dân địa phương, trong đó có nhân dân làng Định Phước để xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ mang tên Chu Lai. Từ căn cứ này, chúng đem quân đi càn quét giết hại đồng bào ta.
Ngày 26.5.1965, trên đồi Yên Ngựa, một đại đội bộ binh thuộc Tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Quảng Nam đã dũng cảm tiến công và diệt gọn một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại để bảo vệ căn cứ Chu Lai. Chiến công vang dội của trận Núi Thành đã làm nức lòng quân dân cả nước, củng cố niềm tin và cổ vũ khí thế quân đội ta trên khắp các chiến trường miền Nam sau năm 1965. Chiến thắng Núi Thành đã đi vào lịch sử trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ, góp phần làm nên tám chữ vàng cho Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
3. Giờ đây, sau chặng đường 85 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vùng đất Phủ Tam Kỳ xưa nói chung và Núi Thành nói riêng đã có những bước tiến dài trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Vùng rừng Định Phước giờ trở thành cảng hàng không dân dụng Chu Lai. Cảng biển Kỳ Hà được mở rộng đón nhận nhiều chuyến tàu hàng cập cảng với tải trọng lớn. Với lợi thế có các tuyến giao thông thủy bộ liên vùng, có cảng biển, sân bay cùng với sự liên kết vùng từ Dung Quất - Quảng Ngãi, Hội An, Tam Kỳ - Quảng Nam và Tây Nguyên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Núi Thành trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía nam của tỉnh Quảng Nam cũng như miền Trung. Đến nay trên địa bàn Núi Thành đã có 2 khu công nghiệp lớn, 3 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nhỏ. Có thể nói Núi Thành đã chuyển mình để trở thành địa phương đi đầu trong việc phát triển công nghiệp của tỉnh. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt gần 48 nghìn tỷ đồng, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 40 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt gần 8 nghìn tỷ đồng.
Từ trên mảnh đất khô cằn sỏi đá sau chiến tranh, những con người bình dị “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” đã lao lực không tiếc mồ hôi công sức để viết tiếp bài ca về lòng kiên trung của con người với quê hương xứ sở.
BÙI CAO BẰNG