Dấu xưa Tỉnh Thủy

PHÚ BÌNH 17/01/2021 06:47

Vùng Tỉnh Thủy xưa (nay là thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) được cho là một trong những điểm tụ cư sớm nhất của di dân từ các vùng biển phía Bắc vào nam Quảng Nam hồi thế kỷ 16, 17. Trải bao tàn phá ác liệt của thời gian và của chiến tranh, nơi này vẫn còn nhiều dấu tích tiền nhân để lại.

Bàn thờ chính Nhà thờ hương hiền Tỉnh Thủy. Ảnh: PHÚ BÌNH
Bàn thờ chính Nhà thờ hương hiền Tỉnh Thủy. Ảnh: PHÚ BÌNH

Giếng Bộng - Giếng Nước

Khá nhiều giai thoại được kể lại về ngôi Giếng Bộng gắn với lịch sử làng Tỉnh Thủy, có nội dung chính: “Những cư dân đầu tiên đến vùng đất này có quê vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Họ đi đường biển, đến vùng gò đất cát ven biển có nhiều cây rậm rạp (mà người Thanh Nghệ quen gọi là “rú”). Từ đó, địa danh Gò Rú được đặt tên. Nơi này nằm giữa dòng sông chảy theo hướng bắc nam (sau gọi là sông Trường Giang - NV) và bờ biển của vùng nam Quảng Nam. Tận dụng nguồn nước mạch tụ trong lòng cát ven biển - xưa quen gọi là “nước bộng”, những di dân đào một giếng nước dùng chung và gọi là Giếng Bộng hoặc Giếng Nước”.

Liên quan đến các tên Giếng Bộng, Giếng Nước và Gò Rú, nhà văn Phạm Thông - quê gốc làng Tỉnh Thủy cho biết: “Người xưa đã nhận ra ở những rẻo cát ven biển, ngay dưới chân các đồi cát cao thường tích tụ những nguồn nước, có nơi gọi là mội, có nơi gọi bộng. Mội là nước theo mạch chảy ra trên mặt đất, bộng là nước từ các mạch quần tụ trong lòng đất, khi con người khai thông phát hiện ra mạch lớn chảy tạo thành giếng, thành ao nhân tạo. Tiền nhân làng Tỉnh Thủy tìm được nguồn nước dưới chân xứ đất Gò Rú - nay gọi là đồi Bà Lau, cách bờ sông Trường Giang độ 40 mét. Các vị thủy tổ đến định cư tại đây đã khai thông mạch nước tạo thành giếng. Có nước, dân làng quần cư tạo thành làng. Từ thuở ban sơ đó, khai thông được một nguồn nước ngọt là rất hiếm; người đi thuyền trên sông Trường Giang - từ cửa An Hòa đến Cửa Đại thường ghé vào bờ xin dân làng lấy nước ngọt nên họ gọi nơi đây là xứ Giếng Nước; dân làng thì gọi cái giếng này là Giếng Bộng” (Phạm Thông - Di tích Giếng Bộng ở Tỉnh Thủy).

Ở vùng Đà Nẵng và lân cận cũng có nhiều giếng Chăm cổ cũng gọi là Giếng Bộng - trong đó từ “bộng” được cho là tên của các thanh gỗ xếp thành hình vuông làm đế ở đáy giếng. Ven bờ nam sông Tam Kỳ, gần ngã ba sông, cũng có một địa danh Giếng Bộng (nay ở cuối thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành); nhưng trước nay ở đây chưa ai giải thích được vì sao lại có tên này.

Tỉnh Thủy hương hiền và nghĩa trủng

Chắc chắn địa danh “Giếng Nước” được dịch sang tên chữ Nho là Tỉnh Thủy (Tỉnh: Giếng, Thủy: Nước). Chưa tìm được chính xác thời điểm đổi tên này nhưng hẳn là được đổi trước năm 1824 - thời Minh Mệnh. Bởi, theo nghiên cứu của TS. Lê Thị Mai (Khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm Đà Nẵng) về bản “Minh Mệnh tấu nghị 1824”, trong danh sách các làng xã Quảng Nam được đổi tên nôm sang tên chữ vào thời Minh Mệnh được ghi trong bản tấu ấy, không thấy ghi việc đổi tên làng Tỉnh Thủy - trong khi đó các làng/phường lân cận đều có ghi như Bãi Ngao đổi thành tên chữ  Ngao Tân, Bến Cỏ đổi thành Phương Tân, Vịnh Lầm thành Vịnh Giang và Cây Duối thành tên Kim Đái/Đới.

Ở Tỉnh Thủy hiện có nhà thờ hương hiền được dựng trên nền cũ. “Hương hiền” là tên gọi cũ của chữ “tiền hiền làng” dùng chỉ chung các vị tiền bối có công mở đất, quy dân, dựng ấp lập làng. Các văn tự trên các bài vị chính ở nhà thờ Tỉnh Thủy hương hiền được cho là ghi lại theo bản cũ - trong đó có hai bài vị “Quân công” (công mở đất) và “Hương công” (công lập làng). Các bài vị ghi công này còn gặp ở khá nhiều nhà thờ hương hiền/tiền hiền xưa ở nam Quảng Nam.

Hương hiền làng Tỉnh Thủy thờ các tiền hiền, hậu hiền, tiền bối thuộc các họ tộc đến trước và đến sau, gồm Nguyễn, Lê, Huỳnh, Đặng, Đoàn, Đỗ, Phạm, Phan, Trương, Trịnh, Trần, Kiều, Võ, Mai, Hồ… Theo tác giả Huỳnh Linh Vương - cũng là cư dân Tỉnh Thủy, thì vào thời trước, tại hương hiền Tỉnh Thủy có câu đối: “Thổ vũ tỉnh cương tân cảnh tú/ Giang sơn thủy trạch cựu phong quang”. Câu đối đó khái quát vị trí nhà thờ này: Nhà thờ nằm trên cuộc đất (thổ vũ) cạnh Giếng Bộng (tỉnh) gần dòng sông (giang) với dòng nước êm đềm chảy trước mặt (thủy trạch), có đồi cát Gò Rú bao bọc.

Ở Tỉnh Thủy còn một di tích đặc biệt: khu nghĩa trủng có từ lâu đời; chôn cất người gặp nạn trên biển tấp vào vùng này. Mấy chục ngôi mộ vô danh được hương khói đầy đủ hàng năm. Điều kỳ lạ là, qua bao chà xát của bom đạn chiến tranh, khu mộ này vẫn không bị mất dấu! Trên bàn thờ vị thần cai quản khu nghĩa trủng ghi chữ “Sĩ Vương” (Tiêu diện đại sĩ?) có câu đối: “Thống lĩnh thiên tà tuân thịnh lệnh/ Kiên truyền thâu quái lẫm hùng oai” (Cai quản nghìn binh tuân lệnh mạnh/ Uy truyền thu phục các cô hồn), thể hiện một dấu tích thờ tự mang sắc thái tín ngưỡng truyền thống của cư dân vùng biển. Đây có lẽ là nghĩa trủng duy nhất còn lại ở vùng ven biển nam Quảng Nam.

Người xưa Tỉnh Thủy

Ở Tỉnh Thủy lưu truyền nhiều lời kể về các nhân vật nổi tiếng của làng thời phong kiến: có người từng là võ quan thủy quân cấp cao như đô đốc, vệ úy thời Nguyễn; có người từng đỗ đạt cao; có người góp nhiều công lao xây dựng làng… Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá, tư liệu về các nhân vật này hiện không còn. Chỉ còn lại tư liệu về hai nhân vật: ông Nguyễn Lễ và ông Lê Tùng.

Sắc bằng ký ngày 17 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) còn lưu ở nhà thờ tộc Nguyễn, ghi: “Đội trưởng Nguyễn Lễ quán Thăng Hoa phủ, Hà Đông huyện, An Hòa tổng, Tỉnh Thủy xã”. Thời Nguyễn, qua các tư liệu còn lưu ở các làng xã vùng ven biển ven sông ở nam Quảng Nam, được biết có rất nhiều trai tráng trong làng là lính thủy quân, trong đó nhiều người là chỉ huy thủy binh các cấp. Trường hợp ông Nguyễn Lễ là một minh chứng. Trong văn bản vừa kể trên, Đội trưởng Lễ được thăng bổ lên chức Chánh Đội trưởng, giao chỉ huy Đội số 9 thuộc Vệ số 3, Doanh Hữu của đơn vị Thủy sư Kinh kỳ. Ba năm sau, trong văn bản ký ngày 16 tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 3 (1842) ông Lễ lại được thăng lên chức Cai đội và làm việc ở đơn vị cũ. Đến tháng 6 năm 1843 (Thiệu Trị thứ 4) thăng chức Phó Vệ úy và được đưa ra Quảng Bình để chỉ huy Vệ thủy quân của tỉnh này.

Ông Lê Tùng quê quán xã Tỉnh Thủy, phủ Tam Kỳ, đến năm 1937 thọ 93 tuổi. Ông này được triều đình cấp bằng “Thọ Dân” để tưởng lệ người sống thọ. Tấm bằng ban khen do đại thần Tôn Thất Quảng, đại diện Bộ Công và Bộ Lễ ký ngày 18 tháng 3 năm Bảo Đại thứ 12 (1937). Dân gian thường cho rằng: Người miền biển sống thọ. Trường hợp của thọ dân trên là một ví dụ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu xưa Tỉnh Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO