Để tìm hiểu hoạt động của Tỉnh ủy Quảng Nam thời kỳ 1930 - 1945, chúng tôi đã lần theo những những điểm đứng chân của Tỉnh ủy trải khắp nhiều vùng quê xứ Quảng. Trong những năm tháng kẻ thù lùng sục, bố ráp khắp nơi ấy, Tỉnh ủy liên tục di chuyển, dựa vào sự trung kiên của những đảng viên, quần chúng cách mạng để tổ chức cơ quan lãnh đạo phong trào trong toàn tỉnh. Riêng vùng đất quanh dãy Hòn Tàu thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên và xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn đã trở thành điểm đứng chân an toàn và khá lâu của Tỉnh ủy Quảng Nam, Xứ ủy Trung Kỳ.
Di tích lịch sử cấp tỉnh Đình làng Phú Nham Tây. Ảnh: DUY HIỂN |
1. Xin bắt đầu bằng sự kiện được ghi lại trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam: Tháng 3.1940, tại Tam Kỳ hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được tổ chức. Hội nghị gồm các đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công), Nguyễn Sắc Kim, Khưu Thúc Cự, Huỳnh Cự, Võ Huyến. Sau khi thảo luận, hội nghị thống nhất bầu đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Theo tinh thần cuộc họp, các đồng chí trong Tỉnh ủy phân công bắt nối xây dựng cơ sở cách mạng, đồng thời tìm cách liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng chí Võ Chí Công được phân công ra Duy Xuyên nối liên lạc xây dựng cơ sở cách mạng. Đồng chí đã liên hệ và bắt liên lạc được với đồng chí Nguyễn Phước Tuân ở Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn và thành lập Chi bộ Trà Kiệu Tây. Tiếp đó là thành lập lại Chi bộ Phú Nham Đông gồm 6 đảng viên. Đến tháng 10.1941, chi bộ ở Phú Nham Tây cũng được thành lập với bí danh “Chi bộ Tây Nam” gồm 10 đảng viên, do đồng chí Ngô Hoành làm Bí thư.
Đưa chúng tôi thăm lại những dấu tích hoạt động của Tỉnh ủy Quảng Nam tại xã Duy Sơn những năm 1940 là ông Ngô Thị, cán bộ lão thành cách mạng ở địa phương. Ông Thị cho biết, đình làng Phú Nham Tây vừa được dân trong vùng góp sức trùng tu. Với sự che chở của đảng viên và quần chúng vùng Phú Nham, những năm 1940 - 1941 các đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim, Trương Kiểm… đã về hoạt động tại Phú Nham, đình làng Phú Nham Tây được chọn làm nơi hội họp và ấn loát tài liệu của Tỉnh ủy, Xứ ủy. Đưa chúng tôi đến hố Ông Còm nằm cách không xa đình làng Phú Nham, ông Ngô Thị kể: “Hố Ông Còm có nhiều gộp đá, ngày trước cây cối, dứa mọc thành bụi rất rậm rạp. Tôi từng nghe các vị tiền bối kể lại rằng các cán bộ thời ấy như Nguyễn Sắc Kim, Trương Kiểm, Võ Chí Công thường trú tại nhà các đảng viên Ngô Huy Diễn, Phạm Nại, Nguyễn Lương, Nguyễn Đương, Nguyễn Chước, Nguyễn Quang Hạng… Mỗi khi có động họ theo khe núi lên trú ẩn tại hố Ông Còm này”.
2. Khi xây dựng được cơ sở cách mạng vững chắc, cơ quan Tỉnh ủy đã quyết định chuyển về đứng chân tại xã Quế Hiệp. Hướng đạo cho chúng tôi đi tìm điểm đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam thời kỳ 1940 - 1941 tại Quế Hiệp là ông Phạm Đình Ba - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quế Hiệp. Là một trong những người tham gia xây dựng hồ sơ khoa học “An toàn khu Quế Hiệp” nên ông Ba khá tường tận về vùng đất này. Cơ sở cách mạng đầu tiên Tỉnh ủy xây dựng được tại Quế Hiệp là nhà bà Lê Thị Sưu ở thôn Lộc Đại. Bà Sưu có con trai là Trần Viện, sau là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III nên mọi người thường gọi là bà Cửu Viện.
Nhà bà Cửu Viện thuộc hàng phú nông trong vùng nhưng có tinh thần yêu nước. Căn nhà của bà đã trở thành cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam và xứ ủy Trung Kỳ. “Trong thời gian đóng tại nhà bà Lê Thị Sưu, các đồng chí Xứ ủy và Tỉnh ủy làm việc tại 3 phòng phía sau của căn nhà chính, các phòng này có cửa hậu để thoát lên núi. Riêng xưởng in thì đặt bí mật phía sau lãm lúa ở nhà dưới. Khi mật thám lùng sục, các đồng chí ấy rút lên Suối Tiên, Hóc Xôi trú ẩn; bà Sưu với sự nhanh nhẹn khéo léo của mình, đã chu toàn việc cung cấp thức ăn, tình hình cho cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy” - ông Phạm Đình Ba cho biết.
3. Từ cơ sở Lộc Đại, Tỉnh ủy gồm các đồng chí Nguyễn Sắc Kim, Võ Chí Công, Huỳnh Cự, Trương An phát triển phong trào và chuyển cơ quan về đứng chân tại nhà ông Đoàn Sơ, làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp. Dấu tích nhà ông Đoàn Sơ bây giờ chỉ còn lại mảnh vườn trồng chè và cây mít cổ thụ, gần đó là ngôi nhà thờ tộc Đoàn khá bề thế do con gái ông Sơ - bà Đoàn Thị Ngọc Ánh đài thọ phần lớn tiền để xây. Những năm 1940 - 1941, nơi đây là đầu não chỉ huy của phong trào cách mạng ở Quảng Nam.
Di tích nhà ông Đoàn Sơ tại Quế Hiệp. |
Theo ông Phạm Đình Ba, sở dĩ vùng Nghi Sơn được lãnh đạo Tỉnh ủy hồi đó chọn làm “đại bản doanh” trước hết là vì nơi đây đảm bảo điều kiện địa lợi: “Từ Nghi Sơn đi về vùng đông, vùng trung, phía tây huyện Quế Sơn đều rất tiện đường, hoặc men theo các đường mòn về vùng trung Duy Xuyên cũng thuận tiện”. Cuốn hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng” của đồng chí Võ Chí Công cũng ghi nhận điều này: “Ở đây đi lại thuận lợi cho cán bộ thoát ly, đường đi bộ có nhiều hướng, không xa đường xe lửa và ô tô, nên đi lại thuận lợi”. “Ngoài cơ sở trung kiên là gia đình ông Đoàn Sơ, nhiều gia đình ở Nghi Sơn đã tích cực giúp đỡ cán bộ Tỉnh ủy, Xứ ủy về lương thực, quần áo và dẫn đường cho cán bộ trong thời gian đóng tại đây. Tiêu biểu là gia đình bà Nguyễn Thị Châu, thường gọi là mẹ Xầm, mẹ Trợ tức bà Đinh Thị Kỉnh, bà Phạm Thị Xờm tức mẹ Dương và một số gia đình khác” - ông Phạm Đình Ba kể thêm…
Tại Nghi Sơn, tháng 10.1941, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị để Xứ ủy truyền đạt chủ trương của Trung ương về chuyển cách mạng Việt Nam sang giai đoạn mới. Theo đó Tỉnh ủy triển khai chủ trương mở rộng Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, đảng phái hướng vào mục tiêu chung đánh đổ đế quốc Pháp, Nhật. Xây dựng các đội tự vệ, luyện tập quân sự, rèn sắm vũ khí, xúc tiến việc lập các chiến khu, chuẩn bị mọi điều kiện đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
*
* *
Có thể thấy rằng, trong những năm 1940 - 1941, vùng đất quanh dãy núi Hòn Tàu từ Lộc Đại, Nghi Sơn qua Phú Nham Đông, Phú Nham Tây đã trở thành nơi đứng chân khá vững chắc của cơ quan Tỉnh ủy, Xứ ủy Trung Kỳ. Những cán bộ thoát ly đã được nhân dân ra sức bảo vệ, nuôi giấu. Hoạt động hiệu quả của Tỉnh ủy đã đưa phong trào cách mạng trong toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Và ngay cả khi cơ quan Tỉnh ủy bị bể vỡ thì những cơ sở trung kiên nơi đây chấp nhận mọi cực hình tra tấn, tù đày của giặc nhưng vẫn một mực bảo vệ bí mật của Đảng, của cách mạng. Với một đội ngũ đảng viên trung kiên, với đội ngũ quần chúng đã được tôi rèn dạn dày trong đấu tranh cứu nước như vậy, Hòn Tàu nói chung, các xã Duy Sơn, Quế Hiệp nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ đã trở thành căn cứ vững chắc của Đặc khu ủy Quảng Đà như là một diễn tiến hiển nhiên.
DUY HIỂN