Dấu xưa văn hội Nho học Hà Đông

PHÚ BÌNH 04/06/2016 10:07

Đặc san Cổ học do Tỉnh hội Cổ học Quảng Tín (cũ) ấn hành nhân dịp khánh thành nhà Khổng Miếu tại Tam Kỳ vào năm 1970 có cho biết lịch sử thành lập của Văn hội Nho học và Văn Thánh huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam xưa như sau: “Quận Tam Kỳ nguyên là huyện Hà Đông, năm Minh Mạng thứ 21, có ông phó bảng Nguyễn Dục hiệp với ông tri huyện Trần Văn Tín, ông huấn đạo Võ Thế Vỵ cùng các vị văn thân trong huyện thành lập một Văn hội và xây cất một Văn miếu để phụng thờ đức Khổng Phu Tử cùng các bậc hiền triết tại làng cũ Chiên Đàn có các bảng và bia đá ghi công tích các vị văn thân tiền bối để tại Văn miếu”. (trích bài “Tường thuật về Khổng miếu tỉnh Quảng Tín” của cụ Nguyễn Lương Tri)(*).

Văn Thánh - Khổng Miếu Tam Kỳ. Ảnh: MINH ĐỨC
Văn Thánh - Khổng Miếu Tam Kỳ. Ảnh: MINH ĐỨC

Đoạn lai lịch trên lấy tư liệu từ nội dung bản văn trong tấm bia đá “Ghi sự việc làm Từ vũ và Hội đường” do “Văn hội Nho học huyện Hà Đông ghi và cho khắc” sau năm Tự Đức thứ Ba (1850). Tấm bia ấy hiện nay dựng tại địa điểm thường gọi là Văn Thánh - Khổng Miếu Tam Kỳ.

Căn cứ vào nội dung tấm văn bia này và tư liệu của hội Cổ học nêu trên, có thể biết Văn hội Nho học huyện Hà Đông được thành lập bởi cụ Nguyễn Dục, đỗ phó bảng năm Mậu Tuất 1838, nổi tiếng là một nhà sư phạm mẫu mực ở kinh đô - và một số vị có chức trách ở huyện Hà Đông lúc đương thời.

Ngoài tên tuổi các nhà nho như cụ Nguyễn Dục, Trần Văn Tín, Võ Thế Vỵ, tấm bia đá này còn ghi danh gần 40 cụ khác cùng các sĩ nhân, quan viên, hương hào đã góp công, góp của, góp chữ nghĩa… để thành lập nhà Tự vũ vào năm 1840 và nhà Hội đường (xây dựng ở phía tả nhà Tự vũ) vào năm 1850.

Căn cứ vào tấm bia đá dựng vào đầu thời Tự Đức ấy có thể nhận ra một số tên hội viên trong Văn hội Nho học huyện Hà Đông từ khoảng các năm 1840-1850 mà đến nay hậu duệ của họ đa số hiện còn ở các vùng Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước.

Tiếp tục khảo sát một tấm bia đá khác có tên là “Vọng bái Tiên Thánh từ vũ” hiện còn lưu tại Văn Thánh - Khổng Miếu Tam Kỳ thấy có đoạn ghi như sau: “Thời tại tuế thứ Canh Tý, mạnh xuân chi sơ, Hà Đông huyện quan viên nhân, sĩ nhân, hương hào tề hội doanh kiến từ vũ tại huyện học chi đông. Cẩn trạch bổn niên lục nguyệt thập thất nhật khởi công, nhị thập cửu nhật thượng lương, bát nguyệt nhị thập tứ nhật công thuân” (Vào năm Canh Tý 1840 - đầu mùa xuân, quan viên, sĩ nhân, hương hào huyện Hà Đông cùng góp sức xây nhà Từ vũ  tại phía đông Nhà học của Huyện. Kính cẩn chọn ngày Mười một tháng Sáu năm nay khởi công; chọn ngày Hai mươi chín gác đòn đông). Trong nội dung ấy chỉ thấy ghi tổng quát các thành phần quan viên, sĩ nhân hương hào đương thời cùng nhau góp công góp sức xây nhà Tự vũ . Dòng cuối nói về ngày tháng dựng bia chỉ thấy ghi “Minh Mạng nhị thập nhất niên, bát nguyệt, nhị thập tứ nhật chí” (ngày 24 tháng Tám âm lịch năm Minh Mạng thứ 21 khắc bia) mà không thấy ghi tên tổ chức đứng ra ghi và dựng bia. Do đó, không rõ đến thời điểm ấy, “Văn hội huyện Hà Đông” đã thành một danh xưng chính thức chưa? Và thành phần nòng cốt của Văn hội này gồm những ai trong giới có chữ nghĩa?

Bia vọng bái tiên thánh tự vũ lập năm 1840.
Bia vọng bái tiên thánh tự vũ lập năm 1840.

Bài báo của cụ Nguyễn Lương Tri đã dẫn trên còn cho biết: “Theo thể lệ trước thì những người có khoa danh hoặc ấm sanh, học sinh tọa giám mới được vào hội”. Như vậy, thành phần của Văn hội Nho học thời xưa gồm những người đỗ đạt các kỳ thi hương, thi hội; những người có tập ấm (cha làm quan; con được sát hạch chữ nghĩa và được phong chức ấm sinh) cùng những người đã đỗ kỳ thi hương và được theo học ở trường Quốc tử giám. Nhưng về sau, đến năm 1920 thi cử Nho học bị bãi bỏ.

Căn cứ vào tư liệu này có thể biết sự khác biệt trong thành phần hội viên của Văn hội Nho học huyện Hà Đông trước và sau khi thi cử Nho học bị bãi bỏ như thế nào? Qua đó cũng được biết thêm Văn hội xưa còn có một tên khác là Văn thự (thự: chữ Nho nghĩa là cơ quan, nơi làm việc). Đó cũng là lý do vì sao tên những sở ruộng được chính quyền xưa cấp cho Văn hội Nho học huyện Hà Đông để lấy hoa lợi dùng vào việc cúng tế hoặc khuyến khích người đỗ đạt được gọi là “ruộng Thự”.

Nói về tác động của Văn hội Nho học huyện Hà Đông đối với việc học tập của sĩ tử xưa, ông Nguyễn Lương Tri đã tổng kết như sau: “Nhờ sự khuyến khích và đào tạo của Văn hội nên vùng Tam Kỳ lúc bấy giờ (gồm cả Tiên Phước) đã xuất hiện nhiều nhân tài lỗi lạc như các nhà cách mạng nổi danh: Phan Châu Trinh (phó bảng), Huỳnh Thúc Kháng (tiến sĩ), Trần Dư (tiến sĩ); các bậc hào hùng khí tiết như: Lê Vĩnh Khanh (phó bảng), Phan Xưởng (cử nhân); các bậc khoa danh xuất sắc như Nguyễn Thích (tiến sĩ), Nguyễn Tựu (phó bảng) v.v. Còn về khoa cử thì tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài nối tiếp mà đề tên Kim bảng quá nhiều.”

Thành tựu của việc học ở huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam xưa được nhắc trong “Bảng vàng” trên đây hẳn còn tổng quát; nhưng phong khí học tập và sự thành đạt của sĩ tử vùng đất học này được ghi nhận qua các tư liệu như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều Hương khoa lục… đã cho thấy sự đóng góp của Văn hội Nho học huyện Hà Đông là không hề nhỏ.

________
(*) Cụ Nguyễn Lương Tri là thân phụ của các Liệt sĩ Nguyễn Lương Ý và Nguyễn Lương Y- quê vùng Quán Rường, tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ xưa (nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Cụ là một trong những người sáng lập Hội Cổ học tỉnh Quảng Tín cũ.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu xưa văn hội Nho học Hà Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO