Đầu xuân, xem hội hát tuồng

TÂM LÊ - THU PHƯƠNG 01/03/2018 13:58

Đêm hội hát tuồng ở xã Quế Phước (Nông Sơn) đã để lại nhiều dư âm trong lòng người xem và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân nơi đầu nguồn sông Thu trong những ngày xuân.

Nghệ thuật tuồng là món ăn tinh thần trong dịp tết đến xuân về ở Nông Sơn. Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Nghệ thuật tuồng là món ăn tinh thần trong dịp tết đến xuân về ở Nông Sơn. Ảnh: LÊ PHƯƠNG

Khi màn đêm buông xuống những nơi thượng nguồn sông Thu Bồn, đông đảo bà con lại rủ nhau đi xem xem hát tuồng do Câu lạc bộ (CLB) Tuồng xã Quế Phước biểu diễn. Dưới ánh điện sân khấu, những người nông dân chân lấm tay bùn trút bỏ những bộ quần áo lấm lem bùn đất hóa thân thành những nhân vật oai hùng, hiên ngang trên sân khấu tuồng. Thành công với vai diễn tướng cướp Tùng Dân trong vở “Mười lăm năm lưu hận”, ông Lê Ngọc Vũ ở xã Quế Phước cho biết, vở tuồng kể về cuộc đời tướng cướp Tùng Dân, ăn ở ác ôn, giết người cướp của, giết cả vợ mình. Sau này, gã bị chính người con trai riêng của vợ và anh hùng Xuân Lan giết chết để báo thù cho ông bà ngoại và mẹ. “Vở tuồng truyền tải thông điệp về luật nhân quả, về đạo lý làm người. Vào vai phản diện, cái ghét của khán giả dành cho mình chính là sự thành công. Và những tràng pháo tay, sự háo hức của người xem là nguồn động viên tinh thần to lớn để chúng tôi tiếp tục tập luyện, gắn bó với nghệ thuật tuồng” - ông Vũ nói.

Mặc dù tuổi đã cao, đi lại khó khăn nhưng ông Phạm Cao Mạnh ở thôn Phú Gia 2, xã Quế Phước, cũng tranh thủ đi sớm để xem hát tuồng. Ông Mạnh tâm sự “Những người ở tuổi “thất thập cổ lai hy” như tôi, hát tuồng, hát bội là món ăn tinh thần vô giá. Xem các nhân vật diễn trên sân khấu, nghe từng câu hát tuồng cổ, tôi thấy xao xuyến với bao tâm tư, nỗi niềm. Trong vở diễn tối nay, những câu hát “ai” bi thương, ảo não của nhân vật Diên Hộ cộng với điệu bộ, cử chỉ rất đạt của nhân vật đã khiến nhiều người xúc động đến rơi nước mắt”. CLB Tuồng Quế Phước do Hội Người cao tuổi xã thành lập hiện có 12 thành viên, chủ yếu sinh hoạt theo thời vụ, tức là khi có hội thi, hội diễn văn nghệ thì mới tập họp luyện tập. Cùng chung niềm đam mê nghệ thuật tuồng như ông Vũ, ông Mạnh nhưng bà Hồ Thị Thanh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Quế Phước, lại thể hiện tình yêu nghệ thuật bằng một cách khác. Bà đã chọn cách gửi gắm tình yêu tuồng của mình vào việc tham gia thành lập, động viên, tổ chức hoạt động trong câu lạc bộ tuồng của xã. Với bà, được nhìn các nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật là niềm vui lớn.

Ngày nay, loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, hát tuồng nói riêng, bị mai một dần. Để khôi phục và phát triển bộ môn nghệ thuật tuồng, năm 2014, huyện Nông Sơn đã hỗ trợ thành lập 7 CLB tuồng - dân ca tại 7 xã trên địa bàn, mỗi CLB có 15 - 20 diễn viên quần chúng. Ông Nguyễn Thanh Anh - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Nông Sơn cho biết, huyện đã hỗ trợ các CLB tuồng ở các xã Sơn Viên, Quế Trung, Quế Lộc (5 triệu đồng/CLB) mua sắm trang phục, đạo cụ phục vụ biểu diễn. Đồng thời phối hợp với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng biểu diễn cho các thành viên CLB, trong đó chú trọng đào tạo người trẻ và diễn viên nhí. Cứ hai năm một lần, huyện tổ chức liên hoan nghệ thuật tuồng - dân ca để các diễn viên không chuyên đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ bà con.

TÂM LÊ - THU PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu xuân, xem hội hát tuồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO