Tuổi trẻ thường hiếu thắng và khi đạt thành công sớm dễ sinh tự mãn. Hermann de Keyserling - văn hào Đức, có thuật câu chuyện: “Một mục sư kia nói với đứa con trai mười lăm tuổi của ông: Từ mười lăm đến hai mươi tuổi, cha cho con có quyền tin tưởng con thông minh hơn cha; từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi, cha cũng cho con có quyền tin tưởng con thông minh bằng cha; nhưng từ hai mươi lăm đến ba mươi tuổi thì cha bắt buộc con phải nhìn nhận cha thông minh hơn con một cách tuyệt đối vậy”. (Thuật xử thế của người xưa - Nguyễn Duy Cần).
Trong cuộc bàn luận về cách dạy con cái thế nào cho tốt, tôi nghe Th. nói xẵng từng lời với anh Đ.: Ồ khó gì đâu, hôm nào anh mời tôi tới nhà tôi chỉ “chiêu” cho, là êm ngay. Anh Đ. mỉm cười, rồi nhẹ nhàng: chú mày còn trẻ chưa từng gặp “cảnh ngộ” nên chưa “thấm” hết sự đời đấy thôi! Đúng vậy, chưa kinh nghiệm mà bàn đến cái khôn ngoan do kinh nghiệm mà có thì làm sao có thể thuyết phục được. Thành còn trẻ, hiếu thắng và có chút ít thành công trong cuộc sống, nói thế cũng nên cảm thông… Tôi từng nghe anh Đ. tâm sự: nói thật, mình từng khổ vì con cái. Năm thằng con học lớp 11, không biết vì sự cố nào nó chểnh mảng việc học hành ghê gớm. Hoảng quá, mình mới để tâm, quan sát từ hành vi cử chỉ của nó. Sau đó mới phát hiện nó đàn đúm với nhóm bạn “ăn chơi” rồi dính vào ma túy. Mấy ngày sau đó mình mất ăn mất ngủ, và không biết xoay xở bằng cách nào. Cuối cùng mình quyết định xin nghỉ việc không lương mà ở nhà “giúp” con. Tối nào mình cũng vào phòng con trò chuyện. Ban đầu nó cảm thấy hơi khó chịu. Sau từ dỗ dành, khuyên răn cho đến những lời lẽ “vắt cạn” êm ru ngọt ngào và đêm nào mình cũng túc trực bên giường và nằm ngủ ôm ấp, vỗ về nó thậm chí cả sự năn nỉ ỉ ôi… mình cũng làm tất, cuối cùng cũng cảm hóa được nó…
Mình rất mừng, vì thành công. Bây giờ cháu ra trường với tấm bằng kỹ sư, có việc làm ổn định, và lập gia đình với vợ hiền con ngoan… Nói đến đây tôi thấy trong mắt anh Đ. long lanh niềm hạnh phúc.
Có khi nào ta hỏi tình thương là gì? Là một cảm xúc hay một hành động? Thật ra tình thương là cách chúng ta thể hiện, hay từng cử chỉ của chúng ta thực hiện mỗi ngày. Thiền sư Nhất Hạnh nói, con đường của tình yêu thương là một trong những trải nghiệm phức tạp và đáng trân quý nhất của con người. Yêu thương chính là tên gọi khác của sự thấu hiểu. Thế giới có ba phần tư là nước mắt, vậy thì cuộc đời là bể khổ. Mà càng khổ thì chúng ta càng phải thấu hiểu. Thấu hiểu không phải là điều dễ dàng, nếu ta không biết kham nhẫn với những nỗi đau trầm thống của kiếp người thì lẽ yêu thương sẽ khó bề thành tựu. Các nhà đạo hạnh từng khuyên: “sống là cho”. Bài dạy đầu tiên cho con: hãy cho đi thật nhiều thì sẽ làm vơi bớt hận thù ganh ghét. Và hãy hiểu và thương cuộc đời thật nhiều như từng cánh bướm, ngọn cỏ, nụ hoa, ánh nhìn trìu mến của ông, cái cười móm mém của bà, và cái ôm ấp vỗ về của mẹ cha hàng ngày… để thấy cuộc đời an lạc.
Dạy dỗ con cái điều lớn nhất chính là gợi cho được lòng yêu thương từ khi chúng còn bé nhỏ, vì có như thế mới hàm dưỡng nguồn hạnh phúc bền lâu.
ĐÌNH QUÂN