“Những đêm trở gió, các em ôm nhau thức đến sáng, bởi gió lùa tứ phía, lạnh thấu xương. Những lúc như thế giáo viên chỉ biết thức cùng với các em....”. Đó là lời tâm sự của thầy Bhnước Bút về hoàn cảnh của thầy và trò ở điểm trường Blăng, thôn Côn Zốt 2, xã Chơ Chun (Nam Giang).
Thầy và trò ở điểm trường Blăng cùng nhau vượt khó. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Thiếu thốn
Côn Zốt 2 là một thôn của xã Chơ Chun, nằm ở lưng chừng ngọn núi Già Lào, nơi được chọn làm điểm trường tiểu học cụm dân cư Blăng. Trường chỉ là những mảnh ván được người dân địa phương bỏ công lắp ghép lại, dựng lên để có chỗ cho con em mình theo học cái chữ. “Chơ Chun là xã mới tách từ xã La Êê nên cơ sở vật chất, hệ thống điện - đường - trường - trạm đều không có. Khó khăn lắm, nhưng để các em học sinh ở đây không bị thiệt thòi nên phải cố gắng dựng lên điểm trường này, giúp các em theo kịp với con chữ. Điểm trường chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 4, lên lớp 5 phải xuống trường liên xã, cách đây khoảng 4 giờ đi bộ” - cô Coor Hạt, giáo viên điểm trường cho biết.
Toàn trường có 72 học sinh, trong đó 52 em phải học nội trú do nhà xa, điều kiện đi lại khó khăn. Các em được bố trí ở trong một gian nhà nhỏ, dựng đơn sơ bằng mấy miếng ván. Chiếc giường đóng vội đặt trên nền đất vàng chạch là nơi các em sinh hoạt sau giờ học. “Ở đây, ngoài các em thôn Côn Zốt 2 được gần nhà, còn lại học sinh các thôn Côn Zốt 1, A Sò cách trường hơn 2 giờ đi bộ. Mà mỗi ngày có 2 buổi lên lớp nên các em phải ở nội trú. Chỉ đến thứ Sáu các em mới về nhà rồi chiều Chủ nhật trở lại trường” - cô Coor Hạt nói thêm.
Vì địa hình quá trắc trở, đi lại khó khăn nên thầy cô vận động phụ huynh học sinh cho phép các em được học nội trú để việc dạy và học được tốt hơn. “Ở nội trú, mỗi tuần, một học sinh đóng góp 5 lon gạo. Nhưng với người dân ở đây, đó cũng đã là một điều khó khăn. Chính vì vậy, có em không có gạo mang góp nên thầy cô và bạn bè cùng nhau chia sẻ. Cũng nhờ thế mà tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ làm nương rẫy không còn nữa”- thầy Bhnước Bút nói. Cũng theo thầy Bút, theo quy định, các em được hỗ trợ 3 bữa ăn/ngày, nhưng mỗi bữa chỉ có 5 nghìn đồng/suất. Thiếu thốn, thầy trò cũng chỉ cùng nhau rau cháo qua ngày.
Vượt khó
Khó khăn lớn nhất của điểm trường Blăng chính là thiếu nước sinh hoạt và chỗ ăn ở. Trường được dựng trên lưng chừng núi Già Lào, muốn đi lấy nước phải mất nửa tiếng đồng hồ xuống suối. Căn nhà được dựng tạm bằng những tấm phên, gió lùa lạnh ngắt là nơi các em nằm ngủ. Tấm chăn mỏng đắp chung không đủ ấm trong những đêm trở gió. Vậy nhưng, cả thầy và trò nơi đây đều đang cố gắng hết mình với giấc mơ con chữ nơi lưng chừng núi.
“Vì thiếu nước nên sau giờ học, cả thầy trò cùng nhau xuống suối để tắm, giặt, sau đó xách nước ngược núi về trường. Khổ nhất là những đêm trở gió, các em ôm nhau thức đến sáng, bởi gió lùa tứ phía, lạnh thấu xương. Những lúc như thế giáo viên chỉ biết thức cùng với các em, như một lời động viên để các em khỏi sợ” - thầy Bhnước Bút nói.
Chất chồng những thiếu thốn, nhưng nguồn động viên lớn nhất để các thầy cô nơi đây tiếp tục sự nghiệp cao cả chính là sự hiếu học của các em. “Trước đây, tình trạng bỏ học theo cha mẹ làm rẫy còn nhiều, nhưng nay hết rồi. Các em rất thích đến trường. Nhìn ánh mắt các em rạng rỡ mỗi khi giải được một bài toán, đọc được một đoạn thơ lưu loát, được thầy cô khen..., mọi mệt nhọc, khó khăn tan biến hết” - cô giáo Coor hạt tâm sự. “Nhà em ở thôn Côn Zốt 1, xa lắm. Mỗi lần đến trường mất 2 giờ đi bộ. Nhưng em vẫn thích đi học, được học chữ, được chơi cùng bạn bè vui hơn khi đi rẫy với cha mẹ” - em Riách Thật ngây thơ nói.
Ở lưng chừng núi, từng lớp học trò đã được nuôi dạy một cách tận tụy. Cả thầy trò cùng nhau xây dựng giấc mơ về một tương lai tươi sáng hơn. “Khó khăn của điểm trường Blăng là khó khăn chung của toàn xã. Cơ sở vật chất ở đây chưa được xây dựng. Phòng giáo dục biết điều này nhưng chưa có nguồn đầu tư thì chưa thể xây dựng trường được. Trước mắt, phòng luôn bám sát, động viên cả thầy và trò nơi đây tiếp tục cố gắng dạy và học. Điều đáng khích lệ là các em rất chăm chỉ trong học tập. Học sinh ở đây mỗi khi được cử tuyển theo học tại các trường dân tộc nội trú của tỉnh, huyện đều đạt được nhiều thành tích xuất sắc” - ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng GDĐT huyện Nam Giang cho biết.
Chúng tôi rời trường học, sau lưng vẫn vang tiếng ê a đọc bài, những đôi mắt to tròn, đen nhánh vẫn khôn nguôi ám ảnh người đi.
NGUYỄN DƯƠNG