Dậy lên niềm xúc động

SONG ANH 25/03/2015 08:14

Những đôi mắt ngấn nước, những gương mặt chùng xuống… rồi chợt bừng lên niềm hân hoan. Xúc động, tự hào là cảm xúc chung của những ai dự xem chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Mẹ” – tri ân những hy sinh vô bờ của  người mẹ Việt Nam anh hùng, diễn ra vào tối qua 24.3.

SÂN khấu nghệ thuật được dựng ngay dưới chân tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) với sự phối màu về ánh sáng, bố cục và một kịch bản gọn gàng, đầy xúc động. Một vùng đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng, một Quảng Nam với những người mẹ tạc vào lịch sử, những bản hùng ca bất diệt vang lên tại một không gian linh thiêng, như những lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của cha ông. Ông Nguyễn Đăng Chương, người viết kịch bản văn học cho chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Mẹ”, chia sẻ: “Mẹ là cội nguồn, mẹ là tạo hóa, mẹ là Âu Cơ thuở hồng hoang xa ngái. Mẹ là cánh võng đưa nôi, mẹ thấm ướp vào câu hát bài chòi nồng đượm. Mẹ mỏng manh dáng lúa nhưng mẹ cũng sừng sững, uy nghi tựa bức trường thành. Những người mẹ VNAH với sự hy sinh to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, những người mẹ đã hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc. Chúng tôi khắc họa lại hình ảnh những người mẹ tảo tần chăm con, rồi cũng quật cường, khí phách khi giặc tràn về, những suối tóc, nụ cười, nước mắt của mẹ…”.

Một tiết mục trong chương trình “Huyền thoại Mẹ”. Ảnh: T.CÔNG
Một tiết mục trong chương trình “Huyền thoại Mẹ”. Ảnh: T.CÔNG

Được dàn dựng thành 3 chương với những âm hưởng khác nhau, “Huyền thoại Mẹ” không chỉ tạc họa hình ảnh những người mẹ VNAH mà còn thể hiện khí thế những ngày đấu tranh của quân dân cả nước. Chương 1, chọn hình ảnh “Mẹ Âu Cơ” với “lời ru ngọt ngào tha thiết, lời ru thẳm sâu trầm tích, lời ru từ đất bay lên, từ cao xanh tỏa xuống, từ dòng sữa và máu thịt thân thương của mẹ chiết ra”, là khơi nguồn của những đứa con Việt Nam. Ở chương này, bằng nghệ thuật múa lập thể trong không gian rộng, hình tượng mẹ Âu Cơ tượng trưng cho lòng quả cảm của người phụ nữ Việt Nam được tô đậm. Những ca khúc như “Đất nước lời ru”, “Mẹ Âu Cơ” vang vọng giữa trùng trùng lớp người. Mạnh mẽ, dứt khoát, như một tổ khúc về Tổ quốc những ngày khai cơ, phần mở màn của đêm diễn nghệ thuật thực sự khiến người xem mãn nhãn.

Tiếp tục đưa cảm xúc của người xem qua một trường đoạn khác, khi chương 2 - “Tổ quốc và mẹ”  là sự sâu lắng, đau đớn và nước mắt. Cách điệu bằng những hình ảnh như mái chèo trên dòng sông lụa, con đò chở bộ đội qua sông, suối tóc – là dải lụa tượng trưng được kết từ bờ vai của bức tượng mẹ, hòa điệu cùng những ca khúc trữ tình về mẹ, không gian nơi đặt tượng đài Mẹ VNAH như chìm trong những lắng đọng, những tri ân chân thành. Ca sĩ Quang Hào, người con của đất Quảng trở về diễn trong đêm nhạc đặc biệt này, tâm sự: “Khi hát ca khúc “Người mẹ Quảng Nam” lúc nào mình cũng đầy niềm xúc động. Những người mẹ, dù trong chinh chiến đạn bom hay cả trong thời bình, luôn là những hình ảnh cao quý nhất, đáng tự hào nhất”. Chọn hình ảnh “suối tóc” để kết thúc trường đoạn “Tổ quốc và mẹ”, nhà văn Chu Lai viết trong lời bình cho chương trình nghệ thuật: “Tóc xanh của các cô du kích vùng ven, của các cô giao liên Trường Sơn. Tóc bạc của những người mẹ trong đội quân tóc dài thần kỳ mang tinh thần bất khả chiến bại của đường lối chiến tranh nhân dân. Một thời con gái đi qua chiến trường. Một thời mái tóc dãi dầu đạn bom, mưa nắng. Mái tóc của mẹ đã đi cùng, sống cùng lịch sử hùng anh. Mái tóc của mẹ bỗng thành một biểu tượng kiên trung, bền bỉ trong những khoảnh khắc chênh vênh nhất của lịch sử non sông”.

Chương 3 – “Người mẹ Việt Nam” với những ngợi ca, lời cảm ơn mẹ trên mỗi bước đi của những đứa con. Ở trường đoạn này, không còn những mảng sáng tối buồn đau mà là những buổi chiều thanh bình, nụ cười của mẹ tỏa ra như hơi ấm mùa xuân. Bằng những ca khúc với âm hưởng tươi sáng, hào hùng, người mẹ Việt Nam đồng hiện cùng những bước đi lên, phát triển của non sông, đất nước. Ở chương này, làn điệu dân ca bài chòi cất lên, như một điểm nhấn về vùng đất Quảng Nam anh hùng, yêu thương. Một chương trình nghệ thuật đủ hào hùng, đủ sâu lắng để người đến tham dự kịp nhớ lại hình ảnh những người mẹ Việt Nam, mẹ Quảng Nam anh hùng, kịp nhớ lại những chặng đường đã qua của một vùng đất giàu truyền thống. Nhiều người theo xe từ Tiên Phước xuống, từ Điện Bàn vào, từ cả những vùng núi cao Tây Giang, Đông Giang để chiêm ngưỡng “tượng đài của lòng dân”, để cùng nghe – xem một “Huyền thoại Mẹ” nhiều cung bậc cảm xúc.

Sau chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Mẹ”, người dân xứ Quảng còn được mãn nhãn với màn bắn pháo hoa tầm thấp. Ra về, ai cũng mang trong lòng mình những niềm hứng khởi, những nụ cười sau niềm lắng đọng của quá khứ.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dậy lên niềm xúc động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO