(QNO) - Trục lợi quỹ BHYT luôn là vấn đề khó đối với ngành BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị này đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp để chống hành vi trục lợi chính sách.
Ứng dụng chuyển đổi số để minh bạch
Từ ngày tích hợp thẻ BHYT và sổ BHXH vào ứng dụng BHXH số VssID, ông Nguyễn Hải Thanh (Núi Thành) thấy thuận tiện hơn khi đi khám bệnh vì không phải mang theo giấy tờ lỉnh kỉnh. Đồng thời, sau những lần vào bệnh viện khám, ông Hải có thể xem lại quá trình khám, đơn thuốc BHYT được cấp và chi phí đồng chi trả. Điều này giúp ông Hải giám sát được việc khám chữa bệnh BHYT của đơn vị y tế, hạn chế tối đa chuyện lợi dụng người bệnh để trục lợi quỹ BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh.
“Từ việc làm các thủ tục hành chính công cho đến đi khám bệnh đều thể hiện rõ nội dung trong ứng dụng nên chỉ cần đối chiếu lại hồ sơ khám bệnh bằng giấy do bệnh viện cung cấp với thông tin trong ứng dụng VssID là mình biết có đúng hay không. Nếu cơ sở khám chữa bệnh thực hiện không đúng là phát hiện ngay” - ông Thanh nói.
Tương tự, bà Lê Thị Bích Hoà (TP.Tam Kỳ) khẳng định: “Khi khám bệnh bằng VssID thì rất nhanh, tránh thất lạc thẻ giấy. Còn có thể theo dõi được quá trình khám chữa bệnh, chi phí đồng chi trả nên chúng tôi rất yên tâm. Một số bệnh viện ở Tam Kỳ đã áp dụng làm thủ tục bằng VssID, căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VneID nên tránh các thủ tục rườm rà hoặc mất thời gian kiểm tra lại hồ sơ thanh toán viện phí sau khi khám, chữa bệnh xong”.
Bác sĩ Trần Quang Đạt - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ (TP.Tam Kỳ) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, bệnh viện tiếp nhận, khám chữa bệnh BHYT ngoại trú cho 44.852 lượt và nội trú là 997 lượt bệnh nhân. Để hạn chế sai sót, trục lợi quỹ BHYT, đơn vị này đã tiên phong trong áp dụng VssID, CCCD và đây cũng là cách tối ưu thời gian khám chữa bệnh cho người dân. Từ đó, sẽ phát hiện các trường hợp khám bệnh không đúng mục đích.
Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ cũng xây dựng các kế hoạch quản lý, sử dụng hiệu quả chi phí khám chữa bệnh BHYT. “Về chuyên môn, chúng tôi luôn quán triệt đội ngũ bác sĩ, nhân viên trong quá trình chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng như chẩn đoán hình ảnh, nội soi… đúng tình trạng bệnh, không có trường hợp quá mức cần thiết” - Bác sĩ Trần Quang Đạt nói.
[VIDEO] - Bác sĩ Trần Quang Đạt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ:
Theo BHXH Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023 có 1.463.561 người tham gia BHYT, tăng 3.939 người so cuối năm 2022 và tỷ lệ bao phủ BHYT so dân số toàn tỉnh là 96,33%.
Trong tháng 6/2023, có 268.915 lượt ngoại trú, 28.961 lượt nội trú khám chữa bệnh BHYT với số tiền chi KCB BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh, chi thanh toán trực tiếp cho người bệnh hơn 145,6 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng là 1.760.585 lượt, gần 818,3 tỷ đồng.
Tăng cường công tác kiểm tra, cảnh báo
Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh BHYT minh bạch, chính xác, ngành BHXH Quảng Nam đang tiếp tục hướng dẫn cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện, rà soát, cập nhật dữ liệu và hoàn chỉnh các bảng theo quy định 3618/QĐ-BHXH để chuẩn bị thực hiện công tác giám định BHYT năm 2023. Hướng dẫn cập nhật danh mục thuốc, phê duyệt ánh xạ danh mục vật tư y tế năm 2023 tại một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Hướng dẫn kiểm tra các cở sở khám chữa bệnh thực hiện việc kết nối liên thông dữ liệu XML lên Cổng hệ thống thông tin giám định BHYT, đồng thời xử lý những khó khăn, vướng mắc cho đơn vị khi dữ liệu XML bị lỗi.
Với công tác tham gia đấu thầu thuốc, BHXH tỉnh đã cử viên chức tham gia tích cực vào các Hội đồng đấu thầu thuốc tại Sở Y tế, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, đảm bảo thực hiện chặt chẽ và theo đúng quy định.
Tuy nhiên, cho đến nay Sở Y tế còn đang tiếp tục thực hiện các giai đoạn tiếp theo của đấu thầu thuốc và chưa có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
“BHXH tỉnh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về tình hình đấu thầu thuốc tại tỉnh và tình hình cung ứng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ đấu thầu thuốc nhằm đáp ứng kịp thời sử dụng thuốc cho người bệnh” - Giám đốc BHXH Nguyễn Thanh Danh thông tin.
Ngoài ra, BHXH tỉnh đã rà soát thuốc, vật tư y tế và đã phát hiện một số thuốc, vật tư y tế sai tên đã bị lỗi trong quá trình cập nhật danh mục cơ sở khám chữa bệnh, BHXH tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở Y tế điều chỉnh.
Theo BHXH tỉnh Quảng Nam, công tác BHYT vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc như chi phí khám chữa bệnh BHYT gia tăng mạnh khi tăng 23,45% số lượt khám chữa bệnh và 28,93% về chí phí so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và khống chế, hoạt động của người dân trở lại bình thường. Bên cạnh đó nhiều cơ sở khám chữa bệnh có mở rộng khoa phòng, phát triển dịch vụ kỹ thuật, tăng bàn khám và giường bệnh đã gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT.
“Việc sai lệch danh mục thuốc, vật tư y tế trúng thầu của Sở Y tế so với danh mục theo quy định của Bộ Y tế đã làm khó khăn trong việc ánh xạ cập nhật danh mục tại tỉnh. Mặc dù đã tích cực đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận sau thanh tra kiểm tra và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH nhưng một số đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện” - ông Danh nói.
Để hạn chế trục lợi quỹ BHYT, BHXH Quảng Nam phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, cài đặt ứng dụng VssID cho người tham gia BHXH, BHYT.
Thực hiện công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT quý I, II/2023 theo quy trình giám định BHYT và Công văn số 889/BHXH-CSYT ngày 31/03/2023 của BHXH Việt Nam. Triển khai rà soát, đối chiếu, hoàn chỉnh, phê duyệt việc cập nhật các danh mục của cơ sở khám chữa bệnh theo quy định.
[VIDEO] - Người dân được chăm sóc, chữa bệnh tốt nhất khi tham gia BHYT:
Thực hiện tốt giám định theo chuyên đề và cảnh báo của Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến nhằm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh. Đồng thời, cảnh báo và chấn chỉnh kịp thời các cơ sở khám chữa bệnh có chi phí khám chữa bệnh gia tăng bất thường.
“Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đề ra, kịp thời ban hành kết luận sau thanh tra, kiểm tra và theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận đã ban hành. Tiếp tục thực hiện các giải pháp giám sát sử dụng thẻ BHYT của người bệnh tại các cơ sở y tế, tại nhà, nơi làm việc… nhằm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT” - ông Nguyễn Thanh Danh nhấn mạnh.