Đẩy mạnh giao dịch điện tử

DIỄM LỆ - SONG BÌNH 02/02/2016 09:34

Giao dịch điện tử là một nội dung quan trọng được ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đẩy mạnh thực hiện trong năm 2016. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính trong lĩnh vực BHXH, giúp doanh nghiệp, người lao động thuận tiện và tiết kiệm thời gian lẫn chi phí.

Thuận tiện cho doanh nghiệp

Với hơn 200 công nhân đang làm việc, mỗi tháng cán bộ BHXH của Công ty CP Dịch vụ, du lịch, thương mại và thời trang Yaly (TP.Hội An) phải đều đặn bỏ ra khoảng 2 ngày để thực hiện các thủ tục đóng các khoản BHXH khi còn thực hiện bằng tay, in ra giấy để đem nộp. Đó là chưa kể nếu có sai sót, BHXH chuyển trả thì còn phải mất thời gian thêm 1 ngày. Nhưng kể từ khi bắt đầu triển khai giao dịch điện tử, chị Bùi Thị Thu Hồng (cán bộ BHXH của Công ty Yaly) chỉ cần 1 ngày là xong mọi thủ tục đóng các khoản BHXH. Chị Hồng cho biết: “Tôi nhận thấy giao dịch điện tử là một bước tiến quan trọng, giúp ích cho doanh nghiệp rất nhiều, tiết kiệm mọi mặt. Từ khi có giao dịch điện tử, tôi không phải đi tới lui cơ quan BHXH nhiều, mọi thao tác đều làm qua mạng nhanh, tránh sai sót”. Thời gian đầu khi ứng dụng phần mềm giao dịch điện tử, cán bộ BHXH ở các doanh nghiệp gặp khó khăn do lỗi kỹ thuật, nhưng lỗi này được khắc phục thì mọi công việc giao dịch thu nộp BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đều thuận lợi. Ban đầu, khi được đi tập huấn ở tỉnh hay BHXH TP.Hội An do Công ty TS24 chuyển giao phần mềm thực hiện, người làm BHXH cứ lùng nhùng lỗ tai với những cách hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Từ khi BHXH TP.Hội An triển khai lại, hướng dẫn tận tay, giải quyết cụ thể trên hồ sơ phát sinh của công ty thì các cán bộ BHXH ở các công ty dễ dàng hơn trong việc thực hiện thủ tục mới. Chị Hồng nói rằng nếu như trong thời gian tới, việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cũng được giao dịch điện tử thì công tác quản lý cũng như việc giao dịch trong lĩnh vực BHXH càng thuận tiện hơn nữa cho doanh nghiệp.

Những đơn vị có sử dụng đông lao động thì giao dịch điện tử rất thuận tiện. Ảnh: D.LỆ
Những đơn vị có sử dụng đông lao động thì giao dịch điện tử rất thuận tiện. Ảnh: D.LỆ

Theo số liệu từ cơ quan BHXH tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 3.027/3.627 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, chiếm 83,46% tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Từ khi có giao dịch điện tử, các doanh nghiệp đều tiến hành nộp các khoản BHXH qua mạng, rất tiện ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan BHXH.

Ứng dụng mạnh mẽ

TP.Hội An hiện có 450 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động thuộc diện triển khai giao dịch điện tử. Triển khai từ đầu năm 2015, đến cuối năm, Hội An đã có 445 đơn vị đăng ký và thực hiện giao dịch điện tử (đạt tỷ lệ 98,89%), chỉ còn 5 đơn vị sử dụng giao dịch điện tử. Bà Trương Thị Minh Tâm - Giám đốc BHXH TP.Hội An cho biết: “Lúc mới triển khai giao dịch điện tử, cán bộ BHXH ở các đơn vị nói sao khó làm quá, nhưng khi chúng tôi hướng dẫn cụ thể trên hồ sơ phát sinh của đơn vị, họ lại thấy dễ làm và tiện lợi hơn rất nhiều. Phía doanh nghiệp cũng rất phấn khởi bởi tiết kiệm được khá nhiều thời gian quý báu. Cuối năm 2015, khi phần mềm tạm dừng để nâng cấp, lại phải làm thủ công như trước thì ai cũng “kêu trời”. Nay thì hoàn toàn ổn định với phần mềm sau nâng cấp”. Song song với việc đẩy mạnh giao dịch điện tử, BHXH TP.Hội An còn thực hiện công khai thủ tục hành chính kịp thời để các đơn vị, người dân biết. Từ đó khi giải quyết hồ sơ thủ tục liên quan sẽ không phát sinh bất cứ một thủ tục nào ngoài quy định để tránh làm phiền lòng các đơn vị, người dân. Ngoài ra, cán bộ giao dịch của BHXH ngoài thông chuyên môn nghiệp vụ còn phải có thái độ giao tiếp đúng mực, lịch sự, tận tình đối với mọi trường hợp đến giao dịch tại BHXH TP.Hội An.

Vì muốn tiện lợi cho doanh nghiệp, họ không phải đi lại nên BHXH phối hợp với ngành bưu điện thực hiện chuyển phát hồ sơ sau khi hoàn tất, chi phí do cơ quan BHXH chịu. Điều này hiển nhiên thuận lợi hơn cho đơn vị ở xa cơ quan BHXH, vì nhân viên bưu điện chuyển phát tận nơi. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế thì các đơn vị hành chính lại không thích làm kiểu này. Bởi họ cho rằng các cơ quan hành chính thường tập trung ở trung tâm một huyện, thành phố nên chỉ cần chạy xe máy vài phút có thể đến nộp tại cơ quan BHXH, vì vậy các đơn vị hành chính vẫn giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH. Ông Nguyễn Quang Thân - Giám đốc BHXH huyện Đại Lộc, cho biết: “Khi triển khai giao dịch điện tử, những đơn vị sử dụng đông lao động thì rất phấn khởi vì tiện lợi cho họ nhiều mặt. Nhưng những đơn vị ít lao động thì không mặn mà lắm. Ở Đại Lộc có 160/200 đơn vị đã đăng ký và thực hiện giao dịch điện tử. Các đơn vị hành chính thì vẫn giao dịch điện tử, nhưng khi có kết quả cuối cùng in ra giấy thì vẫn mang trực tiếp qua cơ quan BHXH chứ không chuyển phát qua bưu điện. Họ mang qua thì mình phải nhận, mục tiêu chung là tạo thuận lợi cho các đơn vị, người dân, không để họ phiền lòng nên hướng nào mà họ cảm thấy thuận lợi cho họ thì mình phải thực hiện”.

DIỄM LỆ - SONG BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy mạnh giao dịch điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO