Ngày 19.2.2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 28.8 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Thông tin và truyền thông (TT&TT). Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam nhân dịp lần đầu tiên Sở TT&TT tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống ngành, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết:
Trong hành trình hơn 70 năm xây dựng và phát triển, ngành TT&TT đã trải qua không ít lần sáp nhập, chia tách… Bộ TT&TT là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở… Theo đó, Sở TT-TT Quảng Nam cũng chỉ mới thành lập hơn 10 năm, trên cơ sở Sở Bưu chính - viễn thông cùng với tiếp nhận chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh và truyền hình từ Sở VH-TT&DL. Tuy còn khá “trẻ”, Sở TT&TT cũng đã có những thành tựu trên nhiệm vụ được giao.
- Bà có thể chia sẻ những thành tựu trong chặng đường hơn 10 năm thành lập của đơn vị?
- Bà Phạm Thị Ngọc Quyên: Thời điểm mới hình thành, bộ máy của đơn vị chỉ gồm 4 phòng: Văn phòng, Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Bưu chính - viễn thông, Phòng Thanh tra, với 15 cán bộ, nhân viên. Tuy thời gian ngắn, nhưng với đội ngũ cán bộ giàu lòng nhiệt tình, say mê nghiên cứu, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, Sở TT&TT dần ổn định hoạt động. Đến nay có thể nói đã trưởng thành, với 6 phòng chức năng, 2 đơn vị trực thuộc (Trung tâm Công nghệ TT&TT, Trung tâm Quản lý cổng thông tin điện tử Quảng Nam), tổng số cán bộ, công chức, viên chức gồm 60 người.
Sở Thông tin và truyền thông phối hợp tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Đại Lộc. Ảnh: T.T |
Trên lĩnh vực bưu chính - viễn thông, hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet ngày càng phát triển mạnh, phủ đến cả các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đến nay, 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn trên địa bàn được cung cấp dịch vụ điện thoại di động của các nhà mạng Vinaphone, Viettel, Mobiphone. Mạng lưới 3G ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ ổn định. Ngành bưu điện cũng không ngừng sáng tạo, chủ động trong kinh doanh, phục vụ, trước xu thế mới. Hệ thống mạng lưới bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã ngày càng được củng cố. Ngành bưu điện đã mở rộng thêm các dịch vụ mới, bên cạnh dịch vụ truyền thống, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính của tỉnh.
Sở Thông tin và truyền thông nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (năm 2015). Ảnh: T.T |
Trên lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng được trang bị, nâng cấp phục vụ công tác quản lý, điều hành. Như mạng WAN, mạng LAN, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh với 20 điểm cầu,… phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Phần mềm quản lý văn bản (Q-Office), “một cửa điện tử” được ứng dụng rộng rãi. Hầu hết thủ tục hành chính được công bố trên trang thông tin điện tử của các đơn vị ở mức độ 1, 2. Một số đơn vị bước đầu triển khai chính thức hoặc thử nghiệm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
- Từ chặng đường đã qua, có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm gì trong công tác quản lý, điều hành của đơn vị, thưa bà?
- Bà Phạm Thị Ngọc Quyên: Trước hết, đó là sự sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Sở xem đây là nguồn gốc của sự phát triển. Việc kiện toàn 6 phòng ban và 2 trung tâm trực thuộc với tổng số 60 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 9 thạc sĩ, 24 cử nhân; 12 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị… là minh chứng. Bên cạnh đó, đơn vị xác định công tác quy hoạch ngành có tầm quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý. Sở đã chủ động tham mưu, trình lãnh đạo tỉnh ban hành nhiều quyết định liên quan đến quy hoạch phát triển bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin. Có thể kể đến Quy hoạch phát triển ngành công nghệ thông tin tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Quảng Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020… Ngoài ra, nhiều đề án đã được xây dựng, triển khai nhằm phát huy nguồn lực để xây dựng ngành, như các đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính trên địa bàn Quảng Nam đến năm 2020; hay Đề án triển khai thực hiện đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…
Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực TT&TT. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên lĩnh vực quản lý ở các cơ quan, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp…
- Trong tiến trình hội nhập, những khó khăn, thách thức đặt ra đối với vai trò của ngành hết sức lớn, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp, thưa bà?
- Bà Phạm Thị Ngọc Quyên: Trước hết là hành lang pháp lý trong nhiều lĩnh vực của ngành TT&TT chưa đầy đủ. Hệ thống báo chí nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng, có tình trạng hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích, chồng chéo về nội dung. Tình trạng vi phạm pháp luật về quyền tác giả vẫn diễn biến phức tạp. Việc quản lý thuê bao di động trả trước còn nhiều khó khăn; tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn nhiều. Vấn đề an ninh mạng diễn biến phức tạp cũng là thách thức vô cùng lớn...
Thời gian tới, ngành TT&TT sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động trong quản lý nhà nước, chú trọng phát triển các đơn vị sự nghiệp. Ngành quyết tâm đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; triển khai tốt các quy hoạch, đề án về lĩnh vực TT&TT đã được phê duyệt. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng quản lý nhà nước về báo chí. Đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, in - phát hành trong xây dựng và phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ mới.
- Xin cảm ơn bà!
HOÀNG LIÊN (thực hiện)