Một khi hai lĩnh vực hàng không và du lịch có sự liên kết hiệu quả, lợi ích mang lại sẽ không chỉ dành cho đôi bên mà còn có thể kích thích sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của du khách và cộng đồng.
Xích lại gần nhau
Ngành du lịch Việt Nam sau mở cửa chưa có cơ chế chính sách đột phá liên quan thủ tục nhập cảnh và hình thức cấp thị thực cộng. Thêm nữa, việc phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh về sản phẩm dịch vụ du lịch khiến ngành du lịch vẫn khá chật vật trong tiến trình phục hồi.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, hàng không và du lịch có thể ví như một “cặp đôi hoàn hảo” và càng gắn kết chặt chẽ giữa hai bên thì càng có nhiều phía được hưởng lợi.
Hợp tác giữa du lịch và hàng không đã tạo cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện hơn cho du khách. Trong năm 2019, Tổng cục Du lịch và Vietnam Airlines đã ký hợp tác chiến lược giai đoạn 2020 - 2022 và Vietjet Air giai đoạn 2019 - 2021 về quảng bá, xúc tiến du lịch.
Dịch bệnh COVID-19 càng khiến hai bên xích lại gần hơn để tìm giải pháp khôi phục ngành, bao gồm nghiên cứu phối hợp xây dựng lộ trình mở cửa du lịch tương ứng với mở đường bay thương mại quốc tế cũng như thống nhất chính sách đối với khách du lịch.
Giữa năm 2022, tại Đà Nẵng cũng có Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 với sự tham gia của hơn 200 hãng hàng không, sân bay, đơn vị cung ứng dịch vụ hàng không.
Sự kiện mở ra thêm cơ hội tiếp cận các thị trường khách mới từ đường hàng không của Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung - nơi các chuyến bay thẳng quốc tế vốn còn hạn chế.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, bởi ước tính giá vé máy bay hiện vẫn chiếm 1/3 kinh phí chuyến du lịch.
Nếu liên kết tốt sẽ tạo ưu đãi tác động xây dựng sản phẩm du lịch của doanh nghiệp, đồng thời có những gói combo sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu chi tiêu của du khách.
Hàng không và du lịch cần bắt tay nhau để đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác làm mới các dòng sản phẩm chủ đạo gồm: du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa - ẩm thực - di sản, du lịch sinh thái - cộng đồng, du lịch đô thị - MICE.
Cộng sinh “vượt bão” COVID-19
Việc phục hồi dịch vụ hàng không, du lịch hậu COVID-19 không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm công bằng về sự phát triển giữa các vùng mà còn tạo động lực cho các ngành lĩnh vực khác, nhất là dịch vụ phát triển, khôi phục việc làm cho người lao động.
Việc phục hồi và tăng trưởng của ngành hàng không phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19; bởi nguồn khách này chiếm đến 70% lượng khách vận chuyển bằng đường hàng không.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Vietnam Travelmart đề xuất, cần có chính sách hỗ trợ để nhóm doanh nghiệp hàng không và du lịch tiếp cận nhóm khách sự kiện, hội nghị, MICE từ doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách hạng sang, giới siêu giàu để vừa tạo giá trị gia tăng cao vừa tăng sức hút truyền thông điểm đến.
Dự báo năm 2023, vận chuyển quốc tế của nước ta sẽ đạt 34 triệu hành khách (bằng 83% so với năm 2019).
Theo ông Bùi Minh Đăng - Phó phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), thời gian tới Cục Hàng không Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Tổng cục Du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn để kích cầu du lịch quốc tế, khuyến khích các hãng hàng không khai thác đường bay quốc tế đến các cảng hàng không ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất, phối hợp với cơ quan liên quan đề nghị Chính phủ xem xét các quy định đối với visa cho khách quốc tế theo hướng nới lỏng…