Dự kiến tại Kỳ họp thứ 12 sắp tới, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2026”, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi cấp, ngành, khai thác hiệu quả các nguồn lực, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và tổ chức.
Phân cấp 12 ngành, lĩnh vực
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam đã tập trung đẩy mạnh phân cấp quản lý trên các lĩnh vực trọng tâm: tổ chức bộ máy, công chức, viên chức; ngân sách; đầu tư công; xây dựng; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải; khoa học công nghệ; y tế.
UBND tỉnh đánh giá, việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước đã phát huy tính chủ động của chính quyền cấp huyện, cấp xã và các ngành trong thực hiện nhiệm vụ; tạo được tính đồng bộ trong quản lý theo ngành, lĩnh vực và lãnh thổ.
Đặc biệt, các nội dung phân cấp đã gắn với quy trình giải quyết hồ sơ công việc, giảm bớt các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý, quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ, việc thực hiện quy định phân cấp có một số hạn chế, cần được khắc phục, nổi cộm như: Nguồn lực đơn vị được phân cấp còn hạn chế.
Nhiều nhiệm vụ trước đây do sở, ngành quản lý được phân cấp, ủy quyền về cho cấp huyện, nhưng trong điều kiện tinh giản biên chế nên áp lực công việc các cơ quan hành chính rất lớn.
Các đơn vị này cũng chưa chủ động, tích cực trong việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Trong khi đó, các sở lại chậm tham mưu UBND tỉnh xây dựng đơn giá dịch vụ, chuyển giao nhiệm vụ mang tính hỗ trợ, phục vụ cho đơn vị sự nghiệp, còn ôm đồm nhiều việc mà cơ quan hành chính không nhất thiết phải thực hiện.
Với dự thảo đề án do Sở Nội vụ soạn thảo, giai đoạn 2022 - 2026, tỉnh tập trung đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với 12 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 04 ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Bà Hoa nói, việc phân cấp nhằm đảm bảo bộ máy chính quyền các cấp vận hành thông suốt, thống nhất, giải quyết kịp thời những yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội; tạo tính chủ động và khả năng tự chịu trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan được phân cấp.
“Phân cấp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đi đôi với công tác cải cách hành chính; đặc biệt là cải cách TTHC, cắt giảm các quy trình, thủ tục không cần thiết, rút ngắn thấp nhất thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp” - bà Hoa cho biết.
Thống nhất với dự thảo đề án, ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GT-VT cho rằng, việc phân cấp là tốt, nhưng đối với một vài nội dung công việc thì các đơn vị, địa phương có khả năng làm được.
Còn khi phân cấp, phân nhiệm giải quyết nhiều việc hơn thì cần đánh giá kỹ thực trạng và khả năng đáp ứng, để làm sao cân đối giữa nhiệm vụ và việc bố trí nguồn lực, đảm bảo thực hiện hiệu quả các nội dung được phân cấp.
Thực hiện đúng nguyên tắc
Theo ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh kế hoạch cụ thể; trong đó, giao nhiệm vụ cho các sở ngành rà soát về công tác quản lý nhà nước và TTHC để xác định rõ nội dung thực hiện phân cấp.
Trong 1.500 TTHC thuộc quyền giải quyết của UBND tỉnh và các sở ngành, UBND cấp huyện, sẽ rà soát làm rõ TTHC nào UBND tỉnh có thể phân cấp về các sở ngành để có thể phân cấp cho UBND cấp huyện và huyện phân cấp đến cấp xã.
Đề xuất các TTHC theo quy định của Trung ương là không được phân cấp và TTHC chưa thể phân cấp xuống dưới được do năng lực của cấp huyện chưa bảo đảm, cấp tỉnh thực hiện sẽ tốt hơn. Trong kế hoạch của tỉnh sẽ cụ thể hóa nội dung này gắn với lộ trình thực hiện từ năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, việc phân cấp phải được thực hiện đúng nguyên tắc quy định. Đề án được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh lần này chủ yếu nêu quan điểm, định hướng, lộ trình cụ thể để thực hiện việc phân cấp; còn UBND tỉnh sẽ có kế hoạch, danh mục, trình tự thủ tục đảm bảo theo đúng quy định để quyết định phân cấp.
Đối với những dịch vụ đã ủy quyền ổn định, trong quá trình thực hiện không có vướng mắc và tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thì đưa vào danh mục chuyển từ ủy quyền sang phân cấp.
Trong thực hiện phân cấp, sẽ xem xét đối với những cơ quan, địa phương cần bổ sung thêm nguồn lực (bao gồm con người, kinh phí, cơ sở vật chất) để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được phân cấp, nhưng cũng gắn với tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và đặc điểm của các địa phương khi thực hiện phân cấp. Những địa phương có những điều kiện vật chất, con người chưa đảm bảo thì phân cấp từ từ, ở lộ trình sau chẳng hạn.
Thống nhất việc phân cấp theo giai đoạn 2022 - 2026, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tỉnh vừa làm vừa đánh giá, có nội dung đưa vào phân cấp và đưa ra linh hoạt nhằm phát huy được hiệu quả. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá sẽ tiếp tục trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới.
“Nói sở ủy quyền xuống cho cấp huyện, tức là những cái quyền đó thuộc sở, chứ không thuộc UBND tỉnh; sở giao cho huyện bằng văn bản nào cho đúng quy định. Còn quyền của UBND, chủ tịch UBND thì UBND, chủ tịch UBND mới phân cấp, ủy quyền; có phân cấp xuống tiếp dưới cấp xã hay không cũng phải xem xét, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền. Trong quá trình làm, nếu phân xuống nữa tốt hơn thì tiếp tục thực hiện theo quy định” - ông Thanh nói.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng lưu ý, đã phân cấp thì đối tượng được phân cấp có quyền ký quyết định việc đó. Đây là sản phẩm cuối cùng của một TTHC, song để ra TTHC đó và thực hiện quyền ký quyết định là cả một quy trình của các cơ quan.
Bây giờ phân quyền xuống thì tất cả quy trình đó cũng phải được điều chỉnh, được phân cấp, hoặc được ủy quyền tương ứng. Vậy nên, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp tham mưu nội dung này cho tốt, làm rõ ràng các việc, bởi phân cấp là để làm tốt hơn.